Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc đua mới của EU

Thứ ba, 22/01/2019 11:04

Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây kêu gọi thành lập một “quân đội Châu Âu thực sự”, đã làm sống lại cuộc tranh cãi sôi nổi cả bên ngoài và bên trong Châu Âu. Có phải đó là đánh dấu kết thúc sự lãng mạn xuyên Đại Tây Dương? Nó sẽ tác động đến NATO như thế nào? Ai được cho là kẻ thù? Nó có ý nghĩa gì đối với bàn cờ chiến lược toàn cầu? Và nó thậm chí có khả thi?

Trong khi giấc mơ về một quân đội Châu Âu, theo nghĩa truyền thống, có lẽ không thể thành hiện thực chỉ sau một đêm, tham vọng của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm tăng cường tự chủ chiến lược là có thật và đang hình thành. Trong 2 năm qua, hội nhập quốc phòng và an ninh Châu Âu đã có một bước tiến lớn.

Đằng sau sự thay đổi này là nhiều yếu tố bên ngoài và bên trong. Thứ nhất là đã có nhận thức rằng, Châu Âu không còn có thể đơn giản dựa vào đồng minh NATO của mình để đối phó với nhiều thách thức an ninh trong khu vực lân cận và hơn thế nữa. Đó cũng là một nỗ lực để đảm nhận trách nhiệm lớn hơn với tư cách là nhà cung cấp an ninh toàn cầu. Việc Mỹ đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và các cam kết biến đổi khí hậu, đã cho thấy sự mong manh của trật tự và giá trị dựa trên quy tắc toàn cầu mà Châu Âu mong muốn chễm chệ ở ngôi vị số 1.

Thứ hai, trong nội bộ, thúc đẩy hợp tác quốc phòng cuối cùng đã trở thành một yếu tố hội tụ hữu ích giữa các quốc gia thành viên thường bị chia rẽ, nhiều trong số đó đang phải đối mặt với áp lực từ chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, phong trào dân túy và khủng hoảng di cư kéo dài. Tùy thuộc vào quy mô mà nó sẽ đạt được, xu hướng mới này có thể được hiểu là một bước tiến tới trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh Châu Âu, phòng ngừa chống lại những bất ổn chiến lược. Dù bằng cách nào, một Châu Âu tự trị chiến lược hơn nên được trang bị tốt hơn để tự bảo vệ và dự kiến các lợi ích chính sách đối ngoại của mình.

Nhưng những lợi ích này là gì và tất cả có ý nghĩa gì đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương? Trong thời gian dài, những nỗ lực của Châu Âu trong vai trò bảo đảm an ninh cho Châu Á bị hạ thấp một cách có hệ thống. Đối với Trung Quốc, Châu Âu chỉ được coi là tiếng vang của lợi ích Mỹ. Đối với Washington, Châu Âu được coi là quá cơ hội và không đủ quan trọng như Trung Quốc. Đối với cả hai và hầu hết các quốc gia khác ở giữa, EU chỉ đơn giản là một khối thương mại lớn mà không có bất kỳ năng lực quân sự nào và hoàn toàn không có giá trị gia tăng đối với an ninh khu vực. Nhưng thời thế đã thay đổi và Châu Âu chưa bao giờ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề Châu Á như hiện nay.

Một lý do trọng tâm cho điều này là Trung Quốc. Các hoạt động mở rộng dọc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc khiến Châu Âu đứng ngồi không yên. Ngoài ra, bẫy nợ, đầu tư không minh bạch và can thiệp vào chính trị trong nước đã bắt đầu gây ra mối đe dọa trực tiếp cho sự thống nhất và an ninh của EU.

THANH VĂN