Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc đua trên Mặt trăng

Thứ hai, 11/03/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Khám phá vũ trụ, trong đó có việc đặt chân lên Mặt trăng, từ lâu đạt được những thành tựu đáng kể. Nhưng hiện nay, xu hướng đang được nhiều quốc gia quan tâm, đó là tham gia vào cuộc chạy đua khai thác khoáng sản trên hành tinh mới này.

Khi nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng vào năm 1969, đó là một phần của chiến lược “cờ và dấu chân” mà Mỹ thực hiện nhằm đánh bại Liên Xô, một thắng lợi của trí tưởng tượng và sự đổi mới, chứ không phải là một nỗ lực nhằm khai thác các kim loại quý trên hành tinh này. Lúc đó, thậm chí chẳng ai biết rằng, nước tồn tại trên Mặt trăng. Nhưng mọi thứ hiện nay đã khác.

Tài nguyên khoáng sản dồi dào

Mặt trăng hiện là trung tâm cuộc chạy đua không gian nhằm khai thác những khoáng sản và nhiên liệu quý hiếm cần thiết cho cuộc sống: điện thoại thông minh, pin mặt trời thời đại không gian. Mặt trăng thậm chí có thể là nơi sinh sống của con người trong tương lai.

“Vì vậy, khám phá Mặt trăng là bước đi đầu tiên hướng đến việc biến nó trở thành một phần của thế giới chúng ta”, ông Bob Richards, Giám đốc điều hành của Moon Express.  Đây một trong 25 Cty đang chạy đua để giành chiến thắng giải thưởng Google Lunar X trị giá 30 triệu USD. Moon Express được coi là một trong 3 đội dẫn đầu cuộc đua. Hai đội khác là Pittsburgh và Barcelona Moon Team. Giải nhất 20 triệu USD sẽ được trao cho một Cty tư nhân đưa robot lên Mặt trăng thành công, khám phá bề mặt bằng cách di chuyển ít nhất 500m và gửi một đoạn băng có độ nét cao về Trái đất. Giải thưởng 5 triệu USD sẽ dành cho nhóm nghiên cứu cũng thực hiện những nhiệm vụ tương tự, nhưng có thêm yêu cầu phải đi hơn 5km hoặc tìm thấy nước. Thời hạn cuối cùng của cuộc thi là năm 2015.

Số tiền thưởng này là tương đối nhỏ cho việc thực hiện một sứ mệnh Mặt trăng. Nhưng các Cty cạnh tranh chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn hơn gấp nhiều lần vì giải thưởng thực sự mà họ nhận được là tiềm năng khoáng sản có giá trị trên hành tinh này. Các nhà khai thác Mặt trăng tin rằng, các hồ chứa nước đóng băng trong những vùng tối và nằm ở cực của Mặt trăng chứa nhiều kim loại quý.

  Ông Bob Richards mong chờ ngày Mặt trăng trở thành nơi khai thác khoáng sản
của con người. Ảnh: BBC

Quyền khai thác

Theo Hiệp ước Không gian năm 1967, không một quốc gia nào có thể sở hữu Mặt trăng, và tương tự như thế, các cá nhân và các Cty cũng không có được đặc quyền này. Tuy nhiên, con người có quyền khai thác Mặt trăng trong tương lai. “Theo hiệp ước, quyền sở hữu không được cho phép, nhưng quyền tự do tiếp cận và khai thác thì được khuyến khích. Bạn không thể sở hữu nó, nhưng bạn có thể đến đó và sử dụng nó. Cái khó là làm thế nào để chúng ta cân bằng được hai điều này”, luật sư không gian James Dunstan cho biết.

Trung Quốc có kế hoạch gửi một tàu thăm dò lên Mặt trăng vào cuối năm nay và gửi các phi hành gia đến đó vào năm 2020. Trước các kế hoạch quá tham vọng của Bắc Kinh, một số người lo sợ nước này có thể kiểm soát Mặt trăng quá nhiều. Ông Dunstan không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ coi thường luật pháp quốc tế để chơi tay trên đối với vấn đề không gian, nhưng rất khó để kiềm chế tham vọng này của Bắc Kinh. Nếu Cty Moon Express và những Cty khác thành công, có thể hình dung được rằng trong tương lai, bề mặt Mặt trăng sẽ đầy các robot khai thác mỏ và là nơi các phi hành gia đặt cơ sở để khám phá sâu hơn các hành tinh khác trong Hệ mặt trời. Ông Richards tin rằng con người sẽ khám phá ra cách để sống vĩnh viễn trên Mặt trăng. “Con người sẽ để lại dấu chân đầu tiên trên sao Hỏa trong 10-20 năm tới”, ông nói.

 Nhà khoa học hành tinh của NASA Margarita Marinova nghĩ rằng, con người sẽ không vấp phải những sai lầm tương tự trong không gian như đã thực hiện trên Trái đất.

An Bình

(Theo BBC)