Báo Công An Đà Nẵng

Số định danh cá nhân:

Cuộc cách mạng về quản lý dân cư

Thứ sáu, 06/09/2013 23:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 6-9, Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 (BCĐ 896), đã họp phiên thứ nhất, công bố quyết định thành lập và ra mắt BCĐ, thảo luận về các vấn đề liên quan. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ chủ trì phiên họp.

Sẽ triển khai nhập thông tin công dân

Số định danh cá nhân là vấn đề nóng

Tại Hội nghị, các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo Quy chế hoạt động của BCĐ và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2013 – 2020, đồng thời đề nghị phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên trong việc chủ trì thực hiện các dự án của Đề án. Đa số ý kiến cho rằng số định danh cá nhân là vấn đề nóng, quan trọng, được người dân mong chờ, do vậy cần được xin ý kiến rộng rãi, thảo luận, tính toán kỹ lưỡng, có sự tham gia của các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm các nước.

Theo kế hoạch đề ra, trong giai đoạn 2013 – 2014 , cơ quan thành viên BCĐ sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân, xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hệ thống hóa, rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn này là trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý, xác định nội hàm, giá trị pháp lý của số định danh cá nhân; tiến tới khi thực hiện thủ tục hành chính cá nhân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân để cơ quan có thẩm quyền tra cứu những thông tin cơ bản của cá nhân, không cần yêu cầu cá nhân xuất trình giấy tờ, hạn chế tối đa việc sao chụp giấy tờ liên quan đến cá nhân, giảm thủ tục và chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Từ năm 2016, tổ chức triển khai nhập thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ quan CA thực hiện nhập thông tin công dân để xác lập số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân đăng ký khai sinh trước ngày 1-1-2016. Cơ quan Tư pháp phối hợp với cơ quan CA thực hiện nhập thông tin cho công dân khi công dân đăng ký khai sinh từ ngày 1-1-2016 vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác lập thông tin về công dân và số định danh cá nhân, cấp số định danh cá nhân cho công dân từ khi đăng ký khai sinh.

Các nhiệm vụ cụ thể đã được BCĐ giao cho từng bộ, ngành liên quan. Hiện Bộ CA đã trình Thủ tướng phê duyệt dự án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2010/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trình Chính phủ vào tháng 10 tới và dự thảo Nghị định về cấp, quản lý số định danh cá nhân. Bộ Tư pháp đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Hộ tịch, chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Để có cơ sở triển khai hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, xây dựng biểu mẫu hệ thống hóa và hướng dẫn hệ thống hóa.

Số định danh cá nhân sẽ thay thế hàng loạt loại giấy tờ tùy thân như hiện nay.
Trong ảnh: CA Đắc Nông làm giấy CMND cho công dân. 

Cuộc cách mạng về quản lý dân cư

Khẳng định ý nghĩa quan trọng của Đề án là tạo điều kiện cho công dân khi làm thủ tục hành chính, đảm bảo công dân chỉ phải khai thông tin về thân nhân một lần duy nhất, đồng thời là bước đổi mới cơ bản trong quản lý Nhà nước về dân cư - cuộc cách mạng về quản lý dân cư và là tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: BCĐ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, huy động nguồn lực xã hội và hợp tác chuyên ngành tốt hơn để tránh lãng phí.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu công nghệ, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, lựa chọn mô hình phù hợp, tiên lượng được các khả năng xảy ra, đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án. Phó Thủ tướng giao Bộ CA chủ trì phối hợp với các bộ nghiên cứu triển khai Đề án theo hướng tiết kiệm thời gian, kinh phí, an toàn, an ninh, tránh lãng phí, chống chồng lấn; giao Văn phòng Ban chỉ đạo tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, nhà khoa học về cấu trúc số định danh để đảm bảo cấp đủ, không bị trùng số.

Bộ CA có trách nhiệm xây dựng quy chế khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý quốc gia về dân cư đảm bảo chặt chẽ. Bộ TT & TT xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xây dựng, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo kết nối liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương có liên quan phân bổ nguồn lực và bảo đảm chế độ, chính sách cho những người trực tiếp thực hiện các hoạt động của Đề án.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành thành lập tổ công tác triển khai đề án, do lãnh đạo làm tổ trưởng, ban hành kế hoạch triển khai hoạt động của bộ, ngành ngay trong tháng 9-2013.

Thu Thủy – Thanh Vân