Củng cố hợp tác trong nghiên cứu về kinh tế Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Trong 2 ngày 11 và 12-8, Hội thảo thường niên các nhà kinh tế học Việt Nam-VEAM 2016 diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng. Đây là Hội thảo thường niên dành cho các nhà kinh tế học cũng như học giả về khoa học kinh tế-tài chính và quản trị kinh doanh trên toàn thế giới gặp gỡ, trao đổi các kết quả nghiên cứu.
Hội thảo năm nay được đồng tổ chức bởi Trường ĐH Kinh tế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chính sách (DEPOCEN), Trung tâm Nghiên cứu khoa học Cộng hòa Pháp (CNRS), Đại học Ngoại thương và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Hội thảo là cơ sở để nuôi dưỡng một mạng lưới toàn cầu của các nhà kinh tế Việt Nam và các nhà khoa học xã hội khác nhằm mở rộng và củng cố hợp tác trong nghiên cứu về kinh tế Việt Nam. Đồng thời, hội thảo là cơ hội gặp gỡ của các cơ sở giáo dục đại học khối ngành kinh tế được tiếp cận, giao lưu, trao đổi hợp tác với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp về kinh tế trong và ngoài nước.
Ngoài 4 bài nghiên cứu chính của các nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới như GS.Markus Brueckner (ĐH Quốc gia Australia), GS.Duc-Tho Nguyen (ĐH Griffith), GS.Makoto Tawada (ĐH Aichi Gakuin) và GS.Wei Zhou (ĐH Kinh doanh Paris) được trình bày tại 4 phiên toàn thể, hội thảo còn có 25 phiên thảo luận chuyên sâu cho hơn 95 bài tham luận từ các học giả Việt Nam và từ 20 quốc gia trên thế giới.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Đặc biệt, GS Lê Văn Cường, một tên tuổi lớn trong giới khoa học kinh tế tại Pháp và quốc tế cũng có những chia sẻ xung quanh câu chuyện đào tạo và nghiên cứu của ĐH Việt Nam thông qua tham luận “Làm thế nào để nâng cao chất lượng của nghiên cứu và giảng dạy về kinh tế tại các trường đại học kinh tế tại Việt Nam?”. Ngoài ra, Hội thảo còn vinh dự chào đón GS.Nguyễn Đức Khương, giáo sư ngành tài chính, Phó Giám đốc Hợp tác khoa học quốc tế và nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế-Tài chính tại Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh Paris (Pháp), người vừa được dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc xếp thứ 7 trong số 200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc nhất thế giới. GS.Khương đã có những chia sẻ về lĩnh vực tài chính-ngân hàng rất bổ ích đối với các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV và ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển DEPOCEN đã thẳng thắn thảo luận nội dung về chất lượng nguồn nhân lực ngành tài chính-ngân hàng cũng như ý kiến của các doanh nghiệp đối với việc đào tạo, nghiên cứu về chuyên ngành kinh tế học ở trường ĐH. Ngoài ra, một số trường như ĐH New South Wales (Australia), ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân cũng sẽ có bài phát biểu về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy. Phiên thảo luận cũng là cơ hội hiếm có cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ có thể trình bày đề cương nghiên cứu của mình nhằm thu nhận những ý kiến đóng góp cũng như các ý tưởng từ các học giả tham gia hội thảo để hoàn thiện đề án.
PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, đại diện BTC chuyển đến Hội thảo thông điệp mạnh mẽ trong việc xây dựng nhà trường trở thành một trường ĐH định hướng nghiên cứu, tạo dựng môi trường học thuật tiên tiến nhằm thúc đẩy khám phá, ứng dụng, chuyển giao tri thức khoa học kinh tế và quản lý, giải quyết các thách thức kinh tế-xã hội phục vụ sự phát triển thịnh vượng của cộng đồng. Thông qua các phiên thảo luận, hội thảo sẽ đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề kinh tế trong môi trường hội nhập quốc tế, đưa ra những ý tưởng mới, chia sẻ kiến thức chuyên ngành mới cập nhật và trình bày về định hướng phát triển của các doanh nghiệp trong tương lai.
Phương Kiếm