Báo Công An Đà Nẵng

Cty CP nông sản Tân Lâm (Quảng Trị): Nợ đầm đìa, nhà máy đóng cửa

Thứ ba, 21/10/2014 07:28

(Cadn.com.vn) - Trước mắt chúng tôi là nhà máy chế biến mủ cao su công suất 3.000 tấn/năm được nâng cấp đầu tư hơn 12 tỷ đồng vắng tanh. Đây là khối tài sản lớn của Cty CP nông sản Tân Lâm (gọi tắt Cty Tân Lâm, trụ sở tại xã Cam Thành, H. Cam Lộ, Quảng Trị) lâm vào cảnh đắp chiếu, trong khi nhiều khối tài sản lớn khác của Cty cũng đang được tính để bán nhằm trả bớt nợ ngân hàng. Kể từ năm 2012, cổ đông Cty đã không còn cảnh được chia cổ tức.

Trong tình cảnh thê thảm đó, khoảng 200 cổ đông là người lao động nhận khoán đất trồng cà-phê lại bàng hoàng phát hiện ra Cty đã  thế chấp đất và vườn cây cà-phê diện tích gần 200 ha mà trong đó họ sở hữu phần vườn cây để vay ngân hàng mà không được bàn bạc, thông qua.

Sẽ thiếu sót khi chỉ nói đến tình trạng hôm nay của Cty mà không nói về quá khứ một thời vang bóng, tự hào với tên gọi ban đầu là nông trường Tân Lâm. Năm 1974, nông trường quốc doanh Tân Lâm được thành lập và là nông trường đầu tiên của miền Nam sau ngày giải phóng với mục tiêu từng bước thành trung tâm chuyển giao tiến bộ KH-KT, làm hạt nhân để thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương và là điểm để nhân rộng khi giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Không phụ sự tin đợi, nông trường Tân Lâm đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và là niềm tự hào của người dân Quảng Trị. Cả “vùng đất chết” tây nam Cam Lộ đầy bom mìn đã hồi sinh thực sự. Cùng với sự phát triển và chuyển biến mạnh mẽ của đất nước, nông trường Tân Lâm cũng có nhiều thay đổi, điều chỉnh nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, nông trường chú trọng thay đổi hình thức giao khoán, chuyển giao cho người lao động làm chủ vườn cây, quan hệ với Cty qua hợp đồng giao nhận khoán, hai bên có trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi ngang nhau.

Điều này tạo động lực quan trọng để người lao động an tâm sản xuất, nông trường ngày thêm phát triển. Bắt đầu từ năm 2004, Cty hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với nhiệm vụ trồng trọt, chế biến, tiêu thụ nông sản, tư vấn sản xuất nông nghiệp và kinh doanh vật tư máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp. Có thể nói, với người dân Quảng Trị, khi nhắc đến Cty Tân Lâm là đậm sâu dấu ấn. Chính vì thế, tình cảnh hôm nay khiến không ít cán bộ, người dân chua xót, nhất là đối với những lao động đã có mấy chục năm gắn bó với nông trường.

Hình ảnh nhà máy chế biến mủ cao su ngừng hoạt động.

Sau khi cổ phần, vốn điều lệ của Cty khoảng 11 tỷ đồng, trong đó người lao động chiếm giữ khoảng 25% cổ phần, còn lại thuộc Nhà nước. Theo nhiều cổ đông, từ năm 2011 về trước họ vẫn được chia cổ tức khi Cty có lãi (năm 2011 Cty lãi 1,9 tỷ đồng). Thế nhưng năm 2012, Cty bất ngờ thua lỗ hơn 46 tỷ đồng. Đến năm 2013, lỗ lũy kế là hơn 50 tỷ đồng. Một con số “khủng” buộc người lao động không thể không suy xét, tìm nguyên nhân.

Trước ngồn ngộn thắc mắc của cổ đông, ông Phạm Tường Lân, Giám đốc Cty  giải thích, để thực hiện kế hoạch kinh doanh của Cty, HĐQT đã thế chấp tài sản vay vốn hoạt động trong gói vay 40 tỷ đồng (tính đến tháng 10 – 2014 còn 23 tỷ đồng vốn gốc chưa trả). Tài sản dùng bảo đảm gồm nhà máy, trụ sở, kho hàng, phần giá trị tín chấp, đất vườn cà-phê (18 tỷ đồng).

Trong phần thế chấp đất vườn cà-phê thì đất thuộc quyền sử dụng của Cty, còn phần lớn giá trị vườn cà-phê là của người nhận khoán. Ông Lân thừa nhận Cty chủ quan nghĩ rằng vay rồi trả như các năm trước nên không bàn bạc với người nhận khoán. Năm 2012, Cty kinh doanh thua lỗ do vậy chưa trả được hết nợ cho ngân hàng nên giấy tờ của tài sản đất vườn cà-phê thế chấp vẫn bị “treo” dẫn đến người nhận khoán phát đơn kiện. Cty thừa nhận sai sót.

Đề cập về nguyên nhân kinh doanh thua lỗ, ông Lân ví von như dân gian có câu “Giàu giờ ngọ, khó giờ mùi”. Vào năm 2012, giá cà-phê rớt thảm cùng nhiều yếu tố tác động từ thị trường dẫn đến Cty thua lỗ trầm trọng. Hay như hoạt động của nhà máy chế biến mủ cao su công suất 3.000 tấn/năm với kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Sau một thời gian hoạt động rất hiệu quả, đến năm 2013, nhà máy ngừng hẳn. Một phần do thiếu nguyên liệu (lỗi khách quan) phần khác do tình hình thua lỗ chung.

Tại cuộc đối thoại với người nhận khoán diễn ra trong tháng 10- 2014, về kinh doanh thua lỗ năm 2012, HĐQT, Ban Giám đốc Cty đều nhận thấy đã thực hiện đúng chức trách, không sai phạm, không vụ lợi cá nhân. Sự “thành thật” này khiến nhiều người không thỏa mãn. Một điều đáng nói, lỗ sau năm 2012, do nợ ngân hàng lớn, lãi phát sinh cao, cổ đông không đồng ý bán tài sản để trả nợ và không đưa ra phương thức giải quyết nào khác do vậy chưa cải thiện được tình hình. Như vậy, câu hỏi về trách nhiệm, về đáp số cho tương lai của Cty vẫn đi vào... bế tắc.

Bảo Hà