Báo Công An Đà Nẵng

Cuba và IMF: Tiến đến chương mới?

Thứ bảy, 31/01/2015 09:07

(Cadn.com.vn) - Sau khi tái lập quan hệ với Mỹ, Cuba có thể dỡ bỏ gần 6 thập kỷ bị cô lập bằng cách bắt tay với kẻ thù cũ khác, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

IMF không chỉ là tổ chức cho vay lớn mà còn là tổ chức giữ kỷ luật chính sách kinh tế thế giới. Tuy nhiên, IMF từ lâu không có tiếng nói gì ở La Havana.

Quốc đảo Caribbean là thành viên sáng lập IMF trong năm 1944 cùng với sự ra đời của Ngân hàng Thế giới (WB). Nhưng vào năm 1964, 5 năm sau khi các lực lượng cách mạng của Lãnh tụ Fidel Castro lên nắm quyền, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên quay lưng lại với IMF, cũng như WB. Điều đó khiến La Havana ở cùng chiến tuyến với một trong số ít các quốc gia như Triều Tiên và Liechtenstein... – “ly khai” khỏi 2 tổ chức tiền tệ vốn là cốt lõi của hệ thống tài chính phát triển mạnh mẽ của thế giới.

Việc Mỹ - Cuba đang tiến đến bình thường hóa quan hệ mở ra nhiều cơ hội cho La Havana.
Ảnh: Wochit

THỜI ĐIỂM THAY ĐỔI

Nhưng hiện nay là thời điểm quyết định để thay đổi mọi thứ, khi Cuba và Mỹ đang trên con đường bình thường hóa quan hệ song phương sau hơn 50 năm sống trong thù địch.

Hôm 30-1, Chủ tịch Cuba Raul Castro tiếp tục ra tuyên bố tán thành mối quan hệ hòa bình giữa La Havana với Washington. Trả lời câu hỏi của phóng viên khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC) lần thứ III tại thành phố Belen, Costa Rica, ông Raul Castro cho biết điều ông mong muốn nhất sau khi Washington dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với La Havana là hòa bình. Cùng với đó, tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama nỗ lực xóa đi những mạng nhện quá khứ, mở ra con đường thẳng tắp từ Washington đến La Havana.

“Người Cuba giờ đây cởi mở hơn trong việc tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, thực sự họ đang mong muốn làm như vậy, và điều đó hàm ý về mối quan hệ bình thường với các tổ chức quốc tế lớn như IMF và WB”, Richard Feinberg, người từng là cố vấn về các chính sách Mỹ Latinh cho cựu Tổng thống Bill Clinton nhận định.

MỘT CHẶNG  ĐƯỜNG DÀI

Nền kinh tế Cuba hiện nay vẫn còn bị sốc do lệnh cấm vận của Mỹ từ năm 1961. Năm 2014, kinh tế Cuba tăng trưởng ở mức 1,3%, thấp nhất kể từ khi ông Raul Castro lên nắm quyền vào năm 2006.

Vì vậy, việc tham gia hai tổ chức kinh tế này có thể khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng lợi thế mở cửa du lịch từ Mỹ và các lĩnh vực từng bị chặn trước đây.

Nhưng trở lại với IMF không phải là điều đơn giản. Cuba sẽ phải nộp đơn yêu cầu chính thức, góp hàng triệu USD cho nguồn tài chính của quỹ, và sau đó đồng ý “thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của thành viên IMF”. Điều đó bao gồm việc dỡ bỏ bức màn về tình trạng nền kinh tế của đất nước, cung cấp dữ liệu về tài khoản chính phủ và trình đánh giá thường niên IMF.

Carl Meacham - Giám đốc Chương trình Châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng, câu hỏi đặt ra là liệu hai bên có tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề để tiếp tục bắt tay hay không. Hiện, IMF vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu tham gia nào từ La Havana. “Chúng tôi đang chờ đợi”, Trưởng đại diện IMF ở Tây Bán cầu cho biết. Và điều quan trọng là Washington - cổ đông lớn nhất của IMF – đang nghĩ gì. Cho đến nay, Mỹ không cân nhắc về vấn đề này. Khi được hỏi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki ngần ngại không trả lời.

“Chúng tôi thậm chí chưa nghĩ đến vấn đề này. Con đường còn dài”, Juan Triana, giáo sư tại Đại học La Havana nhận định. Ông chỉ ra sự cần thiết đối với Quốc hội Mỹ để loại bỏ luật cấm vận Cuba và loại La Havana ra khỏi danh sách chính thức các quốc gia tài trợ khủng bố. Miễn là hai vấn đề này được giải quyết, bài toán IMF và WB “không là gì cả”.

Khả Anh