Báo Công An Đà Nẵng

Cụ ông 87 tuổi với 65 năm làm nghề cắt tóc

Thứ năm, 28/04/2016 10:38

(Cadn.com.vn) - Bên hông chùa Diệu Đế ở đường Chùa Ông (TP Huế), bao nhiêu năm qua tồn tại một quán cắt tóc nhỏ của cụ Phan Gia Cháu. Tôi gặp, biết cụ Cháu qua vài lần cắt tóc chỗ cụ. Ấn tượng về cụ trong tôi đó là một cụ ông khỏe mạnh linh hoạt và thú vị. Sự thú vị đến từng câu chuyện vui hằng ngày cụ kể với những người khách của mình. Cụ Cháu tâm sự, năm 1946 cụ vào Quảng Ngãi thăm người thân, rồi ở lại luôn trong đó học  nghề cắt tóc được 2 năm, sau đó lập gia đình và sống với nghề nơi đất khách.

Ông Cháu cẩn thận cắt tóc cho khách.

Năm 1955 cụ trở về quê hương, do không có công việc ổn định nên cụ tiếp tục công việc cắt tóc. Cụ xin dựng tạm quán phía trước cổng chùa Diệu Đế làm gần 50 năm. Từ năm 2000 cụ chuyển quán vào bên hông chùa. Cụ nói thời trước quán rất đông khách, có ngày đầu tắt mặt tối, cơm cũng không kịp ăn. Có thêm mấy đứa học trò phụ giúp nữa mà cũng làm không kịp. Nghề cắt tóc chẳng khác nào nghề làm dâu trăm họ, chính vì vậy những tay kéo như cụ cần phải mềm mỏng chiều theo ý khách. Điều quan trọng không kém là đôi khi người thợ cắt tóc cũng cần có duyên và gu thẩm mĩ của nghề để làm vừa lòng khách. Khách cũng có năm, bảy loại nên muốn đông khách đến với mình hoặc lần sau khách trở lại thì các ông chủ "bàn gương" cần có một chút sáng tạo về kiểu tóc và khả năng nói chuyện cho khách đỡ nhàm...

Hơn 60 năm làm nghề với tuổi đời nay đã 87 tuổi nhưng đều đặn mỗi ngày cụ Cháu làm việc từ 7 giờ 30 cho đến 5 giờ chiều. Cụ chia sẻ: "Làm nghề này nếu nói vất vả thì không vất vả lắm nhưng phải nỗi thất thường, phải kiên trì mới kiếm sống được. Một ngày trung bình đông khách thì cũng kiếm được 200 ngàn đồng, còn ngày nào khách ít thì cũng chỉ được năm ba chục ngàn, có hôm trời mưa to quá thì ngồi cả ngày không có khách nào. Các con của tui đứa nào cũng đã lớn lập gia đình rồi ở riêng, gia cảnh tụi nó cũng không đứa nào khá giả cả nhưng vẫn khuyên tui nên nghỉ ngơi nhưng mà ở nhà buồn lắm, làm tới khi nào mắt mờ, tay run thì mới nghỉ". Nhằm đáp ứng các kiểu tóc hợp với xu thế hiện nay, cụ Cháu thường xuyên xem tivi về các nhà tạo mẫu tóc, hay vô mạng tìm hiểu. Nhờ đó không những các vị khách đứng tuổi, nhiều người trẻ khi tìm đến cụ yêu cầu kiểu tóc của diễn viên, ca sĩ nào, cụ vẫn đáp ứng được.

Hơn nửa đời người làm nghề cắt tóc, điều mà cụ tâm đắc khi giữ nghề là được giao tiếp, học hỏi với nhiều người. "Tuy giờ mình đã có tuổi nhưng khách vẫn đến liên tục, cứ có khách là mình phải phục vụ đã. Người ta tin tưởng tay nghề mình thì họ mới tìm đến, chứ thời buổi giờ thiếu chi tiệm cắt tóc "hoành tráng"-cụ nói. Giá cắt tóc của cụ cũng khá bình dân, chỉ 15 ngàn đồng/lần cắt tóc. Đối với học sinh, sinh viên thì lấy giá rẻ hơn. Nhiều vị khách gắn bó, trung thành  với quán cắt tóc của cụ cả mấy chục năm. Câu chuyện thú vị nhất mà "cây kéo vàng" lão làng kể là những người trở thành khách ruột của cụ từ khi cụ bắt đầu vào nghề. Cụ tâm sự, có những người khách già thỉnh thoảng vẫn nhờ con cháu chở đến tiệm cụ để cắt, có gia đình cụ từng cắt cho cả ba-bốn thế hệ. Niềm vui của cụ là giữ cái "vóc" cho người khác suốt mấy chục năm nay.

Ông Nguyễn Hải (60 tuổi) một khách quen của cụ Cháu, chia sẻ: "Tui đến đây vừa cắt tóc, vừa nói chuyện với cụ Cháu, một người trải qua chiến tranh cho đến hiện tại hòa bình có nhiều chuyện vui lắm". Và điều người ta nhớ đến cụ Cháu "cắt tóc" là cái tính hiếu khách, lúc nào trên môi cụ cũng nở nụ cười rạng rỡ như xua tan đi bao lo toan, vất vả, mệt mỏi của khách. Cụ cho hay, có hôm đang cắt tóc cho khách thì có mấy người nước ngoài đi qua, thấy lạ nên xin quay phim, chụp ảnh. Bởi theo họ ở cái tuổi như cụ rồi mà còn lao động được, đôi mắt còn sáng, tay thì vẫn nhanh thoăn thoắt. Thậm chí, còn có khách sau nhiều năm đi nước ngoài về vẫn tìm đến cụ cắt tóc. Cụ bảo đó không phải là khách nữa mà là "tri kỉ".

Văn Cường