“Cuộc chiến” treo Quốc hội và ván cược của tân Thủ tướng Anh
Đề xuất đình chỉ Quốc hội của tân Thủ tướng Boris Johnson đang làm bùng nổ một cuộc chiến quyết liệt trên chính trường Anh.
Biểu tình phản đối việc Thủ tướng Johnson “treo” Quốc hội. Ảnh: Bloomberg |
Chính phủ Anh đã quyết định gia hạn thời gian Quốc hội nước này không họp như thường lệ từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10 đến ngày 14-10, như một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy London hoàn thành việc rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit. Theo đề xuất, Quốc hội tạm dừng hoạt động cho đến ngày 14-10, tức là chỉ 2 tuần trước thời hạn chót 31-10 cho việc Anh rời EU.
Đồng bảng Anh đã giảm 0,6% so với đồng EUR và đồng USD sau quyết định đang ngày càng củng cố giả thuyết Brexit không thỏa thuận cho nước Anh (Brexit cứng), gây lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung nhiều mặt hàng quan trọng và phải tái thiết lập thuế quan.
Nữ hoàng không phản đối đình chỉ Quốc hội
Theo các nguồn tin, trong tối 28-8, thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn và thủ lĩnh đảng Dân chủ-tự do bà Jo Swinson đã đề nghị được gặp khẩn cấp Nữ hoàng Elizabeth II để đề cập đến khủng hoảng chính trị hiện tại. Đã có những thông tin cho rằng việc đình chỉ quốc hội đã đẩy Nữ hoàng Elizabeth II, người theo thông lệ tránh bất cứ liên quan nào đến chính trường, vào tình thế khó xử.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm 29-8, Chủ tịch Hạ viện Anh Jacob Rees-Mogg cho biết, Nữ hoàng không chất vấn đề nghị của chính phủ về việc đình chỉ quốc hội hơn 1 tháng trước thềm Brexit. Phát biểu với Đài BBC, ông Rees-Mogg nói: “Nữ hoàng không có toàn quyền hành động trong vấn đề này. Không có tiền lệ cho việc nữ hoàng từ chối đề nghị của thủ tướng trong những tình huống này”. Ông phủ nhận thông tin nữ hoàng đang ở tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong quyết định này.
Trước áp lực từ mọi phía, ông Rees-Mogg cho biết, những nghị sĩ muốn ngăn chặn một Brexit không thỏa thuận có 2 lựa chọn: thay đổi luật pháp hoặc thay đổi chính phủ, và nếu họ không lựa chọn, Anh sẽ vẫn rời EU vào ngày 31-10. Phát biểu trên đài BBC, ông Rees-Mogg, nhân vật có thành kiến với EU, nêu rõ: “Tất cả những người đang than vãn và giận dữ đều hiểu rằng có 2 con đường để làm điều họ muốn. Một là thay đổi chính phủ và lựa chọn còn lại là thay đổi luật pháp. Nếu họ chọn một trong hai thì sau đó sẽ có tác động. Nếu họ không có dũng khí hay tinh thần dám nghĩ dám làm trong việc chọn những điều này thì chúng ta vẫn sẽ rời EU vào ngày 31-10 theo như kết quả trưng cầu ý dân”.
Tương lai nào cho nước Anh?
Hơn 1,3 triệu người ký tên vào lá đơn yêu cầu Thủ tướng Johnson hủy bỏ quyết định treo Quốc hội Anh trong 5 tuần vào tháng 9 tới. Làn sóng biểu tình phản đối quyết định này của nhà lãnh đạo Anh cũng đã bùng nổ nhiều nơi.
Các đảng đối lập, các nghị sĩ cũng như chính nhiều thành viên đảng Bảo thủ đã chỉ trích gay gắt quyết định lần này của Thủ tướng Johnson. Quan chức trong chính phủ Anh George Young từ chức để phản đối quyết định trên của Thủ tướng Johnson, cho rằng điều này có nguy cơ làm suy yếu quốc hội tại thời điểm then chốt của lịch sử nước này. Bà Ruth Davidson, thủ lĩnh đảng Bảo thủ tại Scotland đã ra tuyên bố từ chức để phản đối ông Johnson. Phía EU cũng có những bình luận chỉ trích quyết định của Thủ tướng Anh. Chủ tịch Quốc hội Châu Âu, ông David Sassoli cho rằng, việc đóng cửa Quốc hội không bao giờ tốt cho một nền dân chủ, nhất là tại quốc gia có nền dân chủ lâu đời như Anh. Trong khi đó, ở một chiến tuyến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức tán dương quyết định của nhà lãnh đạo Anh trên Twitter.
Tuy nhiên, chính phủ Thủ tướng Johnson vẫn không thay đổi quyết định. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Johnson nhấn mạnh. thời gian biểu được ấn định vẫn cho phép các nghị sĩ có đủ thời gian để tranh luận về EU và Brexit. Giới quan sát cho rằng, rõ ràng, đây được xem là ván cược lớn của tân Thủ tướng Johnson khi nó có thể giúp ngăn chặn khả năng các nghị sĩ đối lập cản trở kịch bản Brexit.
KHẢ ANH