Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc chạy trốn 17 năm của kẻ sát nhân

Thứ bảy, 16/11/2013 14:42

(Cadn.com.vn) - Một ngày cuối năm 1996, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An nhận được công văn của Cơ quan CSĐT CA tỉnh Đắc Lắc về việc đề nghị phối hợp bắt giữ đối tượng Phạm Hữu Thực (1972, quê xã Nghi Công, H. Nghi Lộc, Nghệ An) nếu đối tượng này trở về quê. Cũng theo công văn này, ngày 30-12-1996, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Đắc Lắc đã ra Quyết định truy nã số 08 đối tượng đặc biệt nguy hiểm Phạm Hữu Thực trên toàn quốc về hành vi giết người. Theo đó, Ban Giám đốc CA tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Phòng Cảnh sát Hình sự (lúc bấy giờ) xác lập Chuyên án 197.N để tiến hành các biện pháp truy bắt. 17 năm đằng đẵng trốn chạy, cuối cùng Thực đã bị bắt.

Dù không trực tiếp gây án trên địa bàn Nghệ An, song để phối hợp với CA tỉnh Đắc Lắc truy bắt đối tượng giết người về quy án, các điều tra viên trong Đội bắt truy nã thuộc Phòng CSHS lúc đó đã phải tốn rất nhiều công sức để lần tìm, soát xét tung tích đối tượng trên địa bàn, cũng như thực hiện các biện pháp như vận động, thuyết phục và đưa thư kêu gọi đầu thú đến gia đình của Phạm Hữu Thực, nhưng tất cả đều không mang lại kết quả. Không dừng lại ở việc truy lùng tung tích kẻ sát nhân trên địa bàn Nghệ An, danh tính của đối tượng này còn luôn hiện hữu trong danh sách bắt truy nã của các TS trong mỗi chuyến công tác vào Nam hoặc ra Bắc. Hàng trăm đối tượng truy nã sa lưới hằng năm, nhưng vẫn không có tên Phạm Hữu Thực. 17 năm qua, Chuyên án 197.N với cái lệnh truy nã đối tượng đặc biệt nguy hiểm Phạm Hữu Thực vẫn luôn được để trên bàn làm việc các điều tra viên. Đặc biệt, từ khi Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm được thành lập, Phạm Hữu Thực đã được đưa vào diện truy bắt theo kế hoạch và phương cách mới.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thượng tá Nguyễn Văn Minh - Trưởng Phòng CSTNTP, hằng năm, các tổ công tác một mặt tiếp tục truy tìm đối tượng ẩn náu trên địa bàn các tỉnh phía Nam theo kế hoạch. Mặt khác, thu thập thông tin liên quan đến đối tượng ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Với trách nhiệm và những nỗ lực trong công tác điều tra, truy xét, một ngày đầu tháng 10-2013, lực lượng Phòng CSTNTP tiếp nhận được một nguồn thông tin cho hay: Có một đối tượng rất giống Phạm Hữu Thực xuất hiện ở TT Tân Kỳ, H. Tân Kỳ (Nghệ An). Rất khẩn trương, một tổ công tác do Đội trưởng Đội 3, Thiếu tá Vũ Quốc Bảo dẫn đầu đã có mặt tại địa bàn H. Tân Kỳ tiến hành xác minh, làm rõ. Suốt một tuần lễ trôi qua, với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền cơ sở, tổ công tác tổ chức lần tìm, sàng lọc, nhưng không thấy ai có tên tuổi như đối tượng trong lệnh truy nã. Mở rộng diện truy xét ra một số vùng phụ cận như H. Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa, H. Quỳ Hợp... cũng không có kết quả.

Phạm Hữu Thực

Nhận định đối tượng chắc chắn sẽ thay tên đổi họ để ẩn náu hòng trốn tránh sự truy bắt của lực lượng CA, tổ công tác liền gấp rút tiến hành các biện pháp nghiệp vụ truy xét đặc biệt khác. Bằng hình thức này, tổ công tác tiếp tục nhận được nguồn thông tin rằng: tại xóm Đông Hạ, xã Tân Hợp, H. Tân Kỳ có một người quê gốc Nghi Lộc, nhưng tên thì không phải là Phạm Hữu Thực mà là Phạm Văn Dũng (1970). Trước nguồn thông tin hết sức quý giá này, các thành viên trong tổ công tác lập tức xuống địa bàn để xác minh. Thật bất ngờ, khi vào ngôi nhà của chủ nhân có tên là Phạm Văn Dũng, tổ công tác nhìn ngay lên tấm ảnh gia đình treo trên tường và nhận ra đó không ai khác mà chính là Phạm Hữu Thực.

Kẻ sát nhân sa lưới   

Đúng đối tượng cần tìm bấy lâu nay, nhưng lúc này Thực không có ở nhà mà đang ở TT Tân Kỳ nên kế hoạch đón lõng bắt giữ được tổ công tác nhanh chóng triển khai. Trưa 24-10, khi Phạm Hữu Thực xuất hiện, một thành viên trong Tổ công tác áp sát: “Phạm Hữu Thực, anh đã bị bắt!”. Đối tượng chợt giật mình, mặt biến sắc bởi cái tên Phạm Hữu Thực đã biến mất cả chục năm nay, biết hành tung đã bị bại lộ nhưng vẫn cố cứng giọng chống chế: “Tôi tên là Dũng, các anh nhầm rồi!”. Tuy nhiên, chiếc còng số tám đã bập vào tay, Thực ngoan ngoãn ký vào biên bản bắt giữ.

Tại CQĐT, Phạm Hữu Thực khai nhận: Sinh ra và lớn lên ở xã Nghi Công, H. Nghi Lộc. Năm 1992, ở tuổi 20, Thực rời miền quê nghèo khó để vào các tỉnh Tây Nguyên làm thuê. Điểm dừng chân là một rẫy cà-phê ở tỉnh Đắc Lắc. Tháng 10-1996, trong một cuộc nhậu khi công việc rảnh rỗi, Phạm Hữu Thực đã nảy sinh mâu thuẫn với một người bạn. Tuổi trẻ bồng bột, trong phút không làm chủ được bản thân, Thực đã dùng dao để giải quyết mâu thuẫn. Hậu quả là án mạng xảy ra, nạn nhân đã bị lưỡi dao oan nghiệt của Thực cướp đi mạng sống... Gây án xong, Phạm Hữu Thực trốn khỏi hiện trường. Ngay trong đêm, Thực bắt xe đò xuống TPHCM, hành trình chạy trốn bắt đầu từ đây.

Lẩn trốn ở TPHCM một thời gian, Thực nghĩ nếu cứ ở một địa điểm sẽ rất dễ bị bại lộ nên đã tìm cách thay đổi địa điểm ẩn náu. Thế là Thực lê la hết Bình Dương đến Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố phía Nam để trốn tránh sự truy bắt của cơ quan CA. Vẫn không yên tâm, cuối năm 1997, Phạm Hữu Thực quyết định tìm đường về quê hương. Địa điểm chọn để ẩn náu là xã Tân Hợp, huyện miền núi Tân Kỳ. Tại đây, với cái tên mới là Phạm Văn Dũng, Thực lang thang làm thuê và sau đó kết duyên với một phụ nữ địa phương và hiện đã có 2 con. Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, sau 17 năm chạy trốn pháp luật, nay Phạm Hữu Thực phải trả giá cho tội lỗi mà mình đã gây ra.

Ngày 27-10, Phạm Hữu Thực được CQĐT CA tỉnh Đắc Lắc di lý về Đắc Lắc để tiến hành phục hồi công tác điều tra, truy tố trước pháp luật.

Xuân Sơn