Cử tri "soi" công tác quản lý của nhiều bộ, ngành
(Cadn.com.vn) - Ngày 7-5, ông Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri (TXCT) là đại biểu UBMTTQVN quận, huyện, phường, xã và đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận trên địa bàn TP. Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã kiến nghị, góp ý với Đoàn ĐBQH TP nhiều vấn đề bức xúc và gửi gắm nhiều tâm tư nguyện vọng ở kỳ họp QH lần này.
Cử tri của tổ chức Mặt trận nêu ý kiến với ĐBQH TP Đà Nẵng. |
Nhiều "việc lớn" còn tùy tiện
CT Lê Tự Cường bày tỏ không đồng tình về 2 vấn đề lớn mang tầm quốc gia là việc đăng cai tổ chức Asiad 18 và đề án 34.000 tỷ đồng nhằm đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông do các Bộ chủ quản đề xuất mà chưa thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là cách làm tùy tiện, gây nhiều bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. May mà những dự án này đã kịp bị "tuýt còi" chứ nếu triển khai thực hiện thì không hiểu hậu quả sẽ tới đâu. CT này cũng cho rằng đề án đến năm 2015 đưa chữ Hàn Quốc vào giảng dạy ở chương trình học phổ thông là không phù hợp, còn việc thay đổi sách giáo khoa liên tục gây lãng phí...
Cũng về vấn đề cải cách giáo dục, CT Nguyễn Hoàng Liễn cho rằng Bộ GD&ĐT đang độc quyền cả về chương trình và công tác biên soạn sách giáo khoa, lẽ ra Bộ chỉ nêu định hướng, xây dựng chương trình, còn việc làm sách nên để cho các hội, các nhà khoa học, sau đó Bộ sẽ chấm chọn những bộ sách giáo khoa nào có chất lượng tốt nhất. Còn CT Nguyễn Thị Vân Lan thì lo lắng vấn đề ai quản lý chất lượng cải cách sách giáo khoa, làm một chương trình lớn như vậy cần phải được đầu tư về thời gian, con người, trình độ, thực tiễn, còn ở ta, chỉ khi chuẩn bị quyết toán, Bộ Giáo dục mới "chạy nước rút" thì làm sao sách giáo khoa có chất lượng được.
Không bắt buộc thi môn lịch sử: sai lầm lớn
Đó là ý kiến của nhiều CT, trong đó ông Lê Tự Cường cho rằng thi tốt nghiệp THPT, trong đó môn lịch sử là một trong những môn tự chọn nên ít học sinh thi. Không thi thì học sinh sẽ không học, không biết về lịch sử, về truyền thống, đó là sai lầm lớn. Cùng quan điểm, CT Lê Đào cho rằng bỏ bắt buộc thi môn lịch sử là có tội với lịch sử, với dân dộc, đừng nặng việc học các ngành chuyên môn kỹ thuật mà xem nhẹ lịch sử, quên truyền thống quê hương, dân tộc.
Ý kiến CT khác thì khẳng định rằng vấn đề không phải là ở chỗ không bắt buộc thi môn lịch sử thì học sinh không học môn này, mà phải đổi mới cách dạy, cách tiếp cận lịch sử như thế nào để các em có hứng thú học, đánh thức sự tìm hiểu, khám phá về lịch sử của cha ông thì không phải lo việc các em không mặn mà với lịch sử và môn học này.
Nhiều lĩnh vực... kém
Bày tỏ mối quan ngại về công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực, CT Lê Đào cho rằng hiện nay ở nhiều lĩnh vực, công tác quản lý rất kém và còn bỏ ngỏ như: rừng, đất đai, môi trường, tài chính, cán bộ, quản lý thị trường... Một cử tri khác nêu một số dẫn chứng về tình trạng này như: nông dân càng được mùa thì càng thiệt vì giá xuống thấp; thương lái Trung Quốc lùng sục khắp nơi, khi thì mua lá khoai, lúc lại gây sốt giá thứ khác khiến cho nông dân ta cứ chạy theo đáp ứng để rồi cuối cùng nhận lấy thua thiệt, vậy thì những nhà quản lý đất nước, quản lý các bộ, ngành, địa phương ở đâu, quản lý thế nào mà để xảy ra tình trạng như vậy. CT cho rằng chính những yếu kém này đã ảnh hưởng đến chiều sâu tư tưởng của nhân dân dẫn đến niềm tin bị giảm sút là khó tránh khỏi.
CT Nguyễn Thị Vân Lan đồng tình dự thảo Luật Tổ chức QH, nâng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH thành Ủy ban Dân nguyện của QH vì cho rằng vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân ngày càng nhiều, cần phải có cơ quan quyền lực của nhân dân là Ủy ban Dân nguyện mới có chức năng, quyền lực để thẩm tra, giám sát, kiến nghị với QH những vấn đề người dân khiếu nại, tố cáo.
Những vấn đề CT có ý kiến góp ý đã được Đoàn ĐBQH và UBMTTQVN TP tiếp thu, tập hợp báo cáo UBTVQH và Ủy ban Trung ương MTTQVN.
Bài, ảnh: K.Thanh