Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có điểm dừng, vì sao?

Thứ năm, 17/10/2019 12:23

Một thỏa thuận “đình chiến” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên hy vọng - một lần nữa -, hai siêu cường kinh tế đang nhích dần đến một giải pháp cho cuộc chiến thương mại kéo dài và đang khiến nền kinh tế thế giới điêu đứng.

Việc Mỹ đưa Huawei vào “danh sách đen” càng khiến cuộc chiến thương mại với Trung Quốc thêm căng thẳng.   Ảnh: AP

Nhưng cả hai dường như vẫn khó có khả năng đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại toàn diện nào. Thỏa thuận đình chiến mới nhất cũng không đề cập đến một số rạn nứt lớn nhất chia rẽ hai nước, như công nghệ và chính sách kinh tế của Trung Quốc. Tổng thống Trump hồi cuối tuần qua đã nói rằng, sẽ có “nhiều hy vọng hơn nữa” giữa hai nước, và xác nhận cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh ở Chile vào tháng tới. Nhưng thực tế là các nhà đàm phán vẫn cần đến 5 tuần để tìm ra văn bản thực tế của thỏa thuận, động thái cho thấy, họ vẫn phải giải quyết rất nhiều chi tiết.

Thực tế là mỗi bên đã sử dụng ngôn ngữ rất khác nhau để mô tả thỏa thuận “đình chiến”. Tổng thống Trump gọi đó là “thỏa thuận trong giai đoạn rất quan trọng”, và mô tả nó như là “lễ hội tình yêu” sau nhiều tháng xích mích. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã có một cách tiếp cận thận trọng hơn, tránh từ “thỏa thuận” mà chỉ nói rằng cả hai đã có những “tiến bộ đáng kể”. Vì vậy, có thể thấy, thỏa thuận này cũng gần giống với một minh chứng cho tinh thần thiện chí của hai bên hơn là để giải quyết tranh chấp thương mại, và hiện vẫn còn một số nhượng bộ được nêu trong thỏa thuận sơ bộ, cùng với các vấn đề lớn hơn vẫn chưa được giải quyết.

Những sản phẩm nông nghiệp

Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý mua 40 - 50 tỷ USD nông sản Mỹ. Con số này so với 24 tỷ USD các sản phẩm như vậy mà Washington đã bán cho Bắc Kinh vào năm 2017, trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra.

Năm 2018, Mỹ chỉ bán số lượng nông sản trị giá 9,3 tỷ USD cho Trung Quốc. Ông Trump cho rằng, Trung Quốc sẽ “ngay lập tức” bắt đầu mua số lượng rất lớn” các sản phẩm nông nghiệp nhưng không nói rõ chi tiết. Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất cho xuất khẩu nông sản của Mỹ và nông dân Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự trả đũa của Bắc Kinh. Theo Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp của Oanda tại Châu Á-Thái Bình Dương, đối với Trung Quốc, việc đồng ý mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ có thể được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu thịt lợn quá lớn ở trong nước. Trung Quốc đã mất hơn 100 triệu con lợn vì dịch tả lợn Châu Phi, khiến các nhà chức trách phải mở kho dự trữ khẩn cấp để ổn định thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới này.

Một số thuế được  dỡ bỏ, một số vẫn còn

Là một phần của thỏa thuận, Mỹ quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực từ ngày 15-10 tới.

Nhưng mức thuế dự kiến vào cuối năm nay vẫn hiện hữu trên bàn đàm phán. Washington có kế hoạch áp thuế 15% mới đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD ước tính vào ngày 15-12. Mức thuế này có thể thực sự gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ, vì chúng ảnh hưởng đến các mặt hàng tiêu dùng phổ biến như máy tính xách tay và điện thoại thông minh. Các khoản thuế ban đầu được cho là có hiệu lực vào ngày 1-9, nhưng ông Trump trì hoãn đến giữa tháng 12 để tránh mùa mua sắm. Người đứng đầu Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ hoan nghênh việc tạm dừng thuế bổ sung, nhưng lưu ý rằng “nhiều thứ hiện vẫn đang bị áp thuế trừng phạt”.

Nếu mức thuế vào tháng 12 được thực thi, Mỹ sẽ đánh thuế khá nhiều hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh cũng sẽ đánh thuế gần 70% hàng hóa của Mỹ.

“Cuộc chiến” công nghệ hoành hành

Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là về thuế. Hai siêu cường kinh tế hiện đang rơi vào cuộc chiến về việc ai sẽ thống trị ngành công nghệ trong tương lai.

Những hạn chế của Mỹ đối với gã khồng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei và một số Cty AI cao cấp đã làm leo thang cuộc đụng độ đó, và có một dấu hiệu nhỏ cho thấy, hai nước đã tiến gần đến việc giải quyết những vấn đề này. Washington đã liệt kê thêm các Cty như SenseTime và Hikvision vào “danh sách đen” thương mại hồi tuần trước. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định: “Huawei không phải là một phần của thỏa thuận này”. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu. Bắc Kinh trong nhiều năm đã đánh dấu danh tiếng là “công xưởng của thế giới”, và thay vào đó, xoay vòng để trở thành một nơi mà tài năng công nghệ cao và sự đổi mới có thể phát triển mạnh. Huawei là một ví dụ điển hình của trục đó.

Nhưng Washington đã cản trở hoạt động kinh doanh toàn cầu của Huawei bằng cách đưa Cty vào “danh sách đen” thương mại vào tháng 5, với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Huawei phủ nhận việc này. Đầu năm nay, ông Trump nói sẽ giảm bớt các hạn chế đối với Huawei sau khi các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh, việc nhượng bộ Huawei là một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Khi được hỏi liệu Huawei có bị loại khỏi danh sách đen hay không, Trump nói: “Chúng ta sẽ nói về điều đó sau”.

“Minh bạch” tiền tệ

Washington cũng chỉ ra rằng, họ có thể rút lại quyết định gắn mác Bắc Kinh là “quốc gia thao túng tiền tệ”. Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc như vậy vào tháng 8 sau khi ngân hàng trung ương của nước này cho phép đồng nhân dân tệ suy yếu trong bối cảnh tranh chấp thương mại đang diễn ra.

Các quan chức Mỹ cho rằng, Bắc Kinh đang cố tình làm suy yếu đồng nhân dân tệ, khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài. Nhưng hầu hết các chuyên gia nói rằng, ngân hàng trung ương Trung Quốc thực sự đã thực hiện các biện pháp chống đỡ tiền tệ trong nhiều năm như một cách để ngăn chặn các Cty và nhà đầu tư rút tiền ra khỏi đất nước. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, Mỹ sẽ “đánh giá” lại việc này nhưng không cung cấp chi tiết. “Nếu Bắc Kinh cam kết không thao túng tiền tệ và minh bạch hơn về dự trữ ngoại hối, điều đó có thể đủ để thúc đẩy Washington xóa bỏ việc gán mác xấu cho Trung Quốc”, một chuyên gia nhận định.

KHẢ ANH