Cử tri "soi" tiếp vấn nạn tham nhũng
(Cadn.com.vn) - Ngày 26-9, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng gồm các ông: Huỳnh Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch Quốc hội; Huỳnh Nghĩa- Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng; Thân Đức Nam- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiếp xúc cử tri Q. Cẩm Lệ và Q. Ngũ Hành Sơn để chuẩn bị kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII. Nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến địa phương và những mặt hạn chế nảy sinh trong cuộc sống đã được cử tri chất vấn các vị ĐBQH.
Tham nhũng, lợi ích nhóm qua lăng kính cử tri
Sau phần báo cáo nội dung liên quan đến kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII của ĐBQH Huỳnh Ngọc Sơn, các cử tri Q. Ngũ Hành Sơn và Q. Cẩm Lệ đã phản ánh những tồn tại vướng mắc liên quan đến địa phương và các mặt về KT-XH đất nước.
Các cử tri Lê Thưởng, Nguyễn Văn Sỏi (Q. Ngũ Hành Sơn) cho rằng: "Tham nhũng là một vấn nạn tràn lan từ T.Ư đến địa phương, làm cho người dân mất niềm tin vào bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên, công tác chống tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn hình thức, còn sợ người tố cáo vu khống, sợ mất cán bộ đảng viên, sợ mất đoàn kết trong nội bộ, sợ không đủ cơ sở để xử lý... Để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này đề nghị Quốc hội và Đảng cần phối hợp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh những vụ tham nhũng đã phát hiện, không nương tay với đối tượng có hành vi này. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị T.Ư thường xuyên xuống cơ sở để thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện sớm những hành vi tham nhũng của cán bộ, đưa ra xét xử đúng người đúng tội".
ĐBQH Huỳnh Ngọc Sơn- tiếp thu ý kiến cử tri Q. Ngũ Hành Sơn. |
Cử tri Trần Đăng Sơn (Q. Ngũ Hành Sơn) và cử tri Nguyễn Văn Ngãi (Q. Cẩm Lệ) nêu các vấn đề: Thực trạng tham nhũng tràn lan, tác động xấu đến đời sống xã hội nhưng công tác xử lý còn quá nhẹ, nhiều vụ "chìm xuồng". Tại nghị trường Quốc hội, nhiều vị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn còn quanh co, chất lượng thấp.
Hiện nay tình trạng giải quyết việc làm cho người lao động chưa được quan tâm đúng mực, nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Giá xăng dầu, điện ngày càng tăng tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Đằng sau câu chuyện tăng giá này liệu có liên quan đến lợi ích nhóm hay không?
Về các vấn đề này, đại biểu Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng thừa nhận phản ánh của cư tri là có cơ sở. Ông viện dẫn, đúng là vấn nạn tham nhũng thời gian qua chưa được xử lý nghiêm minh, nhiều vụ án đưa ra xét xử nhẹ, chủ yếu là án treo nên không đủ sức răn đe. Còn chuyện các vị Bộ trưởng né tránh, trả lời vòng vo thì ở kỳ họp QH lần này sẽ được khắc phục, nhất là sau đợt bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua, nhiều vị tự soi lại mình, nếu không muốn tiếp tục bị tín nhiệm thấp.
Vấn đề giải quyết việc làm, theo ông Nghĩa, đúng là hiện nay thực trạng cung thừa cầu, nhiều sinh viên đại học ra trường không kiếm được việc làm, chấp nhận làm trái ngành. Ông dẫn chứng, ở TP Đà Nẵng có chính sách thu hút nhân tài, trước đây những sinh viên Đại học có bằng khá, bằng giỏi đều được xem xét tuyển dụng. Nhưng hiện nay, sinh viên có bằng khá chưa chắc đã được thành phố nhận, nguyên nhân chính là do việc tuyển dụng quá nhiều thì chỉ tiêu biên chế sẽ phình ra, thành phố không kham nổi. Việc giá xăng dầu, điện, lãi xuất ngân hàng, giá vàng tăng kéo theo giá tiêu dùng tăng mạnh, tác động trực tiếp đến đời sống người dân, vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp sắp tới. ĐBQH TP Đà Nẵng sẽ chất vấn việc giá vàng, nợ xấu và lương cán bộ ngân hàng quá cao.
An sinh xã hội: Dân chưa an
Không riêng gì vấn đề tham nhũng và việc làm mới được quan tâm, các cử tri cũng chú trọng đến các ý kiến liên quan đến chính sách, an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường. Cử tri Nguyễn Văn Bá (Q. Cẩm Lệ) cho rằng, việc Bộ Y tế đưa ra 18 tiêu chí để xem xét đối với nạn nhân chất độc da cam là không thỏa đáng, bởi nhiều quân nhân tham gia kháng chiến ở vùng bị nhiễm chất độc hóa học cần phải được xem xét, giải quyết chế độ này.
Cử tri Ngô Đình Mười (Q. Ngũ Hành Sơn) lại cho rằng: "Mặc dù mấy năm qua, Đảng và Chính phủ có cải cách nhiều về chế độ tiền lương. Tuy nhiên, đối với những người tham gia kháng chiến vẫn còn quá thiệt thòi. Trong những năm chiến tranh, họ đã đóng góp cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng, trong số này có những người diệt hàng chục tên lính Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại sau khi chuyển ngành và lần lượt nghỉ hưu thì chế độ chính sách của họ quá thấp, không đảm bảo cuộc sống. Đề nghị, Quốc hội xem xét nâng mức lương hưu cũng như quan tâm nhiều hơn nữa đối với những đối tượng này.
Cử tri Nguyễn Văn Sỏi (Q. Ngũ Hành Sơn) cho rằng: Một số cán bộ Cty nhà nước nhận mức lương quá lớn trong một thời gian dài nhưng cấp trên không phát hiện, không biết đúng là quá vô lý. Để hạn chế xảy ra những trường hợp tương tự như thế, Quốc hội và Chính phủ cần chỉ đạo các cấp, ngành liên quan vào cuộc rà soát lại các mức lương của cán bộ các công ty nhà nước...".
Trả lời các vấn đề trên, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trang đó là do công tác kê khai tài sản chưa nghiêm, kê khai rồi để đó, không chịu kiểm soát, không quản lý. Một số ý kiến thuộc thẩm quyền của quận như: ô nhiễm môi trường, ngập úng do các công trình xây dựng gây ra, ông Huỳnh Nghĩa đề nghị chủ tịch các quận tiến hành kiểm tra, giải quyết và có báo cáo cụ thể về HĐND thành phố. Bên cạnh đó, những vấn đề vượt thẩm quyền và cần nghiên cứu, ông Huỳnh Nghĩa đã ghi nhận, tiếp thu và cam kết sẽ đưa ra chất vấn, thảo luận tại kỳ họp QH lần thứ 6, khóa XIII.
Bài, ảnh: N.Thảo - T.Dũng