Báo Công An Đà Nẵng

“Cú đánh” mạnh tay vào nền kinh tế Trung Quốc

Thứ sáu, 31/01/2020 15:37

Trung Quốc đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để ngăn chặn sự lây lan của virus corona khi hàng triệu người sẽ trở lại nơi làm việc. Một số thành phố đã siết chặt việc kiểm dịch. Điều này sẽ gây ra những rắc rối lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một nhà máy sản xuất ô-tô giữa liên doanh Honda (Nhật Bản) và Dongfeng (Trung Quốc) tại Vũ Hán. Ảnh: AFP 

Sự bùng phát dịch virus corona đã leo thang ngay trước thềm Năm mới, một trong những sự kiện kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, năm ngoái, Bắc Kinh đã chi hơn 1.000 tỷ NDT (145 tỷ USD) cho việc mua sắm, ăn uống, giải trí và du lịch vào dịp lễ đặc biệt này. Hạn chế đi lại và lo ngại về sự lan rộng của dịch bệnh có nghĩa là mọi người không chi tiêu nhiều như vậy trong năm nay. Nhưng kỳ nghỉ kéo dài - đến ngày 2-2 trên toàn quốc và thêm một tuần nữa ở Thượng Hải và một số tỉnh - sẽ tác động đến hàng triệu người theo những cách khác nhau, khi các cơ quan chính quyền và trường học vẫn đóng cửa. Các Cty lớn như Tencent, Huawei và Alibaba sẽ cảm thấy những ảnh hưởng này, khi các trụ sở chính vẫn đóng cửa. 54.000 nhân viên của Tencent sẽ kéo dài kỳ nghỉ cho đến ngày 9-2.

Rất khó dự đoán chính xác thì “cú đánh” kinh tế sẽ lớn đến mức nào. Chuyên gia kinh tế của ING Iris Pang cho rằng dịch bệnh sẽ làm mức tăng trưởng trong quý đầu tiên của Trung Quốc giảm 0,3 điểm phần trăm. Nhưng Tommy Wu, nhà phân tích tại Oxford Economics, cho biết tác động kinh tế có thể tồi tệ hơn so với lần bùng phát đại dịch SARS hồi năm 2003, do virus corona đang lây lan nhanh chóng và diễn ra vào thời điểm vàng của du lịch trong kỳ nghỉ. Các nhà kinh tế tại Nomura cảnh báo, dịch corona có thể làm giảm hơn 2 điểm phần trăm trong quý đầu tiên - lớn hơn mức giảm trong quý thời diểm xảy ra dịch SARS. Patrick Perret-Green, nhà kinh tế của Cty nghiên cứu AdMacro, cho biết tác động đến tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc có thể còn nghiêm trọng hơn. "Sẽ không có sự phục hồi nhanh chóng. Vào thời điểm xảy ra SARS, Trung Quốc cũng như thế giới đang phát triển mạnh mẽ. Còn hiện giờ, Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu giống như bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo, và ai đó vừa rút dây nối ra".

Thách thức cho tăng trưởng

Trước khi dịch bệnh leo thang trong tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn khoảng 6%, giảm từ mức 6,1% vào năm 2019. Ông Perret-Green cho biết sự bùng phát và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh có thể đẩy tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc xuống mức cuối cùng từng xảy ra vào năm 1990, khi đó là 3,9%, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. "Nó có thể giảm xuống mức 4,5% và thực tế có thể gần bằng không", ông Perret-Green cho biết.

Bà Margaret Yang, nhà phân tích tại Cty môi giới thị trường CMC, cho biết "tác động bất lợi đối với kinh tế là rất lớn”. Theo bà Yang, tất cả các lĩnh vực đều sẽ chịu những tác động do việc kéo dài thời gian nghỉ Tết, đặc biệt là giao thông, du lịch, giải trí, bán lẻ và thương mại. Theo Andrew Batson và Ernan Cui, các nhà phân tích tại Cty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, du lịch và đi lại sẽ chịu tác động khủng khiếp. Hai nhà phân tích cho biết, các lĩnh vực này đã thu về 514 tỷ NDT (74 tỷ USD) trong kỳ nghỉ Tết 7 ngày vào năm 2019, tương đương với 2% GDP quý đầu tiên.

Hành khách đến từ Trung Quốc và Hồng Kông đang được kiểm tra thân nhiệt tại sân bay Kolkata (Ấn Độ).  Ảnh: PTI

Ngành du lịch chịu tác động nặng nề nhất

Số lượng các chuyến du lịch trong kỳ nghỉ Tết sụt giảm khủng khiếp. Ông Liu Xiaoming, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, hôm 26-1 cho biết, tổng số chuyến đi trên cả nước vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán đã giảm gần 30% so với năm trước. Đi lại bằng máy bay và tàu hỏa cũng giảm hơn 41%.

Các Cty du lịch, khách sạn và các hãng hàng không lớn đã hủy chuyến trong tháng 2. Một số hãng hàng không đang tạm dừng dịch vụ. Trong khi đó, các điểm du lịch lớn như các bảo tàng, Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh và thậm chí các công viên của Disney ở Thượng Hải và Hồng Kông đã đóng cửa. Bắc Kinh và nhiều thành phố khác trên khắp Trung Quốc cũng hủy bỏ lễ đón Tết Nguyên đán, hạn chế tụ tập người dân thành đám đông. "Điều này có nghĩa là họ sẽ vĩnh viễn mất doanh thu từ các hoạt động du lịch, vì các chuyến đi bị hủy bỏ sẽ không được thực hiện trở lại sau khi kỳ nghỉ kết thúc", ông Batson và Cui nhận định. Ngay cả sau khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, hoạt động kinh doanh cũng sẽ không trở lại như thường lệ. Nhiều người vẫn thận trọng, ở trong nhà và tránh những khu vực đông người.

Phép thử sự phụ thuộc kinh tế của thế giới vào Trung Quốc

Thế giới nhanh chóng nhận ra mức độ phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc ngay sau khi dịch virus corona bùng phát. Trung Quốc trở thành một phần thiết yếu của bộ máy công nghiệp toàn cầu hiện đại khi chiếm khoảng 1/6 sản lượng kinh tế toàn cầu và là nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Tầm quan trọng của nền kinh tế này dự đoán vượt xa hơn nữa. Người tiêu dùng của nước này mua nhiều ô-tô và điện thoại thông minh hơn bất kỳ nước nào khác. Ở nước ngoài, du khách Trung Quốc chi tiêu tới 258 tỷ USD mỗi năm, gần gấp đôi số tiền mà người Mỹ chi tiêu.

 Apple đang định tuyến lại chuỗi cung ứng. Ikea đang đóng cửa các cửa hàng của mình và phải trả lương cho các nhân viên ở nhà. Starbucks đang cảnh báo về một cú đánh tài chính. Ford và Toyota chưa thể hoạt động trở lại nhà máy lắp ráp lớn ở Trung Quốc trong một tuần nữa. Hôm 29-1, British Airways và Air Canada đã hủy tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục và Delta giảm các chuyến bay tới Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đang chuẩn bị cho một cú đánh có thể xảy ra và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang cẩn trọng theo dõi tình hình. Các khách sạn và nhà điều hành tour trên khắp châu Á đang dõi theo dịch bệnh một cách sợ hãi khi nguồn thu du lịch lớn nhất thế giới bị chặn do siết chặt biên giới.

Các nhà sản xuất ô-tô như General Motors và Nissan có kế hoạch đóng cửa các nhà máy cho đến tuần thứ 3 của tháng 2 để tuân thủ kỳ nghỉ Tết dài hơn mà chính phủ Trung Quốc đưa ra, trong khi Toyota và Ford cho biết trong tuần này họ sẽ đóng cửa một số nhà máy thêm một tuần nữa. Các công ty như G.M., Honeywell, Facebook và Bloomberg đã hạn chế việc đi lại của các nhân viên ở Trung Quốc và thiết lập các biện pháp tự kiểm dịch của riêng mình. Hôm 28-1, Cty cà phê Starbucks có trụ sở tại Seattle cho biết đã đóng cửa hơn một nửa trong số 4.292 cửa hàng tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai chỉ sau Mỹ. Tim Cook, giám đốc điều hành của Apple, cho biết vào nhà sản xuất iPhone đang tìm kiếm nhà cung cấp thay thế để bù đắp cho những tổn thất sản xuất dự kiến.

Tại Thái Lan, du khách Trung Quốc chi gần 18 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 1/4 chi tiêu của du khách tại nước này. Ông Yuthasak Supasorn, quan chức Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết, du khách Trung Quốc chiếm nhiều nhất tại đất nước Chùa Vàng. Ông cho biết, chính phủ đang tìm cách bù đắp cho các doanh nghiệp đã mất tiền từ sự sụt giảm du khách trong vài tuần qua. Chính phủ thậm chí đã xem xét giảm phí đậu đỗ máy bay cho các hãng hàng không và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu máy bay để thu hút nhiều du khách hơn. Các doanh nghiệp Nhật cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. “Nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian ngắn, chúng tôi lo ngại nó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản lượng và lợi nhuận của các Cty Nhật Bản”, ông Yas Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng về chính sách tài chính và kinh tế Nhật Bản phát biểu với báo giới trong tuần này.

Theo nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, trong khi triển vọng kinh tế toàn cầu đang khởi sắc trong những tháng gần đây thì mối đe dọa mới bất ngờ nổi lên do bùng phát virus corona ở Trung Quốc. Ông lưu ý, thiệt hại kinh tế gia tăng do virus mới này ở Trung Quốc và các nước trên thế giới hiện vẫn chưa xác định. Theo ông, có khả năng xảy ra ngắt quãng hoạt động ở Trung Quốc và toàn cầu.

AN BÌNH