Báo Công An Đà Nẵng

COVID-19 lây lan nhanh, nhiều nước Đông Nam Á đổi chiến lược tiêm vaccine

Thứ sáu, 04/06/2021 14:27

Đại dịch COVID-19 bất ngờ lây lan nhanh ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Philippines... khiến họ nỗ lực thúc đẩy mạnh việc tăng cường dự trữ vaccine ngừa COVID-19 cũng như thay đổi chiến lược tiêm chủng.

Philippines đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 93% nhân viên y tế. Ảnh: AP

Philippines hiện đang phải vật lộn với các vấn đề chạy đua tìm vaccine và đấu tranh với sự do dự của người dân trong việc tiêm chủng. Theo tờ Bernanews, giới chức y tế nước này hôm 2-6 đã thông báo về sự thay đổi trong chiến lược tiêm chủng của quốc gia, hướng tới đối tượng là những người có nguy cơ dễ mắc COVID-19 nhất tại thủ đô Manila và 8 khu vực lân cận. "Chúng tôi phải thay đổi nhóm đối tượng vì nguồn cung vaccine bị hạn chế. Lúc đầu, chúng tôi đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người song nguồn cung rất thất thường. Nếu chúng tôi tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất và có nguy cơ nhất, tỷ lệ các ca bệnh nặng, số ca nhập viện và tử vong sẽ giảm", Thứ trưởng Y tế Myrna Cabotaje phụ trách là người phát ngôn về tình hình dịch bệnh COVID-19 cho hay.

Nước này cũng đang tìm đủ biện pháp để giúp người dân vượt qua nỗi sợ hãi hay tâm lý kén chọn vaccine ngừa COVID-19, trong đó có treo thưởng những món quà thiết thực. Theo Straits Times, dù không gây bất ngờ như giải xổ số 1 triệu USD ở Mỹ nhưng chính quyền địa phương ở Philippines đã đưa ra những phần thưởng rất sáng tạo để khuyến khích người dân đi tiêm chủng như trao thưởng một con bò mỗi tháng, treo thưởng 25kg gạo mỗi tuần cho một người đã tiêm vắc xin may mắn bốc thăm được hay mở giải bốc thăm trúng thưởng một ngôi nhà.

Người đứng đầu Lực lượng Đặc trách chống COVID-19 của Philippines Czar Carlito Galvez Jr cho biết nước này đã nêu đề nghị được nhận khoảng 3 triệu liều vaccine AstraZeneca cùng với một số loại vaccine khác của Mỹ đã được cấp phép sử dụng. Bộ Y tế Philippines đã nhận tổng cộng 8,3 triệu liều vaccine tính đến ngày 31-5. Phần lớn số vaccine, khoảng 5,5 triệu liều, là vaccine Sinovac của Trung Quốc. Philippines ghi nhận số ca tử vong kỷ lục trong ngày 2-6 với 146 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 21.158. Bên cạnh đó, ngày 2-6 cũng ghi nhận thêm 5.200 ca bệnh, đưa tổng số ca mắc nước này lên 1,24 triệu người.

Tại Malaysia, khoảng 18% dân số dự kiến được tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp. Ông Khairy Jamaluddin, Bộ trưởng phụ trách Chương trình vaccine COVID-19 của Malaysia nhấn mạnh, tất cả vaccine đang được sử dụng tại Malaysia đều được WHO cấp phép. Cũng trong ngày 2-6, Malaysia lần đầu ghi nhận số ca tử vong lên 3 chữ số - 126 trường hợp với 7.703 ca mắc mới. Lần đầu tiên nước này cũng ghi nhận số ca tử vong theo ngày (2-6) vượt ngưỡng 100, ở 126 trường hợp. Trong một dự báo viễn cảnh tồi tệ nhất, Malaysia có thể chứng kiến hơn 26.000 trường hợp tử vong do COVID-19 tính đến tháng 9. Hiện Malaysia đang trong tình trạng phong tỏa toàn quốc kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ hôm 1-6.

Tại Thái Lan, Chủ tịch tập đoàn AstraZeneca James Teak thông báo Siam Bioscience, một công ty thuộc sở hữu của Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, đã giao lô vaccine đầu tiên sản xuất trong nước sang Anh. Trong cuộc họp báo ngày 2-6, ông Teak gọi đây là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh Thái Lan có thể sản xuất ra vaccine COVID-19 với chất lượng cao chỉ trong vài tháng. Siam Bioscience dự kiến bắt đầu xuất khẩu vaccine sang các quốc gia Đông Nam Á trong một vài tuần tới. Tuy nhiên, theo các bài viết truyền thông, lô hàng đầu tiên của Siam Bioscience sang Philippines vẫn đang bị trì hoãn.

Trong một động thái cho thấy nỗ lực chống dịch mạnh mẽ, Indonesia hôm 3-6 đã quyết định hủy bỏ các chuyến hành hương của người dân tới thánh địa Mecca ở Saudi Arabia. Bộ trưởng các vấn đề tôn giáo của Indonesia, Yaqut Cholil Qoumas công bố thông báo và cho biết Saudi Arabia cũng đã đóng cửa vùng đất thánh với người Hồi giáo. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Indonesia hủy bỏ sự kiện do lo ngại diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

Tình hình dịch bệnh tại Indonesia hiện rất căng thẳng. Tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 ở Indonesia mới chỉ khoảng 40/1.000 người. Vấn đề còn tệ hơn với Indonesia khi nước này vừa trải qua một sự kiện siêu lây nhiễm quy mô quốc gia: Eid al-Fitr, ngày lễ quan trọng nhất của người Hồi giáo. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Indonesia diễn ra chậm và vướng nhiều bê bối tham nhũng. Một số quan chức đã bị bắt vì lấy vaccine dành cho tù nhân để bán ra thị trường. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không có bước đột phá trong cuộc chiến chống dịch, chính phủ Indonesia sẽ đối mặt thảm họa y tế.

KHẢ ANH