Cụ Huỳnh-một đời cùng vận nước (3)
* Bài cuối: Cụ Huỳnh với quê hương
(Cadn.com.vn) - Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng nằm ngay trên tỉnh lộ nối liền TP Tam Kỳ với huyện lỵ Tiên Phước. Ngôi nhà do thân sinh Cụ Huỳnh xây dựng từ giữa thế kỷ XIX, theo lối kiến trúc nhà rường rất phổ biến nơi vùng quê này, gồm ba gian hai chái, mái ngói, tường vôi, hình chữ nhật, khung bằng gỗ mít. Ngôi nhà tuy được tu bổ nhiều lần nhưng các đặc điểm kiến trúc và khuôn viên vườn xưa vẫn được giữ lại. Ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1990. Ông Huỳnh Văn Thoàn (70 tuổi), một người cháu đang trông coi nhà lưu niệm cho biết, nơi đây lưu giữ những kỷ niệm thời niên thiếu của Cụ Huỳnh, nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nên một con người, một nhân cách mang tầm thời đại. Hiện ngôi nhà đang trưng bày nhiều tư liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động của Cụ Huỳnh. Ngoài gian giữa đặt bàn thờ cụ, còn có gian tư liệu, hình ảnh giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Cụ Huỳnh từ trước khi bị đày ra Côn Đảo đến nghị viện Trung kỳ, chủ bút báo Tiếng Dân rồi tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa với cương vị Bộ trưởng Nội vụ và quyền Chủ tịch nước...
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Tiên Phước. |
Những người cao niên ở Tiên Phước kể lại, khi được Bác Hồ cử đi kinh lý miền Trung và Nam Trung Bộ, lúc về đến quê hương Quảng Nam, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng được đồng bào ở đây đón tiếp rất nồng nhiệt. Cụ đi khắp nơi trong tỉnh thăm hỏi, nói chuyện với đồng bào. Tiếp xúc với bà con nông dân, Cụ khuyên tổ chức làm ăn tập thể để hỗ trợ nhau. Tại Tiên Phước quê hương của Cụ, Cụ nói với bà con nơi đây: “Tôi đã vào loại người sáng nhưng Cụ Hồ lại sáng hơn tôi nhiều. Cụ Hồ có những người giúp việc thông minh lắm! Giỏi giang lắm! Tin tưởng lắm! Cụ Hồ rất vĩ đại, dưới có đội ngũ giúp việc tài năng, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng. Ở Hà Nội, Hồ Chủ tịch rất tiết kiệm. Mỗi bữa ăn, Cụ Hồ chỉ dùng có 1 quả trứng”. Cụ Huỳnh tích cực vận động người dân tham gia kháng chiến, đi theo con đường Bác Hồ đã chọn. Đến ngày 19-4-1947, Cụ Huỳnh tiếp tục có bức điện gửi anh em các đảng phái tôn giáo: “Chủ nghĩa gì cũng chẳng nên trò nếu còn là dân nô lệ. Mong anh em hãy thực hiện ngay đoàn kết chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh–vị Anh hùng xuất chúng, vị Anh hùng của dân tộc. Tôn giáo cũng vậy. Người ta nói tôn giáo không có quốc giới. Tôi cũng tin vậy. Hơn nữa tôi tin sau này rồi cái gì cũng không có quốc giới. Nhưng ngày ấy còn xa”... Không chỉ vậy, cụ còn chửi mắng những người phản nước, hại dân. Khi về đến Vĩnh Điện (Điện Bàn), có một nhóm người hỏi “Tại sao Cụ lại ra lệnh “thanh trừng” nhóm Quốc Dân đảng tại Hà Nội?”, Cụ Huỳnh tức giận mắng rằng: “Quốc gia gì, dân tộc gì chúng nó, một lũ kẻ cướp giết người mà những người có học như các anh sao mà mê muội đến vậy?”...
Hôm nay, ngày 1-10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam, Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban T.Ư MTTQVN và tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1-10-1876 – 1-10-2016). |
Hiện nay, UBND H. Tiên Phước đã giải phóng mặt bằng một số hộ dân nằm bên nhà lưu niệm của Cụ Huỳnh để mở rộng khuôn viên di tích. Sáng 27-9, khi chúng tôi đến, ông Phùng Văn Nguy–Phó Chủ tịch UBND H. Tiên Phước có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác chỉnh trang mặt bằng, trang trí cây, hoa cho khuôn viên mới. Phía bên kia đường bên ngoài khuôn viên nhà lưu niệm, xe cơ giới cũng đang khẩn trương san ủi mặt bằng để tạo bãi đỗ xe cho các đoàn đại biểu về dự lễ... Đối với người địa phương nơi đây, từ trước đến nay họ luôn truyền dạy nhau về nhân cách, đạo đức, lối sống của Cụ cho con cháu học hỏi, noi theo. Ông Trần Văn Hoàng (73 tuổi, trú thôn 5, xã Tiên Cảnh) vui mừng cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên rất tự hào khi quê hương mình có một con người tài ba, đức độ như Cụ Huỳnh. Hiện tôi có 2 đứa con làm trong cơ quan nhà nước và tôi luôn răn dạy chúng khắc ghi những đức tính cao quý của Cụ để sống, làm việc luôn được mọi người quý mến”. Còn ông Nguyễn Hùng–Bí thư xã Tiên Cảnh tự hào khi nói về Cụ: “Không riêng gì bản thân tôi mà người dân Tiên Cảnh nói riêng, người dân Tiên Phước nói chung rất tự hào về Cụ. Bởi Cụ rất liêm khiết, đức độ, tiếng vang của Cụ đã có từ bao đời nay... Đối với cán bộ xã thì việc học tập theo gương của Cụ là điều hiển nhiên, nhưng lâu nay người dân địa phương cũng đã tự truyền bá tư tưởng đạo đức, lối sống của Cụ cho con cháu học tập, noi theo. Đặc biệt, cuối năm 2015 xã đã đề nghị huyện đổi tên Trường Tiểu học số 1 Tiên Cảnh thành Trường Mính Viên (tên hiệu của Cụ) nhằm khắc ghi công ơn Cụ, đồng thời cũng nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ đến một chí sĩ tài ba được sinh ra trên mảnh đất này”. Ông Hùng cũng cho biết thêm, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và UBND H. Tiên Phước về các hoạt động tổ chức ngày sinh Cụ Huỳnh, những ngày qua xã đã tổ chức nhiều hoạt động như phối hợp với huyện treo khẩu hiệu tuyên truyền, vận động người dân giải phóng hành lang giao thông từ trung tâm xã đến ngã ba nhà Cụ Huỳnh, dọn dẹp đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch sẽ, đúc trụ bê-tông để treo cờ cho đúng quy cách... “Qua đó, vì cái chung nên hầu hết người dân đồng lòng chấp thuận. Hiện người dân Tiên Phước đã sẵn sàng cho Lễ kỷ niệm trọng thể này”- ông Hùng phấn khởi.
Người dân thắp hương tưởng niệm tại nhà lưu niệm Cụ Huỳnh ở Tiên Phước. |
Để tưởng nhớ công ơn to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, năm 2013, Đảng, Nhà nước đã truy tặng Huân chương Sao Vàng cao quý cho Cụ. Phát biểu tại buổi lễ truy tặng hôm ấy tại Tiên Phước, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Đây là phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước dành cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng, là sự ghi nhận, đánh giá rất cao công lao to lớn của Cụ đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của nhà văn hóa, chí sí yêu nước, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập và noi theo.
T.Tân-H. Anh