Báo Công An Đà Nẵng

Cũng là một loại... "dịch"

Thứ ba, 05/05/2020 19:41

Giữa lúc cuộc sống của nhân dân đang yên ổn, thanh bình thì đại dịch Covid-19 từ  bên ngoài xâm nhập vào đất nước ta và diễn biến mỗi ngày thêm phức tạp. Với phương châm "Chống dịch như chống giặc", Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ban bố các Chỉ thị rất phù hợp với tình hình trong từng giai đoạn để ngăn chặn sự lây lan đến mức thấp nhất. Đó là sự chung sức, đồng lòng để vượt qua cơn đại dịch đang đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của con người đạt nhiều thành công. Có được kết quả  vui mừng ấy trước hết ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, là sự nỗ lực rất cao của các tầng lớp nhân dân, của các lực lượng vũ trang, của cán bộ, nhân viên ngành y. Nhằm khích lệ, cổ vũ để góp thêm sức mạnh toàn dân phòng, chống dịch, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế đã đề nghị nhạc sĩ (NS) Khắc Hưng sáng tác ca khúc cho phong trào này. Do dịch bệnh hoành hành mỗi ngày lại tăng thêm cấp độ xấu, sợ không đáp ứng được thời gian để sáng tác mới nên NS Khắc Hưng đã nghiên cứu, viết lại lời  bài hát "Ghen" của mình đã sáng tác từ tháng 5-2017 lấy tên "Ghen Cô Vy" trong thời gian 10 ngày. Bài hát được phát hành đã đón nhận được rất nhiều sự sẻ chia, thích thú không chỉ trong nước mà cả thế giới cũng biết tới, ngợi khen. Đây là sự thành công rực rỡ của NS Khắc Hưng. 

Sau "Ghen Cô Vy" của Khắc Hưng (ảnh), hàng loạt bài hát về phòng, chống dịch ra đời vi phạm quyền tác giả.

Thế rồi sau ca khúc được coi như hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm Covid-19 của Khắc Hưng, hàng loạt bài hát về phòng, chống cơn đại dịch này ra đời như nấm gặp mưa trên các trang mạng xã hội. Điều đáng nói là tất cả các bài hát ấy đều được người ta viết lại lời từ những ca khúc nổi tiếng luôn sống mãi cùng năm tháng. Cách làm này thường được gọi là "độ, chế" nhạc. Nếu bây giờ ai đó gõ bàn phiếm dòng "nhạc chống dịch Covid-19" thì ngay lập tức màn hình sẽ hiện ra vô số bài "độ, chế" lại với kiểu tương tự như các bài: "Áo mới Cà Mau" của Thanh Sơn, "Cô gái mở đường" của NS Xuân Giao, "Tiếng đàn Ta lư", "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" của NS Huy Thục, "Trống cơm" của Y Vân, "Để mỵ nói cho mà nghe" của Hoàng Thùy Linh... Có thể nói, chưa bao giờ nhạc "độ, chế" nở rộ như trong đợt chống dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay. Qua theo dõi, hầu hết các lời được họ sửa lại không có gì sai trái, thậm chí một số bài mang nhiều ý nghĩa để góp phần động viên mọi người phòng, trừ đại dịch. Tuy nhiên nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp lý thì khó chấp nhận, bởi các ca khúc được làm mới lại lời đã bộc lộ khá rõ dấu hiệu của hành vi đạo nhạc, vi phạm bản quyền, xâm phạm trắng trợn quyền tác giả. Tại mục 5, điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 quy định hành vi xâm phạm quyền tác giả là "sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào...". Điều 10, Nghị định 131 của Chính phủ xử phạt hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm thì  xuyên tạc bị xử lý cao nhất. Việc sửa lời của một ca khúc  đã bộc lộ khá rõ hành vi xuyên tạc  rồi.            

Không thể đua đòi, bắt chước theo kiểu sáng tác của NS Khắc Hưng được, bởi Khắc Hưng sáng tác lời mới cho một bài hát cũ của chính mình. Tuy có hai ca khúc nhưng quyền tác giả là một mà thôi, không hề "đụng chạm" đến ai. Các NS của những bài hát nổi tiếng hoặc những người được quyền thừa kế tác phẩm bị xâm hại nêu trên hoàn toàn được quyền lên tiếng phê phán, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền buộc gỡ bỏ hoặc tiêu hủy theo pháp luật.

Trong cuộc chiến chống virus Covid-19 vừa qua và hiện tại đang còn tiếp diễn cũng đã có một số MV rất mới mẻ với các làn điệu từ mượt mà đến sôi động để tuyên truyền cả cộng đồng  xắn tay vào cuộc diệt trừ thứ dịch bệnh tai quái này. Chúng ta đừng bao giờ cổ súy, vỗ tay tán thưởng việc sửa lời của các ca khúc đã từ lâu thấm sâu tận ruột gan, máu thịt của bao thế hệ bởi đó chẳng những vi phạm pháp luật mà nó còn làm hạ thấp nền âm nhạc Việt Nam vốn từ lâu đã được mọi người hưởng thụ và trân trọng, giữ gìn. Luật pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác phẩm là để hướng tới những giá trị nghệ thuật đích thực nhằm tìm kiếm những tài năng sáng tạo. Nếu cứ sáng tác theo kiểu nhại lại các bài hát khác như thế và loại "dịch" này không được ngăn chặn thì biết  bao giờ mới đưa được nền âm nhạc của nước nhà bước tới những nấc thang  cao hơn và  nguy cơ sẽ đi thụt lùi là điều có thể.            

THÁI MỸ