Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc chiến 5G (Kỳ cuối: Huawei quyết chiến)

Thứ năm, 27/06/2019 12:16

Khi căng thẳng giữa phương Tây và Huawei gia tăng trong năm 2018, họ đột nhiên bị vướng khủng hoảng nhân sự.

Các nhân viên làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại di động của Huawei.

Khi "rắn bị mất đầu"

Các quan chức thực thi pháp luật của Mỹ trong một thời gian đã điều tra các liên kết giữa Huawei và Iran, bao gồm cả vai trò của bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính Huawei và là con gái của người sáng lập Cty. Các nhà điều tra đã thấy các liên kết giữa Huawei, bà Mạnh và một Cty khác được cho là đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Khi các quan chức Mỹ biết bà Mạnh sẽ đến Vancouver vào tháng 12-2018, họ đã lên tiếng, yêu cầu Canada bắt giữ bà về các cáo buộc lừa dối các ngân hàng về khả năng giao dịch với Iran. Cho đến nay, bà Mạnh vẫn được tại ngoại tại Canada trong khi chính phủ Mỹ cố gắng để dẫn độ nhân vật này. Huawei và chính phủ Trung Quốc phản ứng gay gắt trước động thái này. Bắc Kinh đã đề nghị Washington rút lại yêu cầu dẫn độ. Ông Cảnh Sảng - phát ngôn viên của bộ trên - tố cáo, Washington "đã thể hiện sự coi thường đối với những kháng nghị nghiêm túc" của Bắc Kinh về vụ bà Mạnh Vãn Chu. Trong một tuyên bố, Huawei bác bỏ mọi các buộc nhằm vào bà Mạnh và cho rằng, vụ bắt giữ mang "động cơ chính trị và thao túng về chính trị".

Thực tế, cuộc xung đột của Huawei không chỉ liên quan đến sự cạnh tranh của hai siêu cường Mỹ-Trung. Bởi các hoạt động của bà Mạnh và Huawei từ lâu đã nằm trong  "lòng bàn tay" của nhà chức trách Mỹ trước khi Tổng thống Trump bắt đầu một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nhưng một điều rõ ràng là, cuộc thách đấu rộng hơn với Huawei giờ đã mang đầy tính địa chính trị.

Một Huawei mạnh mẽ hơn

Trong những tháng gần đây, Mỹ đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao để thúc giục các đồng minh loại bỏ Huawei. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã công khai đi xa hơn hầu hết các quan chức Mỹ bằng cách liên tiếp chỉ trích mối quan hệ giữa Huawei với chính quyền Bắc Kinh. "Huawei thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc và có mối liên hệ sâu sắc với cơ quan tình báo của họ", ông Pompeo nói. Đáp trả, Huawei tuyên bố, "Ngoại trưởng Pompeo đã hoàn toàn sai".

Mặc dù Huawei ban đầu tắt tiếng trong phản ứng công khai, nhưng sau đó đã chiến đấu mạnh mẽ hơn. Vào cuối tháng 2, Cty đã đối đầu với giới chức Mỹ tại một cuộc họp lớn hàng năm của các giám đốc điều hành ngành công nghiệp di động ở Barcelona, nơi logo màu đỏ của Huawei có mặt ở khắp mọi nơi. Các quan chức hàng đầu của Mỹ đến đây với ý định cảnh báo các chính phủ về mối nguy hại từ Huawei. Nhưng Huawei đã nhanh chóng trấn an các khách hàng và đại diện của các chính phủ Châu Âu các cáo buộc của Mỹ.

Trong một bài phát biểu quan trọng, Guo Ping, Phó Chủ tịch của Huawei, đã nhắm vào các hoạt động gián điệp của riêng Mỹ. "Prism, Prism. Ai là người đáng tin cậy nhất trong số họ?", ông Guo nói đề cập đến một hoạt động giám sát nước ngoài hàng loạt của Mỹ có tên là Prism mà cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden tiết lộ. Bài phát biểu khiến hội trường cười lớn. Người Châu Âu cũng cảm thấy yên tâm hơn. Trong một phiên họp kín, các đại diện cấp cao từ các nhà khai thác viễn thông Châu Âu đã ép một quan chức Mỹ đưa ra bằng chứng cứng cho thấy Huawei có rủi ro bảo mật.

Thế mạnh về công nghệ giá rẻ

Nhiều nước Châu Âu có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, và các giám đốc điều hành vẫn bị thu hút bởi các sản phẩm giá rẻ của Huawei. Không giống như Mỹ, nơi chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong doanh thu của Huawei, Châu Âu sử dụng rất nhiều thiết bị của Huawei trong các mạng hiện có.

Vào tháng 3, Đức, một trong những thị trường lớn nhất của Huawei ở Châu Âu cho biết, họ sẽ không cấm Cty này khỏi mạng 5G, mà thay vào đó sẽ thắt chặt các tiêu chí bảo mật cho Huawei và tất cả các nhà cung cấp khác. Mỹ cũng đã ép quốc gia Baltic như Lithuania một thành viên của NATO. Trong một cuộc họp vào tháng 3, đại sứ Mỹ khuyến khích Thủ tướng Lithuania hành động chống lại Huawei, nói rằng thiết bị của 5G của Cty có thể tạo ra lỗ hổng cho quân đội đồng minh. Nhưng Lithuania, vốn phụ thuộc bảo đảm quân sự từ Mỹ, không muốn cấm Huawei. Họ thích giá cả hợp lý của Huawei và không muốn làm Trung Quốc thất vọng. Kết quả, theo quan chức, là Lithuania đang tìm cách cấm Huawei mà không thực sự ban hành lệnh cấm đối với Huawei.

KHẢ ANH