Báo Công An Đà Nẵng

Củng cố sân sau

Thứ năm, 24/03/2016 08:39

(Cadn.com.vn) - Sau chuyến thăm lịch sử đến Cuba, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Argentine. Chuyên cơ chở Tổng thống Obama và gia đình hạ cánh ở sân bay thủ đô Buenos Aires trong sự tiếp đón của Ngoại trưởng nước chủ nhà Susana Malcorra.

Nhà lãnh đạo Mỹ sau đó hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà trước khi đến đặt vòng hoa tại Nhà thờ Metropolitan và gặp gỡ các doanh nhân trẻ. Chính phủ Argentine tăng cường mức độ cảnh báo an ninh trước và trong chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng, diễn ra chỉ vài giờ sau khi xảy ra loạt tấn công tại thủ đô Brussels của Bỉ.  Khoảng 3.000 nhân viên an ninh, trong đó có nhiều mật vụ Mỹ, được huy động để đảm bảo an ninh cho Tổng thống Obama, đặc biệt tại khu vực Nhà Hồng (Phủ Tổng thống), trụ sở Đại sứ quán Mỹ.

Đây là chuyến thăm được cho là một mũi tên trúng nhiều đích của Tổng thống Obama. Thứ nhất, ông chủ Nhà Trắng rõ ràng muốn sử dụng chuyến đi này để củng cố hệ thống "sân sau" Mỹ Latinh vững mạnh của Washington. Thứ hai, chuyến đi này sẽ giúp thiết lập lại quan hệ ngoại giao và tăng cường quan hệ thương mại với một quốc gia vốn là một phần của khối cánh tả lớn mạnh ở Nam Mỹ. Chuyến thăm lần này cũng là bước đi quan trọng nằm trong tiến trình đến với Mỹ Latinh mà ông Obama đang tích cực thúc đẩy qua chính sách "quyền lực mềm" như đối với Cuba.

Quan hệ Mỹ-Argentine thực chất được xem là tấm gương phản chiếu chính sách của Nhà Trắng đối với các nước theo phong trào cánh tả trong khu vực Mỹ Latinh. Một mối quan hệ ấm nồng với La Havana và sau đó là Buenos Aires chính là cơ hội vàng để Mỹ củng cố vị thế tại các quốc gia Mỹ Latinh khác, chẳng hạn như Venezuela.

Đối với Buenos Aires, chuyến thăm 2 ngày lần này của Tổng thống Obama đánh dấu sự xích lại gần nhau hơn giữa hai nước sau nhiều năm quan hệ chua chát và là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Nhà Trắng đối với chính sách cải cách đầu tư thân thiện của ông Macri với mục đích mở cửa nền kinh tế lớn thứ ba của Mỹ Latinh. Trong 100 ngày đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Macri nâng vốn và  kiểm soát thương mại, cắt giảm các khoản trợ cấp điện cồng kềnh và có thể trả khoản nợ cho các chủ nợ Mỹ - điều mà các chính phủ tiền nhiệm không thể làm.   Có lẽ, chính tốc độ cải cách này khiến chính quyền Tổng thống Obama và nhiều quốc gia khác rất ấn tượng. Thực tế, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi gần đây cũng đã đến thăm Argentine, nhanh chóng tiếp cận với một nhà lãnh đạo Nam Mỹ dường như không muốn một mối quan hệ gần gũi hơn với Venezuela, Iran và Trung Quốc như người tiền nhiệm của ông.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn đối với chính phủ của ông Macri. Argentine hiện vẫn phải vật lộn với lạm phát hai con số, thâm hụt tài chính ở mức báo động và thiếu ngoại tệ mạnh. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là nền tảng chiến lược quan trọng để hồi sinh nền kinh tế và chuyến thăm của ông Obama là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Argentine.

Thanh Văn