Báo Công An Đà Nẵng

Cùng hành động để ngăn chặn bạo lực gia đình (Kỳ cuối: Những giải pháp ngăn chặn)

Thứ bảy, 23/06/2018 17:35

Bà Kathy Taylor - Giám đốc chương trình Đối tác Phòng ngừa bạo lực với phụ nữ trẻ em gái khu vực Châu Á, Thái Bình Dương - chia sẻ: "Không riêng gì Việt Nam, tình trạng bạo lực với phụ nữ khá phổ biến trên toàn thế giới, mà khu vực Châu Á, Thái Bình Dương có tỷ lệ vi phạm cao nhất". Thực tế cho thấy bạo lực gia đình (BLGĐ) là thực trạng nhức nhối của xã hội và cần kíp những giải pháp để ngăn chặn.

Hội phụ nữ CATP Đà Nẵng tuyên truyền về phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái ở cơ sở.

Theo chị Trần Thị Thu Huyền - Trưởng Ban chính sách-luật pháp của Hội LHPN TP Đà Nẵng, khi đánh giá 10 năm thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), trên địa bàn TP có 3.187 vụ BLGĐ xảy ra với 3.187 nạn nhân (hầu hết là phụ nữ). Một con số thống kê khác cũng cho thấy, có 34% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong 3 dạng: bạo lực về thể xác, tình dục, hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời.

Tại Đà Nẵng, từ năm 2012 đến 2017, TP có 21 vụ án/21 phụ nữ bị hiếp dâm và cưỡng dâm, 121 vụ trẻ em bị xâm hại. Trong năm 2016 và 2017, toàn TP có 4.200 vụ ly hôn, trong đó có đến 3.516 vụ xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn gia đình, 63 vụ đánh đập và ngược đãi, 19 vụ do mâu thuẫn kinh tế. Riêng về bạo hành gia đình, từ 2009-2013 có đến 1.102 vụ, trong đó nạn nhân bị BLGĐ là phụ nữ chiếm 1.064 vụ, chủ yếu là bạo lực thân thể. Trong 7 năm gần đây, trung bình mỗi năm xảy ra 160 vụ.

Thường khi BLGĐ xảy ra, nạn nhân thường tìm đến UBND, Công an xã/ phường, Hội LHPN xã/phường, chi hội trưởng phụ nữ, tổ trưởng dân phố, những địa chỉ tin cậy để được giải quyết. Và để nắm được các vụ việc xảy ra ở cộng đồng, cán bộ chi hội phụ nữ, cán bộ ban chấp hành phụ nữ xã sâu sát đối tượng, địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng phụ nữ, trẻ em để phát hiện và tiếp nhận vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ. Điều đó gióng lên hồi chuông báo động, cảnh tỉnh toàn xã hội; đồng thời cũng đặt ra vấn đề mang tính cấp bách: Cần có những giải pháp, biện pháp mạnh trong công tác phòng chống nhằm đẩy lùi thực trạng này.

Khi nói về nạn bạo hành, BLGĐ, Trung tá Lê Thị Thu Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ CATP Đà Nẵng cho rằng, sâu xa của vấn đề này xuất phát từ sự bất bình đẳng giới. Vì thế, người làm công tác tham mưu cần phải có nhận thức đúng thì chúng ta mới làm tốt công tác tuyên truyền. Ngoài ra, trong công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái, cần chú ý đến đối tượng tuyên truyền là nam giới. Có như thế mới thay đổi nhận thức người gây bạo lực, kết quả tuyên truyền, phòng chống mới  khả quan hơn.

Đến nay, Hội LHPNVN TP Đà Nẵng đã xây dựng nhiều mô hình phòng, chống BLGĐ, góp phần tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống BLGĐ trên địa bàn TP. Các cấp Hội đang đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", trong đó có nội dung phòng chống BLGĐ. Với mô hình "3 trong 1", mỗi nhóm có 3 người (cán bộ Hội Phụ nữ, 1 đại diện cấp ủy hoặc tổ trưởng/tổ phó Tổ dân phố, 1 tình nguyện viên) giúp đỡ 1 người thuộc 1 trong 3 hoạt động: phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; giúp đỡ, động viên trẻ em bỏ học trở lại trường hoặc cảm hóa trẻ em chưa ngoan trở nên tiến bộ; giúp đỡ gia đình thường xuyên xảy ra BLGĐ không còn tình trạng bạo lực. Mô hình tổ phản ứng nhanh phòng chống BLGĐ được thành lập tại các thôn của H. Hòa Vang nhằm nhanh chóng can thiệp để giải tỏa hoặc chấm dứt hành vi BLGĐ.

Cuối năm 2017, khi tham dự buổi tổng kết dự án "Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" do Hội LHPNVN TP Đà Nẵng phối hợp với Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bà Kathy Taylor - Giám đốc chương trình Đối tác Phòng ngừa bạo lực với phụ nữ trẻ em gái khu vực Châu Á, Thái Bình Dương - chia sẻ: "Không riêng gì Việt Nam, tình trạng bạo lực với phụ nữ khá phổ biến trên toàn thế giới, mà khu vực Châu Á, Thái Bình Dương có tỷ lệ vi phạm cao nhất. Để ngăn ngừa tình trạng này thì không thể thiếu vai trò của nam giới. Dự án "Huy động cộng đồng phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại TP Đà Nẵng" ra đời nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ, nâng cao năng lực cho nam giới để thể hiện nam tính theo cách không bạo lực và bình đẳng giới. Mô hình "CLB nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái" tại Đà Nẵng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giúp thay đổi thái độ, hành vi của nam giới. Ngăn chặn được tình trạng bạo lực với phụ nữ đòi hỏi phải có một quá trình nỗ lực liên tục, tôi hy vọng mô hình đang được thực hiện ở Đà Nẵng sẽ được duy trì và nhân rộng ở nhiều địa phương khác".

PHƯƠNG KIẾM