Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc chiến chống ma túy vẫn rất cam go

Thứ tư, 26/04/2017 07:29

(Cadn.com.vn) - Ngày 25-4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển theo Quyết định 133 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ CA, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính tổ chức. Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP và lãnh đạo các lực lượng Hải quan, BĐBP TP tham dự tại đầu cầu Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị.

PHỨC TẠP TRÊN CÁC TUYẾN

Báo cáo đánh giá tại hội nghị cho thấy, trong 15 năm qua, việc thực hiện Quyết định số 133 của Thủ tướng Chính phủ đã được 4 lực lượng quán triệt thực hiện nghiêm túc. Phát huy vai trò chủ công, các lực lượng đã đồng tâm hiệp lực, đoàn kết gắn bó chặt chẽ trong công tác phòng chống tội phạm ma túy (TPMT) trên cả nước nói chung, khu vực biên giới, cửa khẩu, tuyến biển nói riêng. Khâu phối hợp, hỗ trợ trao đổi, xác minh thông tin, xác lập, đấu tranh chuyên án từng bước đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả. Báo cáo cũng nêu rõ, tình hình TPMT hiện nay diễn ra rất phức tạp trên tất cả các tuyến, địa bàn, trong đó tuyến biên giới Việt Nam – Lào được xác định là trọng điểm, bởi ma túy được vận chuyển từ khu vực “tam giác vàng” thẩm lậu vào nước ta chủ yếu qua tuyến này sau đó vận chuyển đi nơi khác (20% tiêu thụ trong nước và 80% vận chuyển qua nước thứ 3).

Đáng chú ý là  địa bàn biên giới 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La, từng đã phát hiện hàng chục nhóm người Mông (Lào) trang bị vũ khí quân dụng, áo giáp chống đạn, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam và gần đây có dấu hiệu chuyển hướng hoạt động sang địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An. Tại tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, ma túy chủ yếu là heroin được mua bán, vận chuyển từ Lào vào Việt Nam rồi vận chuyển qua Trung Quốc; ngược lại, các loại ma túy tổng hợp được mua bán, vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam chiếm trên 90% lượng ma túy tiêu thụ trong nước, trọng điểm là địa bàn dọc biên giới phía Bắc. Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, tội phạm ma túy cũng tiềm ẩn phức tạp và đang có xu hướng gia tăng; đáng chú ý phát hiện một số đường dây mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp với số lượng lớn từ Lào sang Campuchia để vận chuyển vào Việt Nam.

Trên tuyến hàng không, nổi lên là các đường bay đến từ TP Hồ Chí Minh đi và đến các nước Australia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan. Đối tượng người nước ngoài đặc biệt là người gốc Phi lợi dụng phụ nữ Việt Nam và một số nước Đông Nam Á vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, hoặc lôi kéo sang các nước để vận chuyển ma túy vào Trung Quốc. Trên tuyến đường biển cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là vận chuyển Cocain có xu hướng tăng. Dù các lực lượng phát hiện, bắt giữ một số vụ buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn, nhưng việc phát hiện, điều tra bắt giữ còn khó khăn và còn ít so với thực trạng tình hình. Bên cạnh đó, tuyến Bưu điện cũng đang bị TPMT lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh để vận chuyển ma túy.

Lãnh đạo CATP, BĐBP, Hải quan TP tham dự hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng.

CẦN PHÁT HUY SỨC MẠNH TỔNG HỢP

Đại diện lãnh đạo Bộ CA, Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP tại hội nghị đánh giá, TPMT hiện nay luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, có sự câu kết của tội phạm ma túy và các loại tội phạm khác. Chúng thường trang bị vũ khí, sẵn sàng chống trả quyết liệt, thậm chí tử thủ khi bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Trong khi đó, tình trạng trồng và tái trồng cây thuốc phiện, cần sa còn diễn ra nhiều ở một số địa phương; hành vi điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp ở ngoại biên và trong nội địa cũng đang tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Tính đến cuối năm 2016, toàn quốc có hơn 209.000 người nghiện ma túy và đang có xu hướng gia tăng, nhất là nghiện ma túy tổng hợp, trong đó 71,7% số người nghiện ma túy đang ở ngoài xã hội. Đáng chú ý, nổi lên là sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá, nhiều vụ đối tượng sử dụng bị gây ảo giác dẫn đến gây án đặc biệt nghiêm trọng, hoặc gây rối TTCC ở địa bàn dân cư.

Từ công tác phối hợp giữa các lực lượng, đã thấy rõ sự gắn kết cao trong việc trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc liên quan đến tệ nạn ma túy. Tuy nhiên hiện nay phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động, phạm vi hoạt động rộng, đòi hỏi công tác phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này phải chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp trên trận tuyến phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này, góp phần giữ vững ANQG, TTATXH.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong việc thực hiện Quyết định 133 của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã góp phần ngăn chặn, kiềm chế không chỉ đối với TPMT mà tất cả các loại tội phạm khác. Chất lượng công tác phối hợp cũng từng bước được nâng lên, từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống TPMT trên các tuyến. Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu phải chủ động hơn nữa trong khâu phối hợp, không để xảy ra một số nơi, một số chỗ xuất hiện những biểu hiện tư tưởng “quyền anh, quyền tôi”, dẫn tới việc chia sẻ, trao đổi thông tin chưa nhiệt tình, gắn kết, thậm chí để xảy ra sai sót trong quy trình, quy chế công tác, không đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra.

“Trong công tác đấu tranh với TPMT, chúng ta phải xác định quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa CA, BĐBP, Hải quan, CS biển là rất quan trọng. Vì vậy sự phối hợp phải có trao đổi, chỉ huy thống nhất giữa các lực lượng với nhau, từ đó phân cấp giải quyết, không để hình thành điểm nóng phức tạp. Chúng ta phải tạo ra được thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, linh hoạt trong phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, góp phần bảo vệ ANTT, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Ngoài tập trung đấu tranh mạnh với TPMT xuyên quốc gia trên tuyến biên giới, tuyến biển, chúng ta phải đảm bảo ổn định tình hình tại các địa phương trong nước, nhất là công tác kiểm soát ma túy, kiểm soát công tác cai nghiện ở các trung tâm, cai nghiện tại cộng đồng, gia đình, góp phần thực hiện tốt công tác phòng ngừa, không để từ tội phạm nghiện chuyển qua tội phạm hoạt động buôn bán, tàng trữ trái phép ma túy. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; phát huy nhiều mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ngay từ cơ sở. Làm được vậy, cán bộ phải giữ được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phải làm cho dân tin, dân phục, dân thương yêu và thực sự là cán bộ dân vận giỏi” – Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Công Hạnh – Bích Vân

Thực hiện công tác phối hợp theo Quyết định 133 của Thủ tướng Chính phủ của lực lượng CA, BĐBP, Hải quan, CS biển, công tác phát hiện, đấu tranh chuyên án và điều tra các vụ án về ma túy ngày càng được tăng cường. Tỷ lệ phát hiện bắt giữ tội phạm và thu giữ ma túy ở 25 tỉnh biên giới đã tăng từ 10% (năm 2002) lên trên 25% (năm 2016) tổng số vụ trong cả nước; đặc biệt có trên 10% số vụ trong tổng số vụ của 44 tỉnh, đơn vị ở cấp bộ phát hiện bắt giữ có sự phối hợp điều tra giữa 4 lực lượng. Sự phối hợp không chỉ ở giai đoạn trao đổi thông tin mà có nhiều vụ đã phối hợp ngay từ khi xác lập, đấu tranh chuyên án, điều tra ban đầu và điều tra mở rộng vụ án, do đó tạo thuận lợi kịp thời, hiệu quả trong điều tra xử lý TPMT.