Báo Công An Đà Nẵng

COVID-19 tiếp tục "càn quét" Indonesia

Thứ tư, 14/07/2021 11:27

Số ca COVID-19 mới trong ngày ở Indonesia lại tăng lên mức cao kỷ lục, trong khi số người chết cũng vẫn ở mức báo động.

Người dân Indonesia xếp hàng chờ lấy oxy.   Ảnh: AFP

Làn sóng dịch bùng phát ở Indonesia tiếp tục chứng kiến những con số tồi tệ trong ngày 13-7, có nguy cơ càng đẩy Indonesia đến bờ vực thẳm khủng hoảng COVID-19.

Nước này đã chứng kiến mức kỷ lục hơn 47.000 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 13-7, với con số ghi nhận thêm 47.899 ca mắc mới COVID-19 mới, vượt xa mức cao chưa từng có 38.124 ca được thiết lập chỉ một ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua là 869 ca - cao thứ ba kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3 năm ngoái. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng hơn 2,6 triệu ca mắc, trong đó có 68.219 ca tử vong.

Đây thực sự là diễn biến bất ngờ bởi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vào tháng 5, Indonesia dường như đã vượt qua đại dịch tồi tệ nhất. Câu hỏi đặt ra là  lý do nào đã nhấn chìm Indonesia như vậy?  Các nhà dịch tễ học cho rằng, lý do đầu tiên là do nước này chần chừ trong việc thắt chặt phong tỏa. Mặc dù chính phủ đã nhận định được rằng, làn sóng bùng phát dịch lần này là do người dân tụ tập quá đông trong dịp lễ tôn giáo Eid al-Fitr (Ăn chay) hồi giữa tháng 5, nhưng mãi đến ngày 3-7, nước này mới bắt đầu thực hiện các biện pháp phong tỏa khẩn cấp kéo dài 2 tuần (PPKM Darurat). Các nhà dịch tễ học từng cảnh báo về các đợt bùng phát và thúc giục chính phủ tăng hạn chế đi lại, tụ tập trong dịp lễ. Nhưng trước khi lệnh cấm đi lại ngắn hạn có hiệu lực, nhiều người đã đổ xô tới sân bay và nhà ga để trở về quê.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia liên tục tăng trong vài tuần qua là do hệ quả của kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr hồi tháng 5, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, trong đó có biến thể Delta. Theo các chuyên gia cho rằng, cách ứng phó COVID-19 của Indonesia đã xuất hiện nhiều vấn đề ngay từ đầu. Tới ngày 2-3-2020, giới chức Indonesia mới xác nhận 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, dù nhiều dấu hiệu cho thấy virus đã xuất hiện ở nước này từ đầu tháng 1. 

Bộ trưởng y tế khi đó, Terawan Agus Putranto, chỉ trích một báo cáo của Đại học Havard (Mỹ) nói rằng Indonesia có thể có nhiều ca nhiễm chưa được báo cáo. Ông thêm rằng, việc cầu nguyện đã giúp Indonesia ngăn chặn Covid-19.  Theo Tiến sĩ Dicky Budiman tại Đại học Griffith của Australia, trong bối cảnh virus vẫn âm ỉ, biến chủng Delta với khả năng lây lan mạnh và nguy hiểm  thật sự "đánh gục" Indonesia. 

Hiện nay, ngoài lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, Indonesia phát động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 toàn quốc vào ngày 13-1, với mục tiêu cung cấp vaccine cho ít nhất 181,5 triệu người để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Tính đến nay, quốc gia này tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 15 triệu người và gần 37 triệu người đã được tiêm 1 mũi vaccine. Indonesia cũng tính tiêm kết hợp hai vaccine để tăng khả năng chống chọi virus do sự nguy hiểm của biến chủng Delta.  

Hôm 12-7, Thái Lan cũng đã quyết định tiêm kết hợp 2 loại vaccine  Sinovac của Trung Quốc với AstraZeneca nhằm tăng cường khả năng bảo vệ khi số ca COVID-19 tăng đột biến. Quyết định này được đưa ra sau khi hàng trăm nhân viên y tế mắc COVID-19  dù đã được tiêm vaccine Sinovac đủ 2  mũi. Theo đó, thay vì tiêm hai mũi Sinovac, giờ đây mọi người sẽ được tiêm một mũi vaccine AstraZeneca sau mũi tiêm Sinovac đầu tiên. Các nhân viên y tế đã được chủng ngừa đầy đủ với Sinovac cũng sẽ được tiêm nhắc lại lần thứ ba bằng một loại vaccine khác. Vaccine này có thể là AstraZeneca hoặc vaccine mRNA, như Pfizer/BioNTech. Liều thứ ba này sẽ được tiêm từ 3 -4 tuần sau lần tiêm mũi Sinovac thứ hai. AstraZeneca hiện là vaccine duy nhất khác (ngoài Sinovac) đang có sẵn tại Thái Lan, trong khi vaccine Pfizer BioNTech do Mỹ tài trợ sẽ sớm được nhập về.

Thái Lan lần đầu tiên nhận vaccine Sinovac từ Trung Quốc và bắt đầu tiêm cho các nhân viên y tế của nước này vào tháng 2. Hôm 11-7, Bộ Y tế cho biết trong số hơn 677.000 nhân viên y tế đã được tiêm chủng đầy đủ với Sinovac, 618 người đã bị nhiễm bệnh trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7.

KHẢ ANH

Nga ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất

Ngày 13-7, Nga thông báo đã ghi nhận thêm 780 ca tử vong do dịch COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong khi số ca mắc mới tăng 24.702 trên cả nước.

Như vậy, đến nay Nga có hơn 141.000 ca tử vong vì COVID-19 trong tổng số 5,74 triệu ca mắc bệnh. Số ca mắc mới COVID-19 tại Nga đang có chiều hướng gia tăng do sự lây lan nhanh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 và tiến độ tiêm chủng còn chậm. Trong số các ca mắc mới ghi nhận có 4.991 ca tại thủ đô Moscow, nơi mà Thị trưởng Sergei Sobyanin đánh giá tình hình dịch COVID-19 bắt đầu lắng dịu. Theo giới chức y tế Nga, khoảng 30 triệu người ở nước này đã tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Hiện các cơ quan chức năng đang khuyến khích người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 do số ca mắc mới bắt đầu tăng mạnh vào tháng trước.