Báo Công An Đà Nẵng

“Cuộc giải cứu lịch sử”

Thứ bảy, 22/12/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất Chính phủ các giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường năm 2013, bao gồm 21 vấn đề, trong đó có nhiều giải pháp dành cho thị trường bất động sản, gia hạn thuế và giảm thuế thu nhập DN.

Theo đó, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết theo thẩm quyền để thực hiện chính sách giãn, giảm thuế, tiền thuê đất cho một số đối tượng là các DN. Cụ thể, gia hạn 12 tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với số thuế TNDN phải nộp năm 2013 cho DN có quy mô nhỏ và vừa (sử dụng dưới 200 lao động và doanh thu năm dưới 20 tỷ đồng); DN sử dụng nhiều lao động (từ 200 lao động trở lên) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may... Đồng thời, gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT của tháng 1, 2 và 3 năm 2013 cho các đối tượng DN như trên. Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2013 và năm 2014 cho các tổ chức kinh tế và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất.

Đề xuất giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất mà số tiền thuê đất tăng quá 2 lần so với mức nộp năm 2010. Cho phép áp dụng mức thuế suất 20% thuế TNDN đối với các DN có quy mô nhỏ và vừa từ ngày 1-7-2013... Bộ Tài chính cho rằng, cần giảm thuế nhập khẩu các nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng trong nước không có khả năng sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào cho DN theo các cam kết lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Điều chỉnh tăng thuế lên mức trần cam kết đối với các mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được và có sản lượng sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước.

Chính phủ không nên thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Giảm lệ phí trước bạ đối với ô-tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, trong đó ô-tô đăng ký lần đầu mức thu chung là 10%, ô-tô đăng ký lần 2 trở đi mức thu không quá 2%. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương và quyết liệt đẩy nhanh các nội dung về cổ phần hóa DN, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng Cty. Rà soát, hoàn thiện và bổ sung cơ chế tài chính, thuế để hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu...

Có thể nói, nhóm 21 giải pháp này được xem là một “cuộc giải cứu lịch sử” nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN trong tình hình hiện nay và nếu được chấp thuận, các DN có thêm hy vọng, được tiếp sức trong hành trình vượt bão.

C.Thư