Báo Công An Đà Nẵng

Cung đường hạnh phúc (Kỳ 2: Trên Cung đường Hạnh phúc)

Thứ ba, 20/11/2018 17:06

Sau khi tạm biệt các thầy cô và học sinh xã Hố Quáng Phìn, đoàn chúng tôi tranh thủ khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang trên Cung đường Hạnh phúc. Tiếp nối và trải dài trước mắt chúng tôi vẫn là núi đồi trùng điệp, những con đường như dải lụa mềm vắt ngang lưng chừng núi, lâu lâu mới gặp vài chục nóc nhà quây quần dưới chân núi.

Ngôi nhà người Mông ở Hà Giang.

Ba ngày ở Hà Giang, tôi đã kịp tìm về kiến trúc độc đáo của ngôi nhà tường trình. Mới nhìn các ngôi nhà đều có màu nâu vàng của tường đất, nổi bật giữa những hàng rào đá màu xám tạo nên bức tranh hoang sơ, kỳ bí, khiến bất cứ ai khi đi ngang qua cũng muốn dừng lại ngắm nhìn. Dân tộc Mông đã hàng trăm năm nay sống trên các triền núi đá cao, khí hậu lạnh lẽo, khắc nghiệt phần nào ảnh hưởng đến kiến trúc nhà ở của họ. Từ quan niệm sống, môi trường sống đã hình thành nên nét độc đáo trong văn hóa kiến trúc của ngôi nhà tường trình, tường đất, lợp ngói hay lá tranh với ưu điểm giữ ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè và có thể chống được kẻ gian, thú dữ... Nhà tường trình theo cách giải thích của người dân ở đây có nghĩa là có tường nhà làm bằng đất. Để trình tường nhà, bà con phải làm những chiếc khuôn gỗ dài 1,5 m, rộng 0,45 m - 0,5 m. Khi trình tường, người ta đổ đất đầy khuôn gỗ, dùng những chiếc vồ nện chặt đất. Đất dùng để trình tường phải được loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Khi tiến hành trình tường, người ta huy động vài chục thanh niên trai tráng trong làng đến giúp; cứ như vậy khuôn nọ nối tiếp khuôn kia cho đến khi hoàn thành. Những bức tường nhà được đập bằng phẳng, vuông vức, chắc chắn. Sau khi trình tường xong, gia chủ mới chọn ngày tốt, hợp tuổi để vào rừng chặt hạ cây cột cái, cây đòn nóc và tiến hành lợp mái.

Về tổng thể, kiến trúc ngôi nhà của người Mông, dù to hay nhỏ đều phải có 3 gian 2 cửa (gồm một cửa chính, một cửa phụ và thường có 2 cửa sổ). Gian bên trái dùng đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ; gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách; gian giữa thường rộng hơn 2 gian bên và là gian thờ tổ tiên, đồng thời cũng là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Cửa chính nhà của người Mông thường làm bằng gỗ tốt, bao giờ cũng mở vào trong chứ không mở ra ngoài. Người Mông không sử dụng bản lề, then chốt cửa làm bằng sắt mà làm hoàn toàn bằng gỗ, bởi người họ coi cánh cửa mở ra đóng vào là lòng bụng con người, nếu làm bản lề sắt thép là những vật cứng được ví như dao kiếm, như thế không thể hiện lòng tốt, sự hiếu khách của chủ nhà. Ngoài cửa chính, nhà của người Mông còn có cửa phụ, là lối để đưa đồ dùng cho người chết vào nhà lúc tang ma. Chỉ khi đưa ra nghĩa địa mới đi qua cửa chính. Một nét độc đáo nữa trong cấu trúc nhà truyền thống của người Mông là tất cả các ngôi nhà thường được xếp đá làm hàng rào. Để có được hàng rào đá hoàn chỉnh bao quanh ngôi nhà và mảnh đất rộng chừng 200-300m2, gia chủ có khi phải mất hàng tháng trời nhặt những mảnh đá vỡ quanh nhà về xếp thành hàng rào đá. Những viên đá kích cỡ khác nhau với nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, tạo nên bức tường bao kiên cố, phẳng mà không cần sử dụng chất kết dính nào. Điều ấn tượng nhất trong kiến trúc nhà của người Mông là bên những hàng rào đá, đồng bào luôn trồng những cây đào, cây mận, cây mơ. Khi mùa xuân đến, nét đẹp nguyên sơ, thơ mộng từ màu xám của hàng rào đá và màu nâu vàng của ngôi nhà trình tường lại được tô điểm bởi màu đỏ hoa đào, màu trắng muốt của hoa mơ, hoa mận, hoa lê... tất cả như hòa quyện tạo thành một bức tranh thiên nhiên độc đáo giữa cao nguyên đá.

Hai mẹ con người Mông trên đỉnh Mã Pì Lèng. 

...Tạm biệt những ngôi nhà tường trình, chúng tôi tiếp tục khám phá Mã Pì Lèng. Thú thật, đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được đầy đủ, trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ. Những vách đá vôi dựng đứng, những vực sâu thăm thẳm thử thách lòng người. Chị Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ CA tỉnh Hà Giang nói vui: "Nếu có rớt xuống vực thì vẫn kịp gọi điện thoại cho người thân nói lời cuối cùng"!? Mã Pì Lèng (có âm đọc Mã Pí Lèng) là tên gọi của cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km, nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, huyện Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Mã Pì Lèng gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ "sống mũi con ngựa" theo nghĩa đen, nói rộng ra miêu tả sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Đèo Mã Pì Lèng tuy không dài nhưng là cung đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía bắc, được ví như "vua" của các con đèo Việt Nam. Con đường đèo uốn lượn qua những vách núi, vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng ở độ cao 2.000m, dưới chân là vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pì Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông sang Điền Bồng, Trung Quốc.

Theo tài liệu để lại, những năm đầu thế kỷ XX, Người Pháp đến Hà Giang đã từng khảo sát mở đường lên vùng đất này, vậy mà gần nửa thế kỷ chiếm đóng, họ vẫn không thay đổi được gì, việc tiếp tế cho các đội quân đồn trú của Pháp vẫn phải chuyển theo những con đường mòn cheo leo bằng sức người và ngựa. Trước những năm 1960 thế kỷ XX, hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pì Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Đến ngày 29-3-1959, sau 5 năm kể từ năm hòa bình lập lại ở miền Bắc, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), Khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc.

Người viết bài cũng rất may mắn khi được xem trọn vẹn phim tài liệu "Đi trên con đường Hạnh phúc" do VTV1 sản xuất nhân kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc, nên phần nào cảm nhận được ý nghĩa sâu xa tên cung đường, nơi những người anh hùng biểu tượng của tinh thần xây dựng chủ nghĩa xã hội, những người anh hùng chân đất, tay búa, tạo nên kiệt tác xuyên lòng đá. Để làm con đường này đã có hơn 1.300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định, Hải Hưng (cũ). Ngày 9-9-1963, con đường vươn đến thị trấn Đồng Văn. Sau hơn 4 năm, tuyến đường dài 164 km đã hoàn thành. Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chỉ có 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc lại phải mất thêm gần 2 năm lao động vất vả nữa mới hoàn thành. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pì Lèng... Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Trong quá trình mở đường, các TNXP, công nhân và dân công hỏa tuyến vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn vật chất và 14 TNXP đã hy sinh... Ngày 16-11-2009, đã xếp khu vực Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam, hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Đặt chân lên đỉnh Mã Pì Lèng, chợt ngỡ ngàng giữa không gian hùng vĩ của núi rừng hiện lên trên nền trời sáng trong. Trong đầu tôi lại tái hiện từng thước phim với hình ảnh những đôi bàn tay của hàng vạn con người đã đổ mồ hôi xương máu xây nên con đường Hạnh phúc này. Dừng chân thắp hương tại bia tưởng niệm đặt trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng tưởng nhớ 14 thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm con đường Hạnh phúc, mắt tôi chợt cay cay khi nhớ tới lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành Con đường Hạnh phúc do Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức: "...Năm tháng đã qua đi, nhưng con đường  Hạnh phúc còn mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tưởng sáng ngời của tinh thần lao động kiên cường, ý chí sắt đá, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây Bắc. Những bài học về sự đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, giữa miền núi với miền xuôi, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, sự phát huy, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tổng hợp trong nhân dân... trong quá trình xây dựng công trình này vẫn nguyên giá trị đến ngày nay...".

Ghi chép của THU HUYỀN