Báo Công An Đà Nẵng

Crimea chọn Nga

Thứ ba, 18/03/2014 10:45

(Cadn.com.vn) - Người dân ở bán đảo Crimea đã chọn Nga thay cho Ukraine, động thái khiến Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ tức giận và đe dọa trừng phạt mạnh mẽ.

Reuters dẫn kết quả trưng cầu dân ý công bố sáng 17-3 cho biết, 96,7% cử tri ở Crimea bỏ phiếu chọn sáp nhập Liên bang Nga trong khi chỉ số ít khác chọn ở lại Ukraine nhưng với điều kiện “phải có quyền tự trị lớn hơn”.

Mikhail Malyshev, người đứng đầu Ủy ban bầu cử Crimea, tuyên bố trong cuộc họp báo: “Công việc của ủy ban đã hoàn thành”. Nghị viện khu vực Crimea ngày 17-3 tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và đệ đơn xin sáp nhập vào Nga, đồng thời khẳng định, toàn bộ tài sản của nhà nước Ukraine trên bán đảo này sẽ được quốc hữu hóa. Một phái đoàn nghị viện Crimea đến Moscow trong ngày 17-3, bàn các thủ tục cần thiết để bán đảo trên biển Đen này trở thành một phần lãnh thổ của Liên bang Nga.

Trong khi đó, Dumar Quốc gia Nga (Quốc hội) sẽ thảo luận về tương lai Crimea vào ngày 21-3 tới. “Tất cả các quyết định pháp lý cần thiết về kết quả trưng cầu sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt”, Sergey Neverov, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga tuyên bố.

Người dân Crimea vui mừng khi đã quyết định sáp nhập với Nga. Ảnh: Reuters

“CHIẾN THẮNG TOÀN DIỆN”

Kết quả lần này cho thấy, người dân Crimea xem tương lai của họ là một phần của Nga.

Tại Quảng trường Lenin ở trung tâm thủ phủ Simferopol của Crimea, người dân vẫy cờ, nhảy múa ăn mừng. “Yêu mến Putin, ông là một tổng thống rất tuyệt vời!”, Olga Pelikova, 52 tuổi, vui mừng nói khi pháo hoa thắp sáng bầu trời đêm ở Crimea. Trong khi đó, một phụ nữ khẳng định: “Nếu người Crimea muốn trưng cầu dân ý và sống độc lập, đó không phải tội ác”. Nhiều người hy vọng về một tương lai phát triển thịnh vượng hơn sau 2 thập kỷ bất ổn và tham nhũng ở Ukraine.

Crimea, với khoảng 2 triệu dân, từng là một phần lãnh thổ của Nga từ thế kỷ XVIII trước khi chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954. Sau Crimea, phong trào đòi gia nhập Nga đang bùng nổ ở Ukraine. Hàng ngàn người xuống đường, chiếm đóng một số tòa nhà chính phủ tại một số khu vực phía đông Ukraine để đòi quyền trưng cầu dân ý, gia nhập Nga. Tại Donetsk, trái tim của ngành công nghiệp phía Đông và là nơi bùng phát đụng độ hồi tuần trước, hàng ngàn người xuống đường vẫy cờ Nga.

“Đây là chiến thắng toàn diện. Chúng tôi ở đây, Donetsk, ủng hộ Crimea”, một người đàn ông tên Roman nói.

NGA - MỸ TRỞ LẠI CHIẾN TRANH LẠNH

Giới phân tích nhận định, kết quả lần này chính thức đưa Mỹ và Nga vào kiểu va chạm chưa từng có kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Moscow hậu thuẫn mạnh mẽ trưng cầu dân ý tại bán đảo ở biển Đen, nơi phần lớn dân số là dân tộc Nga. Mỹ và EU phản đối mạnh mẽ, coi cuộc trưng cầu lần này là “bất hợp pháp”. Điện Kremlin và Nhà Trắng ra tuyên bố, Tổng thống Putin và người đồng cấp Obama ưu tiên lựa chọn ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ Đông-Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, ông Obama khẳng định, điều kiện tiên quyết là quân đội Nga chấm dứt “cuộc xâm nhập” lãnh thổ người hàng xóm Ukraine trong khi ông Putin tiếp tục tố cáo chính phủ tạm quyền tại Kiev không bảo vệ được người nói tiếng Nga từ chủ nghĩa dân tộc bạo lực. Moscow khẳng định, họ có quyền và nhiệm vụ phải bảo vệ công dân Nga ở Crimea.

Hiện EU đang xem xét các biện pháp trừng phạt Điện Kremlin trong khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ không công nhận kết quả. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cấm đi lại, phong tỏa tài sản đối với 11 quan chức Nga và Ukraine, trong đó có Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, Thủ tướng Cộng hòa Crimea Aksyonov, cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich, 2 cố vấn hàng đầu cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và các thành viên Hạ viện Nga. Còn EU dự kiến hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh song phương lên kế hoạch vào tháng 6 tại Sochi. Trước tình hình căng như dây đàn này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông kêu gọi các bên bình tĩnh và kiềm chế ở Ukraine. Có thể thấy, Bắc Kinh vẫn cố tránh đưa ra bình luận về cuộc trưng cầu dân ý này. Tuy nhiên, họ tuyên bố sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Moscow - đồng minh ngoại giao gần gũi và đối tác kinh tế quan trọng.

Như một lời cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào Mỹ và EU, nhà báo Dmitry Kiselyov, được cho là có quan hệ gần gũi với Điện Kremlin, đứng trước hình ảnh một đám mây hình nấm trên chương trình truyền hình hàng tuần, tuyên bố: “Nga là nước duy nhất trên thế giới có khả năng biến nước Mỹ thành tro phóng xạ”.

Khả Anh