Báo Công An Đà Nẵng

“Cuộc chiến tay ba”

Thứ bảy, 12/07/2014 11:26

(Cadn.com.vn) - Khi hai quả tên lửa từ Lebanon nhắm vào mục tiêu ở miền Bắc Israel hôm 11-7, xung đột quanh Dải Gaza bước sang giai đoạn mới, phức tạp hơn với “cuộc chiến tay ba”.

2 quả tên lửa này được phóng đi từ khu vực phụ cận Hashaya thuộc thị trấn Mari ở miền Nam Lebanon vào sáng 11-7. Theo AP, đây là tên lửa loại Katyusha 107mm và được phóng đi từ địa điểm chưa được xác định cách biên giới Israel khoảng 1km.

Người dân Gaza tìm kiếm thi thể người mất tích sau vụ không kích của Israel. Ảnh: Reuters

Quân đội Israel ngay lập tức đáp trả bằng hỏa lực pháo binh nhằm vào miền nam Lebanon trong khi chính quyền Beirut cho biết, vẫn chưa rõ ai đứng đằng sau các cuộc tấn công này. Nhiều nguồn tin cho rằng, có thể “kẻ chủ mưu” là nhóm Hezbollah. Miền Nam Lebanon là thành trì của Hezbollah, nhóm Hồi giáo Shiite từng giao chiến với Israel hồi năm 2007 và mới đây nhất là tham chiến ở Syria, hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng Lebanon đổ lỗi các phe phái cực đoan Palestine trong khu vực. Mặc dù vậy, phía Israel buộc chính phủ Lebanon chịu trách nhiệm về vụ tấn công này.

Giao tranh Israel-Lebanon xảy ra giữa lúc Tel Aviv vẫn không kích dữ dội vào Gaza trong khi Hamas tiếp tục bắn tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Israel, tạo ra mớ bòng bong khó gỡ ở khu vực Trung Đông vốn chưa bao giờ êm ả. Một không khí ảm đạm bao phủ Gaza, nơi Tel Aviv không kích gần 1.100 mục tiêu kể từ khi mở Chiến dịch Vành đai Bảo vệ hôm 7-7. Không nói đến thiệt hại về cơ sở hạ tầng, tổn thất về người đang tăng cao chóng mặt. Theo Bộ Y tế Palestine, hơn 100 người, trong đó có 15 phụ nữ và 22 trẻ em đã thiệt mạng. Hơn 650 người bị thương.

Nhiều người không có nơi để chạy trốn và không có nơi trú ẩn bom. “Tôi không thể rời đi vì không có nơi nào để đi. Tốt hơn là ở nhà”, một cư dân của thị trấn Bait Hanoun ở phía bắc Gaza nói với CNN. Tổ chức Giải phóng Palestine cáo buộc Israel đánh bom cả các cơ sở hạ tầng dân sự, gồm đường ống cung cấp nước và nhà máy xử lý nước thải. Tel Aviv hiện vẫn im lặng trước những cáo buộc. Israel biện hộ, họ gọi điện thoại và sử dụng chiến thuật mà họ gọi là “gõ cửa mái nhà” - để cảnh báo người dân sắp xảy ra không kích. Nhưng phương pháp này không đảm bảo an toàn.

Khi triển vọng ngừng bắn trở nên lờ mờ, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định sẽ làm trung gian gỡ rối xung đột lần này. Ông chủ Nhà Trắng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong đó tuyên bố: “Mỹ vẫn sẵn sàng tạo điều kiện chấm dứt chiến sự như thỏa thuận ngừng bắn tháng 11-2012”. Tổng thống cũng lên án các cuộc tấn công tên lửa từ Gaza và nói rằng, Tel Aviv có quyền tự vệ chính đáng. Tổng thống Nga và Pháp cũng đã kêu gọi ngừng bắn trong khi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon mong muốn Israel và Hamas kiềm chế khi lo ngại Trung Đông không đủ khả năng cho “một cuộc chiến toàn diện”.

Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn và cả những tuyên bố lên án các cuộc không kích đẫm máu, Israel vẫn nói không. Thủ tướng Netanyahu nói trước Quốc hội nước này rằng, một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas không nằm trong chương trình nghị sự vào thời điểm hiện tại. “Tôi không đàm phán với bất cứ ai về lệnh ngừng bắn vào lúc này. Thậm chí một lệnh ngừng bắn còn không nằm trong chương trình nghị sự”, ông tuyên bố thẳng thừng. Trong khi đó, cánh quân sự của Hamas cũng tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc đối đầu kéo dài. “Chúng tôi sẵn sàng cho trận chiến lâu dài, không chỉ trong 7 ngày hay 10 ngày như mô tả của một số cấp chỉ huy của đối phương”, một chiến binh Hamas nói trong đoạn băng công bố hôm 10-7.

Tuyên bố của ông Netanyahu, Hamas, cùng với những vụ bắn tên lửa bất ngờ từ Lebanon rõ ràng là “gáo nước lạnh” dập tắt những hy vọng gỡ rối cho Gaza.

Khả Anh