Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc chơi khí đốt

Thứ ba, 06/05/2014 08:12

(Cadn.com.vn) - Khí đốt là "con tướng" quan trọng trên ván cờ ngoại giao giữa Nga và các nước Châu Âu trong bối cảnh cả hai bên vẫn căng thẳng quanh cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi Brussels (nơi đặt trụ sở Liên minh Châu Âu -EU) kêu gọi các nước trong khu vực giảm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga và đàm phán với Moscow về vấn đề này, Áo lặng lẽ vượt rào khỏi Ủy ban Châu Âu, tự đàm phán với Nga về một thỏa thuận song phương riêng trong việc xây dựng một đường ống dẫn dầu quan trọng "Dòng chảy Phương Nam".

Tuyến đường ống "Dòng chảy Phương Nam" có tổng chiều dài gần 2.500km, trong đó 900km đi qua Biển Đen ở độ sâu tới 2,25km, dự kiến sẽ  hoạt động cuối năm 2015. Thỏa thuận này cũng có khả năng làm hài lòng một số nước khó tính như Đức khi khí đốt giờ đây sẽ được vận chuyển dễ dàng hơn. Theo đó, sau năm 2015, các nước Châu Âu từ Bulgaria, Áo, Italia đến Bosnia-Herzegovina  hay Macedonia... sẽ bắt đầu nhập khẩu khí đốt của Moscow theo tuyến đường ống mới này.

Thỏa thuận về "Dòng chảy Phương Nam" cho thấy khó khăn của EU trong việc tạo ra chính sách năng lượng thống nhất với Moscow dù đang không bằng lòng vì khủng hoảng Ukraine. Trong khi các quan chức EU đang kêu gọi Châu Âu "tự cai sữa" khỏi khí đốt của Nga, các Cty tư nhân và cả nhà nước, với sự hỗ trợ của các chính trị gia, đang nỗ lực đẩy mạnh các dự án mua khí đốt Nga hơn bao giờ hết. Cty năng lượng OMV của Áo tuần trước đã nhất trí với Gazprom - Tập đoàn dầu mỏ nhà nước Nga - đưa các đường ống dẫn "Dòng chảy Phương Nam" đến trung tâm khí đốt Baumgarten của Áo, và đến Italia.

Điều này cho thấy, khi nói đến ngoại giao khí đốt, các nước Châu Âu vẫn có lợi ích cạnh tranh riêng mà rất khó để đoàn kết dưới một lá cờ EU. Thời gian thúc đẩy thỏa thuận, trùng hợp với việc Châu Âu thông báo lệnh trừng phạt mới, cũng cho thấy những tính toán đằng sau ván cờ này. Ủy ban Châu Âu vẫn chần chừ trong việc phê duyệt "Dòng chảy Phương Nam" ngay sau vụ Crimea, hy vọng sự chậm trễ này sẽ gia tăng áp lực lên Moscow. "Nếu chúng tôi đồng ý "Dòng chảy Phương Nam", Châu Âu sẽ bán loại dây mà Nga sẽ dùng nó để "treo cổ" Ukraine, và điều này cũng sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow", nhà nghiên cứu Frank Umbach cho biết.

Brussels nói "Dòng chảy Phương Nam" không tuân thủ các quy định về quyền sở hữu và quyền truy cập đường ống. Nhưng Áo và Nga đã phá vỡ điều này bằng cách thông báo rằng, thỏa thuận của họ dựa trên một thỏa thuận song phương giữa các quốc gia chứ không phải là một hiệp ước EU. Rõ ràng, ai cũng biết, mục đích chính của "Dòng chảy Phương Nam", giống như đường ống Nord Stream Đức-Nga dưới biển Baltic, là nhằm phá vỡ Ukraine. Điều này sẽ đảm bảo rằng, các tranh chấp giữa Moscow và Kiev không cản trở dòng chảy khí đốt của Nga sang Châu Âu, hiện nhiều trong số đó đi qua Ukraine.

Áo đang nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận "Dòng chảy Phương Nam", sau khi đã thua Italia trong một "cuộc chiến" năm ngoái về đường ống dẫn khí riêng biệt mang khí đốt cho Châu Âu từ Azerbaijan. Với sự bứt phá của Áo và sự cần thiết khí đốt của Nga, người ta cho rằng, chắc chắn EU sẽ sớm phải phê chuẩn "Dòng chảy Phương Nam" trước khi quá muộn.

Thanh Văn