Cuộc chiến ở Iraq tạo ra IS
(Cadn.com.vn) - Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair ngày 25-10 lên tiếng xin lỗi vì “sai lầm” trong cuộc xâm lược do Mỹ đứng đầu ở Iraq vào năm 2003 và thừa nhận “mối liên hệ” giữa sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhóm cực đoan IS và chiến tranh Iraq.
Cựu Thủ tướng Tony Blair (phải) một lần nữa bảo vệ việc lật đổ |
Lời xin lỗi chưa đầy đủ
“Tôi xin lỗi vì sự thật là những thông tin tình báo chúng tôi nhận được là không chính xác. Mặc dù cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein có sử dụng vũ khí hóa học, nhiều chương trình mà chúng tôi nghĩ có tồn tại thật ra không có”, ông Blair thừa nhận trong cuộc phỏng vấn độc quyền trên CNN, phát sóng hôm 25-10.
Nhưng một lần nữa ông vẫn bảo vệ cuộc xâm lược này cũng như không đưa ra lời xin lỗi đầy đủ khi cho rằng, “thật khó khăn để xin lỗi khi đã loại bỏ chế độ Hussein bởi nếu chế độ Hussein còn tồn tại, Iraq có thể đã trở thành một Syria khác”. Cựu Thủ tướng Anh tuyên bố không hối tiếc khi lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Hussein. “Tôi nghĩ, cho đến năm 2015, Iraq sẽ còn tồi tệ hơn nếu như còn ông ta (ông Hussein) ở đó”, ông Blair nói.
Mỹ và phương Tây vẫn xem cựu Tổng thống Hussein là kẻ độc tài, mở các cuộc chiến tranh đẫm máu với các nước láng giềng Iran và Kuwait, tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, sử dụng vũ khí hóa học chống lại người Kurd ở miền bắc Iraq... Nhưng đến nay, khi Mỹ đã kết thúc nhiệm vụ chiến đấu ở đây, Iraq vẫn căng thẳng nặng nề do xung đột sắc tộc và nhất là đang phải vật lộn đối phó với mối đe dọa kinh hoàng từ IS - nhóm cực đoan Hồi giáo Sunni đã áp đặt quy luật tàn bạo trên khắp các khu vực quan trọng ở phía bắc và phía tây đất nước.
“Mảnh đất màu mỡ” cho IS
Anh và Mỹ đã sử dụng những thông tin tình báo về việc “chính quyền Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt” để biện minh cho cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003.
Tuy nhiên, các báo cáo tình báo khác khẳng định, thông tin trên là hoàn toàn vô căn cứ. Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Mặc dù chỉ sau vài tuần mở cuộc tấn công, Mỹ và liên quân đã lật đổ được chế độ Tổng thống Hussein, nhưng hậu quả để lại thật nặng nề và tang thương. Iraq rơi vào hỗn loạn, dẫn đến những năm tháng bạo lực sắc tộc đẫm máu cũng như sự trỗi dậy của Tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Iraq, một đội quân tiền đề cho IS. Hàng chục ngàn người Iraq, hơn 4.000 lính Mỹ và 179 nhân viên Anh đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài này.
Bản thân ông Blair cũng thừa nhận, có những “yếu tố chân lý” cho thấy, cuộc xâm lược Iraq năm 2003 là nguyên nhân dẫn đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của IS, giống như đó là “mảnh đất màu mỡ” giúp nhóm cực đoan IS “sinh sôi nảy nở”. “Tất nhiên, không thể nói rằng những người đã loại bỏ Saddam Hussein năm 2003 không phải chịu trách nhiệm cho tình trạng hiện nay ở Iraq. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy, thứ nhất, Mùa xuân Arab bắt đầu từ năm 2011 ảnh hưởng đến Iraq và thứ hai, IS thực sự nổi lên từ một căn cứ ở Syria chứ không phải ở Iraq”.
Giải thích quan điểm này, ông Blair cho rằng, liên quân đã giúp thành lập một “chính phủ trên diện rộng” tại Iraq sau chiến tranh. Nhưng một Iraq tương đối ổn định trong năm 2009 đã suy yếu bởi chính sách “giáo phái” của chính phủ sau đó và tác động của Mùa xuân Arab. Theo ông Blair, IS sau đó di chuyển từ Iraq vào Syria và thành lập căn cứ chính ở đó, trước khi trở về lại Iraq.
Là đồng minh thân cận nhất của cựu Tổng thống Mỹ G.W.Bush trong cuộc xâm lược Iraq, di sản nắm quyền của Thủ tướng Blair cho đến nay vẫn bị lu mờ bởi bóng ma chiến tranh, với những câu hỏi và những chỉ trích liên tiếp nhằm vào ông. Quyết định tham chiến cùng Mỹ ở Iraq của ông Blair từng làm bùng nổ các cuộc biểu tình chống chiến tranh trên khắp nước Anh. Tại Mỹ, hậu quả của quyết định xâm lược Iraq cho đến nay vẫn hiện hữu khi đây chính là đề tài nóng bỏng cho các ứng viên tranh đề cử của đảng Cộng hòa cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Khả Anh