Báo Công An Đà Nẵng

“Cuộc chiến” quanh Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston

Thứ hai, 27/07/2020 11:47

Việc đặc vụ Mỹ đột kích vào Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas sau thời hạn chót ngày 24-7 khiến Trung Quốc nổi giận và đưa ra những chỉ trích gay gắt khi nói rằng, đây chẳng khác gì “hành động ăn trộm”.

Một nhóm người, được cho là đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các nhân viên an ninh tìm cách mở cửa sau của tòa nhà tổng lãnh sự Trung Quốc ở Houston, bang Texas. Bức ảnh này được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa lên Twitter và gọi hành động này “chẳng khác gì ăn trộm”.   ẢNH: REUTERS

Viết trên Twitter ngày 26-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi hành động phá cửa vào Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston của các đặc vụ Mỹ “chẳng khác gì ăn trộm”, và vi phạm công ước Vienna về lãnh sự và cả Hiến pháp Mỹ. “Các cơ sở lãnh sự của Trung Quốc tại Houston là tài sản của chính phủ chúng tôi. Hành động phá khóa của Mỹ là sự vi phạm Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự cũng như Hiến pháp Mỹ và đạo luật quan hệ ngoại giao. Hành động đó không khác gì ăn trộm”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh. Trước đó, trong thông báo ngày 25-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích: “Chúng tôi cực kỳ không hài lòng và phản đối mạnh mẽ hành động của Mỹ. Chúng tôi sẽ có các phản ứng thích hợp và cần thiết trước việc này”.

Mỹ ngày 21-7 bất ngờ yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, cho các nhân viên cơ sở ngoại giao này 72 giờ để rời đi. Thời hạn chót đã kết thúc vào ngày 24-7. Và sau thời hạn đó, hàng loạt xe SUV màu đen, xe tải, hai xe bán tải màu trắng cùng một phương tiện chuyên dụng phá khóa của Mỹ đã tiến vào bên trong khu lãnh sự quán. Theo CNN, một nhóm người, được cho là đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các nhân viên an ninh đã dùng khoan điện và xà beng để tìm cách mở cửa sau của tòa tổng lãnh sự. 3 lối vào khác bị chốt chặn kiên cố nên đặc vụ Mỹ không vào được. Theo nguồn tin trên tờ RT, tổng lãnh sự Trung Quốc từng tuyên bố không đóng cửa và vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nhân viên ngoại giao cuối cùng của Trung Quốc đã rời cơ sở này vào chiều 24-7 (sáng 25-7, giờ Việt Nam). Đáp trả, Trung Quốc đã yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.

Theo Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự năm 1963 cũng như thỏa thuận lãnh sự Mỹ-Trung, trụ sở của cơ quan lãnh sự là bất khả xâm phạm. Thỏa thuận song phương nêu rõ: “nếu không nhận được sự đồng ý của tổng lãnh sự hay đại sứ hay một người được một trong hai người trên chỉ định, thì không được phép tiến vào trụ sở tổng lãnh sự quán”. Tuy nhiên, việc bất khả xâm phạm không phải là luôn luôn. Công ước Vienna quy định “trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn hoặc thiên tai khác cần có biện pháp bảo vệ gấp rút thì có thể giả định là người đứng đầu cơ quan lãnh sự đồng ý”. Nhưng thỏa thuận Mỹ- Trung lại không có điều này.

Công ước Vienna 1963 cũng có quy định trong trường hợp đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn tổng lãnh sự quán, nước tiếp nhận phải “bảo vệ trụ sở cùng tài sản và hồ sơ lưu trữ của cơ quan lãnh sự, ngay cả trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang”. Tuy nhiên, thỏa thuận lãnh sự song phương được ký năm 1981 tại Washington không quy định cụ thể trường hợp này mà chỉ nói hai bên có trách nhiệm bảo vệ chung.

THANH VĂN