Báo Công An Đà Nẵng

COVID-19 tới 6 giờ 4/6: Thế giới trên 3,7 triệu người tử vong; Mỹ góp 19 triệu liều vaccine qua COVAX

Thứ sáu, 04/06/2021 07:19

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 425.487 trường hợp mắc COVID-19 và 9.023 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng xấp xỉ 173 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,7 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnhNhân viên LHQ kiểm tra lô vaccine ngừa COVID-19 theo cơ chế COVAX được chuyển tới Tunis, Tunisia, ngày 16/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 172.842.381 ca, trong đó có 3.715.110 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh tiếp tục là những vùng dịch “nóng nhất”.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 155.776.028 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 13.351.186 ca và 89.454 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 3/6, thế giới có tới 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 88 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tiếp đà giảm nhẹ.

Chú thích ảnhKiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 34.169.972 ca, trong đó có 611.543 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 28.572.655 ca và 340.719 ca tử vong. Đứng thứ ba thế giới là Brazil khi nước này ghi nhận 16.803.472 ca mắc và 469.388 ca tử vong.

Chú thích ảnhTổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Cleveland, Ohio, Mỹ, ngày 27/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 3/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chi tiết về kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều đầu tiên trong 80 triệu liều vaccine phòng COVID-19 mà ông đã công bố trước đó cho các quốc gia khác trên thế giới.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden nêu rõ Mỹ sẽ đóng góp khoảng 19 triệu liều vaccine thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Trong đó, hơn 6 triệu liều vaccine sẽ dành cho khu vực Mỹ Latinh và Caribbe, hơn 7 triệu cho khu vực Nam Á và Đông Nam Á và khoảng 5 triệu cho châu Phi. Ngoài ra, khoảng hơn 6 triệu liều sẽ được chia sẻ trực tiếp cho những nước gồm Canada, Mexico, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Ông Biden tuyên bố 25 triệu liều vaccine đầu tiên sẽ tạo tiền đề cho việc tăng độ bao phủ tiêm chủng toàn cầu, ngăn chặn các ca nhiễm mới, cũng như giảm gánh nặng cho các quốc gia dễ bị tổn thương.

Chú thích ảnhNgười dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 3/6, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) lần đầu tiên triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm từ 12 tuổi trở lên nhằm giúp bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi nguy cơ lây mắc COVID-19. Theo đó, trẻ em sẽ sớm được quay trở lại trường học và nhịp sống bình thường.

Các quốc gia khác cũng đã triển khai tiêm vaccine cho thanh thiếu niên. Trẻ em trên 12 tuổi sẽ có thể tiêm vaccine Pfizer/BioNTech, song những người trên 18 tuổi vẫn tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc. Hong Kong cũng đã mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ em trên 16 tuổi từ tháng 4 vừa qua. Tính tới nay, Hong Kong đã ghi nhận 11.849 ca mắc COVID-19, trong đó có 210 ca tử vong.

Tại bang Queensland của Australia, chính quyền bang cũng đang đẩy mạnh cuộc chiến chống đại COVID-19 bằng cách tiếp tục đóng cửa với bang Victoria và tăng cường thiết lập thêm các trung tâm tiêm chủng vào cuối tuần tới.

Chú thích ảnhCảnh vắng vẻ tại Sydney, Australia, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Theo chính quyền bang Queensland, bang Victoria được coi là một điểm nóng về COVID-19, do đó những người từng lưu lại bang này không được phép vào Queensland, ngoại trừ cư dân của Queensland, những người cũng phải cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn được chỉ định khi quay lại bang này.

Lệnh hạn chế trên được đưa ra sau khi số ca mắc COVID-19 tại Melbourne gia tăng nhanh chóng, buộc chính quyền phải phong tỏa thành phố cho tới ngày 10/6 tới. Những người từ bang Victoria đã tới Queensland trước khi lệnh đóng cửa biên giới cứng được áp dụng tuần trước cũng sẽ phải tiếp tục tuân thủ các quy tắc phong tỏa của bang Victoria.

Những hạn chế này bao gồm: chỉ rời khỏi nhà khi đi mua sắm thực phẩm và vật dụng thiết yếu, khi đi làm việc và học tập, chăm sóc người già và người bệnh, đi tập thể dục, đi tiêm chủng hoặc đi xét nghiệm.

Chú thích ảnhNgười dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại châu Âu, Italy đã triển khai chiến dịch tiêm chủng cho mọi người dân trên 12 tuổi sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) hồi tuần trước đã phê duyệt sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech cho thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi.

Sau sự khởi đầu chậm chạp vào đầu năm, do các vấn đề về tổ chức lẫn thiếu nguồn cung, chương trình tiêm chủng của Italy đã được đẩy mạnh. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy hơn 35 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân, với 12,4 triệu người - gần 23% dân số - hiện đã được tiêm đủ liều. Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên phải đối mặt với đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020. Cho đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 126.000 ca tử vong do COVID-19.

Tuy nhiên, các ca mắc đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây và nhiều biện pháp hạn chế chống dịch đã được dỡ bỏ, mặc dù lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cùng với các hạn chế đối với việc ăn uống trong nhà và quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Chú thích ảnhCảnh sát kiểm tra các phương tiện tại khu vực biên giới Đức - Áo, gần làng Oberaudorf, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, Đức đã sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ 4 nếu số ca mắc mới bất ngờ tăng giống như hồi mùa Thu năm 2020.

Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn cho biết ông đã bắt đầu thảo luận với các chuyên gia và Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) nhằm sớm phát hiện những nguy cơ và tìm ra chiến lược để tránh một làn sóng lây nhiễm mới. Sự thận trọng của Đức dựa trên thực tế là sau giai đoạn tỷ lệ nhiễm mới tương đối thấp hồi mùa Hè năm ngoái, tình hình dịch bệnh nhanh chóng chuyển sang giai đoạn xấu trong tháng 9 và tháng 10, khiến Đức phải áp đặt một số biện pháp phong tỏa trong tháng 11 và sau đó phải nhiều lần gia hạn biện pháp này, thậm chí phải áp đặt "phong tỏa cứng" trong nhiều tháng qua.

Hiện Chính phủ liên bang Đức có kế hoạch tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc, vốn là cơ sở pháp lý để đề ra các quy định về tiêm chủng hay chi phí xét nghiệm. Tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh lần đầu tiên được Quốc hội liên bang phê chuẩn ngày 25/3/2020, được gia hạn hồi tháng 11 năm ngoái và có hiệu lực tới cuối tháng 6 này.

Chú thích ảnhNgười dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại London, Anh ngày 24/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

EU tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch, theo đó từ mùa Hè này, du khách Nhật Bản sẽ được phép đi du lịch tại Liên minh châu Âu (EU) mà không cần giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong cuộc họp ngày 3/6, Hội đồng châu Âu đã nhất trí với đề xuất của đại sứ 27 nước EU đưa Nhật Bản vào danh sách các quốc gia mà du khách, thậm chí chưa được tiêm chủng ngừa COVID-19, có thể được nhập cảnh vào khối này. Như vậy, theo danh sách được cập nhật thường xuyên của EU thì công dân 8 quốc gia được nhập cảnh vào khối này bao gồm Nhật Bản, Australia, Israel, New Zealand, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.

Do đại dịch COVID-19, EU đã đóng cửa các biên giới bên ngoài của mình kể từ tháng 3/2020 đối với các chuyến du lịch không thiết yếu. Từ một năm nay, EU thiết lập và cập nhật thường xuyên một danh sách rất hạn chế các quốc gia có cư dân được phép đến châu Âu căn cứ vào tình hình dịch tễ của đất nước và tiến trình của chiến dịch tiêm chủng, số lượng các xét nghiệm được thực hiện cũng như độ tin cậy của dữ liệu. Các quốc gia được xem xét khi có tỷ lệ mắc COVID-19 dưới 75 ca/100.000 người trong 14 ngày qua.

Chú thích ảnhNgười dân thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng chờ mua sắm bên ngoài một siêu thị ở Gateshead, Anh ngày 9/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, tỷ lệ nhiễm bệnh ở Nhật Bản là 64 ca/100.000 dân trong hai tuần qua. Tuy nhiên, 10 trong số 47 tỉnh của Nhật Bản vẫn trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Chiến dịch tiêm chủng cũng bị chậm đáng kể ở quốc gia này, nơi mới chỉ có khoảng 2,5% dân số được tiêm hai liều vaccine Pfizer/BioNTech.

Kể từ tháng 5 vừa qua, EU cũng quyết định cho phép những du khách đến từ các nước thứ ba đã được tiêm chủng được nhập cảnh đi du lịch tại châu Âu. Những người này phải được tiêm một liều vaccine cần thiết đã được Cơ quan dược phẩm châu Âu phê duyệt (gồm các vaccine Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson) ít nhất 14 ngày trước khi đến EU.

Các quốc gia thành viên EU cũng có thể chấp nhận những du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 khẩn cấp vốn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp nhận gồm vaccine Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc.

Chú thích ảnhNgười dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 28/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.932 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 80.250 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Myanmar.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong cao thứ hai Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.

Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 3/6 dẫn đầu toàn khối.

Chú thích ảnhKiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 10/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua.

Ngày 3/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhật khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 103 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc, một bước đi hết sức cứng rắn và khó khăn.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 122 ca bệnh mới và có 3 trường hợp tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 31/5 ghi nhận thêm trên 3.886 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 39 người.

Chú thích ảnhPhun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 4/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 729 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 80.255 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 537 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.105.698 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.718.020 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ngoài Brunei, còn lại tất cả các nước thành viên ASEAN khác đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Theo Báo Tin tức