Báo Công An Đà Nẵng

Cung đường hạnh phúc (Kỳ 1: Hố Quáng Phìn yêu thương!)

Thứ hai, 19/11/2018 10:35

Trong chuyến công tác từ thiện tại tỉnh Hà Giang vào đầu tháng 11-2018,  chúng tôi có dịp khám phá vẻ đẹp của mảnh đất địa đầu Tổ quốc, với những cánh đồng hoa Tam giác mạch đẹp mê hoặc, với cột cờ Lũng Cú thiêng liêng-điểm cực bắc của Tổ quốc, với những vách núi cheo leo, những đỉnh đèo đã đi vào huyền thoại. Nhưng đẹp hơn hết là những hình ảnh ngây thơ, trong sáng, nụ cười hồn nhiên của các em bé vùng cao; những truyền thống văn hóa đặc sắc của người dân miền núi...

Đại tá Lê Thanh Hải-Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng cùng đoàn công tác chụp ảnh với lãnh đạo địa phương và học sinh mầm non, tiểu học xã Hố Quáng Phìn.

Sau 2 ngày vất vả với hành trình dài hơn 1.200km, đoàn cán bộ nữ CATP Đà Nẵng đặt chân đến Hà Giang, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Chúng tôi được lãnh đạo CA tỉnh và Hội Phụ nữ CA tỉnh tiếp đón rất chu đáo. Sáng sớm ngày thứ 3 của hành trình, các thành viên trong đoàn di chuyển sang xe của CA tỉnh Hà Giang tiếp tục đến xã Hố Quáng Phìn, H. Đồng Văn. Việc đi xe của CA tỉnh Hà Giang nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho mọi người vì đường lên Đồng Văn dày đặc sương mù, nhiều dốc núi cheo leo, hiểm trở đòi hỏi người lái xe phải thông thuộc địa hình.  

Trong làn sương mù dày đặc, đoàn xe chậm rãi di chuyển qua từng con dốc ngoằn ngoèo, quanh co, cua liên tục. Sau gần 5 giờ đồng hồ vất vả, đoàn chúng tôi tới trung tâm xã Hố Quáng Phìn. Đây là xã nghèo nhất của H. Đồng Văn, với 654 hộ dân tộc Mông, Dao sống rải rác tại 9 thôn, bản. Khí hậu khắc nghiệt, nước sinh hoạt hàng năm thiếu từ 4-6 tháng; địa hình hiểm trở, chia cắt và độ dốc cao, khiến cuộc sống người dân nơi đây rất khó khăn, số hộ nghèo chiếm gần 60%. Được biết từ tháng 5-2016, Tỉnh ủy Hà Giang đã phân công Đảng ủy CA tỉnh phụ trách giúp xã Hố Quáng Phìn triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH, AN-QP gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới. Qua đó CA tỉnh đã tích cực phối hợp vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xã gần 1,5 tỷ đồng. Trong năm 2016, CA tỉnh đã hỗ trợ xây dựng điểm trường, nhà tình nghĩa, bê-tông hóa đường đến các thôn, bản, trao sổ tiết kiệm, hỗ trợ giống nuôi, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào...

Gần trưa, chúng tôi có mặt tại địa điểm tổ chức trao quà là điểm trường chính của Trường tiểu học nội trú xã Hố Quáng Phìn. Đón đoàn có đầy đủ các đồng chí lãnh đạo công an, phụ nữ H. Đồng Văn, Đảng ủy, UBND xã, thầy cô hai trường mầm non, tiểu học. Sau khi chào hỏi mọi người, tôi nhanh chóng vào phía trong, nhìn thấy hàng trăm em học sinh trong trang phục rực rỡ, ngồi ngay ngắn trong khu vực sân trường được che kín phần mái và xung quanh, cũng là nơi các em sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

Sau khi hoàn tất việc vận chuyển hàng hóa, chúng tôi vào bên trong làm thủ tục trao tặng quà cho nhà trường. Có lẽ đây là lần đầu tiên phát biểu trước mọi người mà tôi xúc động nói không nên lời. Càng xúc động hơn khi bắt gặp hình ảnh đồng chí Lê Thanh Hải-Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng ngồi bệt dưới sân trường hỏi chuyện các em nhỏ, rồi tự tay lấy quà phát cho từng cháu. Tôi cảm nhận được sự động viên, khích lệ của lãnh đạo CATP đối với chúng tôi trong những hoạt động hết sức ý nghĩa này. Trong chuyến đi này còn có 2 nhà tài trợ lặng lẽ theo hỗ trợ chúng tôi suốt cả hành trình. Sôi động nhất là phần phát quà cho bọn trẻ của hai trường. Bánh, sữa, kẹo là những quà tặng xa xỉ mà không phải đứa trẻ vùng cao nào cũng có. Hàng trăm cánh tay giơ lên: "Cháu ạ., cháu ạ!". Hôm ấy chúng tôi phát tất cả hơn 450 suất quà cho các cháu. Nhìn bọn trẻ ôm khư khư quà trong tay, tỏ vẻ buồn khi cô hiệu trưởng nhắc không ăn bánh kẹo vì đã đến giờ cơm trưa, mà thấy thương quá! Tôi nấn ná hỏi chuyện một vài học sinh trong khi các cháu dọn ghế ngồi để chuẩn bị kê bàn ghế ăn trưa. Phần lớn các cháu rất rụt rè khi giao tiếp. Tôi hỏi chuyện một cô bé rất dễ thương, nước da trắng hồng, đôi môi cười chúm chím duyên dáng. Cháu nói tiếng Kinh rất trôi chảy, tự tin giới thiệu là Sùng Thị Máy, học lớp 5, là lớp phó đối ngoại. Nhà cháu có 4 chị em, mẹ làm nương còn bố sang làm thuê tận bên Trung Quốc, lâu lâu mới về nhà. Cuối tuần cháu phải vượt quãng đường hơn một giờ đồng hồ đi bộ về nhà. Hỏi cháu lớn lên muốn làm nghề gì, cháu nói không biết. Khi tôi hỏi cháu có muốn nghề giáo viên không, cháu mỉm cười gật đầu.

Hôm ấy đoàn chúng tôi được tận mắt chứng kiến bữa ăn trưa của học sinh tiểu học vùng cao. Bữa ăn của các cháu ngoài cơm có 2 món gồm thịt kho và canh rau cải, đều đựng trong những chậu inox sạch sẽ. So với đời sống của người dân ở đây, bữa cơm của các em có thể gọi là tươm tất nhưng so với suất ăn của trẻ em thành phố thì các em còn quá thiệt thòi. Tuy nhiên không phải tất cả học sinh ở đây đều được ăn ở trường. Do cơ sở vật chất không đảm bảo nên nhà trường chỉ tổ chức nấu ăn cho số học sinh tiểu học nhà xa không thể đi lại trong ngày, còn những em nhà gần thì về nhà ăn cùng gia đình.

 Tác giả với các em học sinh mầm non xã Hố Quáng Phìn.

Trao đổi với chúng tôi, cô Hỏa Thị Tâm (dân tộc Tày)-Hiệu trưởng trường mầm non Hố Quáng Phìn, cho biết đã có 16 năm gắn bó với trường mầm non. Xã có 6 điểm trường mầm non với 280 học sinh, toàn trường có 16 giáo viên mầm non, trong đó có 12 biên chế. Các cô giáo chủ yếu là người dân tộc Mông, Tày. Về chế độ cho học sinh, các cháu mầm non từ 3-5 tuổi được Nhà nước hỗ trợ ăn trưa 139.000đ/cháu. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, chỉ có điểm trường chính gần UBND xã tổ chức cho các cháu ăn trưa tại lớp, 5 điểm trường còn lại để các cháu về nhà ăn cùng gia đình. Ngoài giờ lên lớp, các cô còn tham gia các hoạt động tại cơ sở nhằm kịp thời vận động để các cháu được đến lớp. Hiện nay, do Nhà nước có chế độ trợ cấp cho các cháu nên công tác vận động học sinh đến lớp dễ dàng hơn trước kia rất nhiều.

Theo thầy Phạm Đức Sơn (quê tận H. Ân Thi, tỉnh Hưng Yên)-Hiệu trưởng Trường tiểu học Hố Quáng Phìn, 16 năm gắn bó với mảnh đất nơi đây, toàn trường có 7 điểm trường tiểu học với 499 học sinh; có 32 thầy cô (10 giáo viên nữ), chủ yếu là người Hà Giang...Với mức lương hiện nay, đời sống của giáo viên vùng cao tạm ổn định, vất vả nhất là việc đi lại quá khó khăn, nhất là đối với giáo viên các huyện, tỉnh khác về dạy tại Hố Quáng Phìn. Thầy Sơn tâm sự rất thật là do ở đây quá thiếu nước nên trung bình từ 1 tuần đến 10 ngày, các cháu mới được tắm một lần. Ngay cả thầy cô trong trường nếu muốn tắm hàng ngày chỉ có cách là đi mua nước. Đây là một trong những khó khăn chung của nhân dân các xã, huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang...

Dọc cung đường chúng tôi qua, nhiều em nhỏ mặt mũi, tay chân lem luốc, đứng bên vệ đường vẫy tay chào khách với nụ cười ngây thơ, thương đến lạ!

Ghi chép của Thu Huyền

Kỳ tới: Trên cung đường Hạnh phúc