Cùng miền Trung cất cánh
Để trở thành đô thị biển quốc tế, hạt nhân và cực tăng trưởng của khu vực miền Trung thì Đà Nẵng phải đẩy nhanh các dự án động lực liên vùng, các lĩnh vực kinh tế mới không “trùng lặp” với nhiều địa phương trong vùng. Đà Nẵng chỉ có thể cất cánh khi liên kết hữu cơ với cả khu vực.
Đà Nẵng đang được xây dựng để trở thành hạt nhân của chuỗi đô thị miền Trung. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH |
Tăng sức cạnh tranh vùng
Duyên hải miền Trung tựa vào núi, hướng ra biển, là khu vực giàu tiềm năng nhưng lại tụt hậu với 2 đầu đất nước. Đà Nẵng được xác định là trung tâm của khu vực song chưa đủ động lực, sức lan tỏa đưa cả vùng “cất cánh”. Trước đây, Đà Nẵng có hạ tầng cơ sở phát triển sớm, vượt lên so với khu vực, do đó tận dụng được những cơ hội, lợi thế nhất định trong thu hút nguồn lực đầu tư. Nhưng hiện nay, hạ tầng cả khu vực duyên hải miền Trung được đầu tư, phát triển tương đối đồng bộ. Nhà đầu tư sẽ nhìn thấy cơ hội, sức hấp dẫn của cả một vùng đô thị chứ không riêng địa phương nào. Đây là tín hiệu vui cho cả khu vực và Đà Nẵng muốn là hạt nhân của vùng đô thị đó, là một cực tăng trưởng, có sức lan tỏa thì đương nhiên phải tập trung cho những ngành, lĩnh vực mới, quy mô, không “cạnh tranh” trực tiếp với các địa phương trong vùng. Sự liên kết phải mang tính hữu cơ, bổ trợ để tăng sức cạnh tranh cho cả vùng chứ không phải cạnh tranh giữa các địa phương trong vùng.
Theo TS Trần Du Lịch, “mặt tiền” biển chính là mỏ vàng của các tỉnh duyên hải miền Trung. Nếu xem kinh tế biển là chiến lược phát triển quốc gia thì biển miền Trung phải là trung tâm của chiến lược. Trong thực tế, tuyến đường ven biển Nam Trung Bộ được hình thành đã trở thành tuyến đường “tỷ đô” với hàng loạt dự án giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp trải dài từ Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định). Ngoài hình thành những đô thị biển đẳng cấp, từ đây nhiều khu kinh tế biển cũng mọc lên, thay đổi bộ mặt duyên hải miền Trung, như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp Hòa Phát- Dung Quất, Khức hợp Ô-tô Chu Lai - Trường Hải.
Sự phát triển nhanh chóng hạ tầng giao thông đã liên kết thành vùng đô thị duyên hải miền Trung giàu sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Chẳng hạn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi chiều dài 131km đã liên kết khu kinh tế Dung Quất- Chu Lai với khu CNC Đà Nẵng tạo thuận lợi cho chuỗi logistics đường hàng không, cảng biển, đường bộ. Sắp tới khi tuyến cao tốc từ Đà Nẵng đi Quảng Trị hoàn thành, như vậy từ cảng Liên Chiểu (điểm cuối Hành lang kinh tế Đông Tây) sẽ liên kết thành chuỗi đô thị-công nghiệp-cảng biển kéo dài từ Quảng Ngãi tới Quảng Trị, tạo sức cạnh tranh thu hút đầu tư cho cả khu vực rất lớn.
Hiện nay nhiều địa phương trong khu vực đang mong muốn mở rộng sân bay, cảng biển điều này sẽ góp phần làm cho hạ tầng giao thông của khu vực thêm hoàn thiện, hiện đại, cũng sẽ tăng sức cạnh tranh cho vùng. Sân bay Đà Nẵng đã quá tải, đang chuẩn bị mở rộng nhà ga T1 đạt công suất 14 triệu khách/năm, xây mới nhà ga T3 nâng công suất lên 30 triệu khách/năm, xây nhà ga hàng hóa (hiện công suất thiết kế 20 ngàn tấn/năm nhưng đang phải phục vụ 45 ngàn tấn/năm). ACV đã chuẩn bị sẵn nguồn kinh phí khoảng 5 ngàn tỷ đồng để xây nhà ga T3, 300 tỷ đồng để xây ga hàng hóa. Tương tự, sân bay Chu Lai hiện đã có 2 ngàn ha đất sạch, nhiều nhà đầu tư lớn như Thiên Tân Group và Tập đoàn Jk & D International, Ltd (Hoa Kỳ), liên danh Tư vấn Tedi (Việt Nam) và OCG (Nhật Bản), Vietjet Air, VinGroup... đang quan tâm, đề xuất tìm nguồn vốn nâng cấp, mở rộng. Về cảng biển, sau khi đầu tư mở rộng cảng Chu Lai- Trường Hải, Tập đoàn Thaco tiếp tục đầu tư 2.600 tỷ đồng để mở rộng và đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn với chiều dài bến cảng là 790 m. Tại Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu đang tích cực triển khai với tổng vốn đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung hơn 3,4 ngàn tỷ đồng.
Phát triển công nghiệp công nghệ cao góp phần giúp Đà Nẵng vươn lên trở thành cực tăng trưởng cho khu vực (Trong ảnh: Sản xuất tại Khu CNC Đà Nẵng). |
Hạt nhân chuỗi đô thị
Duyên hải miền Trung là dải đất hẹp, trải dài do vậy để “cất cánh” phát triển, các địa phương đều muốn có sân bay, cảng biển. Có ý kiến cho rằng việc này sẽ xé lẻ thị phần hàng hóa, hành khách, tự cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên, cần phải nhìn vấn đề ở việc liên kết hữu cơ. Nếu sân bay Đà Nẵng chủ yếu phục vụ hành khách thì sân bay Chu Lai, Phú Bài tập trung vào hàng hóa, logistics. Cảng Liên Chiểu là cảng trung chuyển quốc tế, thì Chân Mây, Chu Lai sẽ là cảng phụ cận, phục vụ nội địa. Trong quan điểm liên kết hữu cơ, tạo sức mạnh cạnh tranh cho cả vùng hiện nay, việc phân chia lĩnh vực để bổ trợ cho nhau, cùng nhau “cất cánh” là trọng tâm. Chẳng hạn Huế, Hội An là điểm tham quan du lịch quốc tế, song Đà Nẵng ở trung điểm lại là nơi nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp. Hoặc Quảng Nam, Quảng Ngãi đã phát triển mạnh công nghiệp nặng thì Đà Nẵng hạn chế về đất đai cần tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Với mạng lưới hạ tầng giao thông tương đối phát triển, việc kết nối để hình thành chuỗi, vùng đô thị Trung Bộ rất thuận lợi.
Trong vùng đô thị kết nối đó, Đà Nẵng sẽ giữ vai trò hạt nhân, cực tăng trưởng dựa vào các lĩnh vực nổi bật như khởi nghiệp sáng tạo, logistics, công nghệ thông tin và dịch vụ chất lượng cao. Đây là những lĩnh vực Đà Nẵng có lợi thế vượt trội, không “cạnh tranh” trực tiếp với các địa phương trong vùng, đồng thời các lĩnh vực này hoàn toàn có thể đưa Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng, dẫn dắt vùng. Để hiện thực hóa định hướng đó, Đà Nẵng đang thúc đẩy triển khai bằng các dự án cụ thể. Chẳng hạn trong lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao ngoài hàng loạt dự án phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp ven biển đã hình thành thì nhiều dự án lớn đang triển khai như khu Làng Vân tổng vốn 35 ngàn tỷ đồng, Công viên châu Á giai đoạn 2 khoảng 14 ngàn tỷ đồng, tổ hợp khán đài pháo hoa hơn 11 ngàn tỷ đồng…TP đang xúc tiến Đề án trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực với dự án đầu tư tổng vốn lên tới 2 tỷ USD; đẩy nhanh tiến độ dự án Làng đại học, các dự án hạ tầng y tế nhằm cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao cho khu vực. Trong lĩnh vực CNTT, ngoài dự án khu đô thị công nghệ FPT, khu Không gian sáng tạo CMC tổng vốn 12 ngàn tỷ đồng, khu CNTT tập trung tại Hòa Liên thì nhiều công viên phần mềm cũng đang được triển khai. Ngoài ra, với các dự án hạ tầng liên vùng như cảng Liên Chiểu hiện đang tích cực triển khai sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành logisctics của Đà Nẵng.
Với nhiều dự án động lực đang được đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển, vai trò hạt nhân, cực tăng trưởng của Đà Nẵng trong vùng đô thị miền Trung đang dần hình thành. Từ đây, Đà Nẵng sẽ phát triển những lĩnh vực riêng, mới trong mối liên kết, bổ trợ chặt chẽ với các địa phương khác trong vùng để cùng đưa miền Trung cất cánh.
HẢI QUỲNH