Báo Công An Đà Nẵng

Cụ ông tốt nghiệp Thạc sĩ ở tuổi 85

Thứ ba, 12/06/2018 09:33

Khi ngoài 80 tuổi, ít ai nghĩ đến chuyện học hành chứ chưa nói đến việc đi học Thạc sĩ. Thế nhưng, cụ Lê Phước Thiệt (85 tuổi, trú Đại Lộc, Quảng Nam) lại lặn lội đi học. Qua hơn 2,5 năm đèn sách, cụ đã nhận được tấm bằng Thạc sĩ, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Đây là tấm gương sáng để con cháu và lớp trẻ học tập.

Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng ĐH Duy Tân (bên trái) tặng hoa, chúc mừng cụ Thiệt nhận bằng Thạc sĩ.

Hơn 2 năm trước, nhiều học viên khối cao học của ĐH Duy Tân và sinh viên trên địa bàn TP Đà Nẵng phải "tròn mắt" vì có thông tin cụ ông 82 tuổi đi thi Thạc sĩ và được tuyển thẳng vào học. Ngày 10-6-2018, sau thời gian học tập vất vả, cụ Thiệt đã nhận được tấm bằng Thạc sĩ, chuyên ngành Quản trị kinh doanh do Trường ĐH Duy Tân cấp.

25 năm định cư ở nước ngoài, Lê Phước Thiệt quyết định trở về quê hương, sống trong tình làng nghĩa xóm và đồng hành cùng người dân Hoán Mỹ, Ái Mỹ của tỉnh Quảng Nam tham gia hoạt động xã hội vì cộng đồng.

Tháng 6-2001, ông Lê Phước Thiệt tốt nghiệp ĐH Bang California (Hoa Kỳ) khi gần bước sang tuổi 70. 7 người con tại Hoa Kỳ giờ đây đã trưởng thành và thành đạt với các vị trí Tiến sĩ, Bác sĩ, Chuyên gia của Tập đoàn Cisco… Năm 2013, cụ Lê Phước Thiệt và vợ quyết định quay trở về quê nhà ở TT Ái Nghĩa, H. Đại Lộc, sau 40 năm định cư ở Mỹ. Tình cờ đọc được Hồi ký của Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Hiệu trưởng ĐH Duy Tân, cảm phục tấm gương của người chiến sĩ cách mạng trung kiên với khát vọng "canh tân" giáo dục, cụ Thiệt đã quyết định nộp hồ sơ và được đặc cách vào học cũng như được miễn toàn bộ phí cao học ngành Quản trị Kinh doanh tại ĐH Duy Tân.

Cụ Lê Phước Thiệt chia sẻ về quyết định đi học ở tuổi 82 rằng: "Để sau này có đứa cháu nào không chăm lo học hành, bố mẹ chúng có thể lấy tấm gương "ông nội đến tuổi đó vẫn chuyên tâm học hành" răn dạy con cháu. Như vậy là tôi mãn nguyện rồi".   

Để có bước tiến vào Thạc sĩ, cụ Lê Phước Thiệt trải qua một quá trình tự học lâu dài. Tự học để đỗ Tú tài 1, Tú Tài 2 và sau khi có bằng Cử nhân Tài chính, cụ vẫn "chuyên tâm học hành". Và cho đến năm 82 tuổi, cụ vẫn bắt đầu đi học Quản trị Kinh doanh. Sự học bây giờ không phải để khởi nghiệp kinh doanh, không phải để tham gia thương trường mà với cụ, học để có kiến thức, để tự tin làm những việc mình mong muốn, học để bộ não được tinh tường, nhạy bén và học để thấy tuổi già thật ý nghĩa, để sau này không còn thấy hối tiếc vì sự học chưa thật trọn vẹn.

Cùng với việc đam mê học tập, cụ đã tham gia rất nhiều hoạt động xã hội từ khi trở về Việt Nam. Ngoài việc tham gia công tác tại Hội khuyến học Khu Hoán Mỹ, Ái Mỹ, Khu 6, tham gia phong trào thể dục thể thao, cụ Lê Phước Thiệt đã hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn nối dài tuyến đường khu 6 - khu Hoán Mỹ dài 700m, góp sức xây dựng hệ thống điện thắp sáng, phát quà trung thu cho thiếu nhi khu Hoán Mỹ, trao quà cho trẻ em tại Trại Mồ Côi H. Đại Lộc…

Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Thường trực ĐH Duy Tân chia sẻ: Trong suốt thời gian học tập tại ĐH Duy Tân, cụ Lê Phước Thiệt luôn là học viên đến sớm nhất và chăm chỉ nhất. Dù trời nắng hay mưa, dù có những lúc đau ốm, mệt mỏi nhưng cụ vẫn đến lớp đều đặn, không nghỉ bất kỳ 1 tiết học nào. Để đi học, cứ 16 giờ chiều hằng ngày, cụ Thiệt đi xe buýt từ Đại Lộc ra Đà Nẵng, rồi lại bắt xe ôm đến ĐH Duy Tân. Cụ là gương mặt thân quen đối với tất cả nhân viên của thư viện ĐH Duy Tân khi ngày nào cũng tới đọc sách, tìm kiếm tài liệu và đến 18 giờ vào lớp học.

Như tất cả các học viên khác, cụ Thiệt cũng tra cứu tài liệu và làm bài tập trên laptop, trao đổi với giảng viên và bạn học qua email, làm bài tập nhóm, thuyết trình... Thậm chí, cụ còn có lợi thế hơn so với các học viên khác khi thông thạo tiếng Anh, nhưng cụ vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân phải luôn cố gắng và chăm chỉ hơn nữa. Nhờ tinh thần ham học hỏi, sự cần cù và nỗ lực của bản thân, cụ Lê Phước Thiệt đã hoàn thành luận văn và bảo vệ tốt nghiệp thành công, ra trường theo đúng tiến độ đào tạo.

"Trước khi làm bài tốt nghiệp, tôi có bị ngã dập phần mềm tay phải. Bác sĩ nói tôi phải phẫu thuật thì mới mong khỏe lại, cộng với căn bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính tái phát khiến sức khỏe giảm sút. Tôi đã suy nghĩ đến chuyện dừng việc học lại,  nhưng nhờ sự động viên của Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, của TS Hồ Văn Nhàn - người hướng dẫn luận văn cho tôi, của các thầy cô trong trường và các bạn học viên, tôi đã có thêm động lực để tiếp tục thực hiện luận văn, hoàn thành khóa học", cụ Thiệt tâm sự.

NGUYỄN TUẤN