Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc chiến chống khủng bố ở Đông Nam Á thời “hậu Al-Baghdadi”

Thứ hai, 04/11/2019 10:18

Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của Lực lượng đặc biệt Mỹ ở Syria hôm 26-10. Trong khi cái chết của al-Baghdadi có thể là một đòn giáng mạnh vào tổ chức cực đoan này, nhưng thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố của các quốc gia Đông Nam Á vẫn còn đó.

Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt, nhưng thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố của các quốc gia Đông Nam Á vẫn còn đó. Ảnh: Diplomat

Trong khi các tiêu đề liên quan đến IS chủ yếu tập trung vào khu vực Trung Đông, các chi nhánh của nhóm cũng như những kẻ ủng hộ được truyền cảm hứng đã gây ra hàng loạt các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới. Đông Nam Á cũng không tránh khỏi điều này, với ví dụ ấn tượng nhất là cuộc bao vây của nhóm phiến quân liên kết với IS ở thành phố Marawi, miền nam Philippines năm 2017. Thật vậy, ngay cả khi IS để mất lãnh thổ ở Trung Đông, các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore vẫn tiếp tục chứng kiến các âm mưu khủng bố nở rộ và lo ngại cũng tăng lên do tác động của các tay súng chiến đấu từ nước ngoài trở về nước.

Cái chết của al-Baghdadi chắc chắn không phải là không có ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh chống IS của các quốc gia Đông Nam Á. Y là thủ lĩnh khủng bố cấp cao nhất bị giết kể từ khi Osama bin Laden bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích ở Pakistan hồi năm 2011. Và mặc dù vai trò của y trong nhóm có thể chỉ mang tính biểu tượng so với những kẻ trực tiếp tham gia vào các hoạt động và quản lý nhóm, việc loại bỏ y dù sao cũng là một đòn giáng mạnh vào IS ở Trung Đông, sau những thất bại trước đó mà nhóm này phải đối mặt trong những năm gần đây. Điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự thu hút của nhóm tại các khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sẽ là quá sớm nếu tuyên bố một chiến thắng cho cuộc đấu tranh chống IS và khủng bố của Đông Nam Á. Trước hết, vẫn chưa rõ cái chết của al-Baghdadi sẽ ảnh hưởng thế nào đến cách tổ chức của IS cũng như mối quan hệ của nó với các nhóm khác, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Đông đang có những thay đổi lớn, trong đó có việc Mỹ rút quân tạo ra những khoảng trống cho IS và các nhóm khủng bố khác lấp đầy trong tương lai. Trước đây, cái chết của những lãnh đạo cấp cao khác của IS đã đặt ra câu hỏi về việc sẽ ảnh hưởng đến tương lai của nhóm như thế nào và liệu nhóm có tách ra theo những cách có thể tạo ra những thách thức mới để quản lý hay không. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng, cái chết của al-Baghdadi chỉ là một “thất bại nhất thời” đối với mục tiêu vươn ra toàn thế giới của nhóm.

Mặt khác, những tác động xuyên khu vực đối với cái chết của al-Baghdadi vẫn chưa rõ ràng. Một giả thuyết đưa ra là cái chết của một nhân vật như al-Baghdadi có thể làm giảm sức hấp dẫn của IS ở những nơi khác trên thế giới. Nhưng ở Đông Nam Á, mặc dù một số nhóm đã cam kết trung thành hoặc được truyền cảm hứng từ IS, chúng có xu hướng hoạt động khá tự chủ và trên thực tế có thể tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công theo kế hoạch. Chẳng hạn như cuộc tấn công gần đây nhằm vào Bộ trưởng an ninh Indonesia, Wiranto hồi đầu tháng này là do Jamaah Ansharul Daulah, một nhóm thân IS nhưng hoạt động như một tế bào độc lập, thực hiện. Cái chết của al-Baghdadi cũng có thể tạo ra những hậu quả khác có thể ảnh hưởng đến khu vực như Đông Nam Á, chẳng hạn như khích lệ các cuộc tấn công trả đũa để thể hiện khả năng khôi phục hoặc kích thích các tay súng chiến đấu nước ngoài trở về đất nước của chúng.

Hơn nữa, mối đe dọa do IS gây ra chỉ là một phần thách thức mà các nước Đông Nam Á phải đối mặt trong hoạt động đối phó với khủng bố và lực lượng nổi dậy. Còn nhiều nhóm khác ngoài IS tiếp tục đặt ra vấn đề cho lực lượng an ninh Đông Nam Á, chẳng hạn như Jemaah Islamiyah. Nhiều cá nhân có thể chuyển sang ủng hộ các nhóm đó. Ngoài ra, trong khi các quốc gia Đông Nam Á đã có một số thành công nhất định trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công, thì nguyên nhân sâu xa và điều kiện cơ bản để chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực phát triển vẫn chưa được giải quyết triệt để. Miền nam Philippines vẫn tiếp tục là nơi sản sinh đầy tiềm năng của chủ nghĩa khủng bố trong khi sự hấp dẫn về ý thức hệ của các nhóm cực đoan vẫn là vấn đề chính chưa thể giải quyết. Thủ lĩnh chống khủng bố của Malaysia, Ayob Khan Mydin Pitchay hồi đầu tuần này cho rằng, cái chết của al-Baghdadi là tin tốt, nhưng không ảnh hưởng nhiều vì thách thức chính ở Malaysia vẫn là sự lây lan của hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Nhìn chung, cái chết của al-Baghdadi, không nghi ngờ gì là một sự phát triển mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố nói chung và IS nói riêng. Nhưng chúng ta nên thận trọng khi dự báo điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc chiến chống khủng bố ở Đông Nam Á.

AN BÌNH