Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc bầu cử mang nhiều hy vọng của Lebanon

Thứ hai, 07/05/2018 08:46

Cuộc bầu cử quốc hội này, lần đầu tiên kể từ năm 2009, cũng là lần đầu tiên kể từ khi Lebanon thông qua luật bầu cử mới hồi năm 2017. Một cử tri nước này đã nói rằng: “Cuộc bầu cử lần này là hy vọng cuối cùng của chúng tôi”.

Ngày 6-5, cử tri Lebanon bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên trong gần 1 thập kỷ qua, khi mà quốc gia Trung Đông này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. 

Các điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước đã mở cửa vào lúc 7 giờ và đóng cửa vào 19 giờ cùng ngày. Hơn 3,6 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn đi bỏ phiếu để bầu ra 128 nghị sĩ quốc hội từ 583 ứng cử viên.

Thủ tướng Saad al-Hariri bỏ phiếu tại thủ đô Beirut. Ảnh: Reuter

Ổn định một quốc gia bị chia rẽ

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri xuất hiện vào ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử. Tại khu vực chủ yếu là người Sunni ở Tây Beirut, ông được xem như một ngôi sao nhạc rock hơn là một chính trị gia.

Trẻ trung và năng động trong bộ quần áo thể thao, ông Hariri vẫy cờ của đảng mình trên khắp đường phố. “Beirut! Tôi yêu các bạn!”, ông Hariri tuyên bố.  Ông Hariri là lãnh đạo đảng Phong trào Tương lai đang có 37 ứng cử viên tranh cử lần này. Và đảng Phong trào Tương lai của ông đang đối đầu với cánh chính trị của Hezbollah trong một chu kỳ bầu cử khó khăn. Nhưng hình ảnh của ông Hariri đã phần nào giúp đảng này ghi điểm hơn trong cuộc bầu cử.

Kể từ khi tiếp tục nắm quyền thủ tướng lần hai vào năm 2016, ông đã mang lại sự ổn định tương đối cho một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc như Lebanon. “Những gì tôi làm 2 năm trước là đoàn kết đất nước xung quanh một sự đồng thuận chính trị”, ông Hariri nói với CNN. Sự đoàn kết được thể hiện rõ khi cuộc bầu cử được tổ chức theo luật bầu cử mới, được thông qua vào tháng 6-2017 sau nhiều năm tranh cãi.

Sự đồng thuận này liên quan đến việc thành lập một chính phủ bao gồm các bộ trưởng từ Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Đó là một cuộc hôn nhân tiện lợi nhưng không làm hài lòng tất cả mọi người, đặc biệt là những người ủng hộ Saudi Arabia, những người công khai chỉ trích động thái này. Nhưng thực tế là Lebanon đã ngăn được làn sóng bạo lực lan tràn đáng kể từ nước láng giềng Syria. Đối với một đất nước vẫn còn in ký ức sống động về cuộc nội chiến kéo dài 15 năm, đó không phải là thành tích nhỏ.

Áp lực từ những cử tri trẻ tuổi

Hồi cuối tháng 4, Thủ tướng Hariri tung ra một ứng dụng tranh cử có chức năng chia sẻ những bức ảnh tự chụp của ông với người ủng hộ trong chiến dịch vận động cho nhiệm kỳ mới. Không chỉ ông Hariri, nhiều người trong số 583 ứng viên cũng đang tận dụng mạng xã hội như thế này. Và tất nhiên, họ sử dụng công nghệ như vậy để chủ yếu nhắm đến các cử tri trẻ.

Đây là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của Lebanon trong 9 năm qua, cũng là lần đầu tiên kể từ khi luật bầu cử mới hồi năm 2017 được thông qua. Một cử tri nước này đã nói rằng: “Cuộc bầu cử lần này là hy vọng cuối cùng của chúng tôi”. Sự chậm trễ lặp đi lặp lại vô tình mang lại thách thức cho các chính trị gia Lebanon. Thời gian đã “giúp” 800.000 cử tri trẻ tuổi được thực hiện quyền công dân tại một quốc gia chỉ có 4 triệu người. Theo Bộ trưởng Nội vụ Lebanon Nohad Machnouk, nhiều sự thay đổi đang diễn ra khi cử tri trẻ đang đặt ra nhiều tham vọng hơn cho các ứng viên. “Tôi nghĩ rằng, các cử tri trẻ tuổi sẽ tạo ra một áp lực thực sự đối với đời sống chính trị, không chỉ trong cuộc bầu cử”, Machnouk, một đồng minh chính trị của Thủ tướng Hariri, nói trong cuộc phỏng vấn với CNN.

Luật bầu cử mới cũng mở ra cánh cửa cho nhiều ứng viên độc lập hơn, trẻ tuổi hơn, và hầu hết đều mong muốn thoát khỏi di sản chính trị giáo phái của Lebanon.

KHẢ ANH