Báo Công An Đà Nẵng

Covid-19 trên đà lây lan mạnh khắp toàn cầu

Thứ tư, 29/07/2020 18:48

Dịch bệnh Covid-19 là “trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng nhất về sức khỏe cộng đồng” mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đối mặt, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh như vậy trong tuyên bố đưa ra hôm 28-7 khi nhiều nước đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng bất ngờ và đáng sợ.

Người dân Mỹ mang khẩu trang khi chờ nhận thực phẩm tại quận Queens, New York.   Ảnh: AP

Theo Worldometers, tính đến ngày 28-7, toàn cầu ghi nhận gần 17 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 650.000 trường hợp tử vong. Mối lo đặc biệt đáng sợ khi chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc mùa hè ở các vùng bán cầu bắc và nhiều nhà dịch tễ học dự đoán virus sẽ trở lại đỉnh điểm vào mùa đông.

MỐI LO LẶP LẠI Ở TRUNG QUỐC

Trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi các quốc gia nằm trong số những nơi đầu tiên bị virus tấn công, các quốc gia chứng kiến nhiều ca nhiễm mới và dường như không giải thích được về sự gia tăng số lượng các ca bệnh. Nhiều làn sóng gần đây nhất của virus ở Trung Quốc, đặc khu Hồng Kông, Australia, và các nơi khác, đã gây ngạc nhiên cho các quan chức. Tất cả điều này cho thấy làn sóng dịch bệnh thứ hai đang lây lan mạnh trong khi làn sóng thứ 1 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, chứ đừng nói đến các khu vực thảm họa như Mỹ và Brazil.

Ngày 28-7, Trung Quốc báo cáo số ca mắc Covid-19 tại địa phương cao nhất kể từ đầu tháng 3 cho ngày thứ hai liên tiếp, với phần lớn trong số 64 ca nhiễm trong cộng đồng là ở Tân Cương. Khu vực này chứng kiến một đợt bùng phát mới ở thủ phủ Urumqi kể từ ngày 15-7, sau gần 5 tháng không có ca mới. Phía nam đặc khu Hồng Kông cũng đang trải qua một đợt bùng phát lớn mới, với hơn 1.000 ca mới trong 2 tuần qua, và 6 ngày liên tiếp với hơn 100 trường hợp. Tuần này, chính quyền Hồng Kông ra lệnh đeo mặt nạ ở nơi công cộng và hạn chế các cuộc tụ họp công cộng. Chính phủ Trung Quốc đại lục cũng sẽ giúp xây dựng một bệnh viện dã chiến theo kiểu Vũ Hán gần sân bay của Hồng Kông với sức chứa khoảng 2.000 giường bệnh. “Tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng. Chúng tôi đang đối mặt với nguy cơ bùng phát cộng đồng cao”, một quan chức Hồng Kông cho biết. Làn sóng gia tăng mới xuất hiện sau khi thành phố này gần như không có ca Covid-19, hạn chế phong tỏa và bắt đầu thảo luận về “bong bóng du lịch” tiềm năng với các khu vực hậu đại dịch khác trên thế giới.

Mặc dù có số ca nhiễm được ghi nhận vào ngày 27-7 giảm nhẹ, Nhật Bản chứng kiến một số con số tồi tệ nhất kể từ giai đoạn đầu của đại dịch, với khoảng 5.000 ca mới trong tuần qua, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (JHU). Sự việc tồi tệ nhất của đợt bùng phát mới đã tập trung ở thủ đô Tokyo, nơi ghi nhận 6 ngày liên tiếp với hơn 200 ca mới. Tuy nhiên, sự sụt giảm đó có thể là do có rất ít xét nghiệm được thực hiện trong kỳ nghỉ cuối tuần 4 ngày nhằm quảng bá du lịch nội địa.

Australia cũng đang trải qua một sự bùng nổ lớn về số lượng các ca nhiễm. Nước này đã chứng kiến số ca nhiễm giảm xuống vào tháng 6, nhưng lại bất ngờ tăng mạnh vào cuối tháng và bùng nổ vào tháng 7, với khu vực bị thiệt hại nặng nhất ở bang miền nam Victoria, nơi đã công bố thêm 384 trường hợp. Có 4.775 ca nhiễm ở Victoria, 414 trong số đó là nhân viên y tế, làm gia tăng căng thẳng cho khả năng điều trị bệnh ở tiểu bang.

CHÂU ÂU TÍNH PHONG TỎA LẦN 2

Không chỉ Châu Á-Thái Bình Dương, nhiều nước Châu Âu ghi nhận sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng và buộc phải lên kế hoạch cho làn sóng Covid-19 thứ hai, dẫn đến khả năng các quốc gia tái áp dụng lệnh phong tỏa giữa lúc hàng triệu người đang đi du lịch khắp lục địa trong kỳ nghỉ hè.

Tây Ban Nha hiện đang đứng thứ 5 về sự lây lan của Covid-19 trong số các quốc gia thuộc EU, chỉ sau Luxembourg, Romania, Bulgaria và Thụy Điển. Theo các chuyên gia, các đợt dịch bệnh lặp đi lặp lại ở các quốc gia này chủ yếu là do bùng phát từ các sự kiện giải trí và lễ hội. Các chuyên gia còn lo ngại, Tây Ban Nha một lần nữa có thể trở thành tâm dịch ở Châu Âu. Bồ Đào Nha từng được coi là hình mẫu trong cuộc chiến chống lại làn sóng đầu tiên của đại dịch Covid-19, giờ đây đang ở trong tình trạng tương tự như Tây Ban Nha. Theo dữ liệu mới nhất, có 39 trường hợp mắc mới được ghi nhận trên 100.000 người.

Mặc dù thực tế là ở các nước Châu Âu khác tình hình đã tốt hơn rất nhiều, nhưng hầu hết tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng lên trong thời gian gần đây. Theo Cơ quan Y tế Công cộng Pháp, số ca mắc Covid-19 mới được phát hiện mỗi ngày ở Pháp là 1.130, mặc dù một tuần trước đó con số này không quá 500 ca. Các ca nhiễm cũng tăng cao ở Đức với số ca được ghi nhận hàng ngày đã tăng vọt từ khoảng 500 đến hơn 800. “Con số lây nhiễm hiện tại một lần nữa nhấn mạnh, chúng ta vẫn đang ở tâm điểm của đại dịch. Và việc gia tăng du lịch, đi lại sẽ tạo rủi ro lây nhiễm cao hơn đối với người dân Đức”, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố.

Đặc biệt, chính phủ Bỉ thậm chí cảnh báo có thể ra lệnh phong tỏa hoàn toàn lần thứ hai sau khi số ca lây nhiễm mới tăng 89% trong tuần trước. Đến nay, Bỉ ghi nhận hơn 66.400 ca nhiễm và hơn 9.800 người chết vì Covid19. Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes đồng thời cảnh báo khả năng năm học mới có thể bị hoãn, đồng thời khuyến khích người dân làm việc tại nhà nếu có thể.

KHẢ ANH

Mỹ bắt đầu đợt thử nghiệm vaccine Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay

Y tá Carolyn Grausgruber tiêm vaccine thử nghiệm của Cty công nghệ sinh học Moderna cho tình nguyện viên Wade Bardo vào hôm 27-7.   Ảnh: AP

Ngày 27-7 (sáng 28-7, giờ Việt Nam), Cty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ bắt đầu quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với 30.000 tình nguyện viên nhằm chứng minh sự hiệu quả và độ an toàn của vaccine, công đoạn cuối cùng trước khi được phê duyệt.

Theo AP, đây là quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối ở quy mô lớn đầu tiên thuộc chương trình của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các biện pháp chống dịch bệnh Covid-19, với hy vọng việc có được vaccine nhằm giúp chấm dứt đại dịch đang khiến cả thế giới khốn đốn. Cty Moderna đã nhận được 1 tỷ USD đầu tư của chính phủ Mỹ. Hiện có khoảng hơn 150 ứng viên vaccine đang trong nhiều giai đoạn phát triển và khoảng hơn 20 loại đang được thử nghiệm trên người. Sau cuộc thử nghiệm, Cty này cho biết có thể sẽ đưa vaccine chống Covid-19 vào sử dụng cuối năm 2020. Moderna dự kiến sẽ sản xuất khoảng từ 500 triệu đến 1 tỷ liều vaccine mỗi năm, bắt đầu từ năm 2021. Cũng trong ngày này, trong chuyến thăm đến cơ sở sản xuất vaccine ở Bắc Carolina, Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ đánh bại Covid-19 bằng việc “công bố sản phẩm khoa học trí tuệ của Mỹ”. Tổng thống Trump dường như đặt mọi hy vọng vào việc nhanh chóng chế tạo thành công vaccine để ngăn chặn dịch Covid-19, cũng là con đường giúp ông lấy lại lợi thế để tranh cử tổng thống vào cuối năm nay. Mỹ hiện là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới vì Covid-19 với hơn 4,2 triệu ca nhiễm và gần 150.000 người tử vong.

THANH VĂN