Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc giải thoát thần kỳ ở Gò Nổi

Thứ bảy, 23/02/2019 13:00

Người Anh hùng đi gõ sét gỉ

Mãi đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ông mặc bộ quần áo màu xanh công nhân, đội mũ nhựa, xách thùng dụng cụ thô sơ cùng với ông Lê Ngọc Dũng, sĩ quan CANDVT phục viên bước xuống con tàu hàng của Liên Xô neo đậu tại cảng Tiên Sa để... cạo sét gỉ. Ông là Trung tá Trần Văn Tư, bí danh Trần Văn Sang. Còn nhớ, hôm đó chủ nhật, thấy ông và ông Dũng chuẩn bị đi cạo gỉ, tôi nằng nặc xin đi theo để làm thêm kiếm tiền trong thời buổi bao cấp khó khăn, ông khoát tay, bảo: "Tụi bay còn trẻ, còn công tác lâu dài, phải giữ gìn sức khỏe để làm việc cho tốt. Chú nghỉ hưu rồi nên mới được đi làm việc ni". Ông đi cạo gỉ cho tàu Liên Xô để họ sơn mới lại cho con tàu cũng xuất phát từ cuộc sống khó khăn, kiếm thêm thu nhập cho gia đình sau khi nghỉ hưu với đồng lương ít ỏi, một việc làm quá đỗi giản dị và chân chính của vị Trung tá, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ nội bộ CA tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã làm cho không ít người kính nể bởi đức tính khiêm nhường của một anh hùng từ trong khói lửa, đạn bom bước ra.

Anh hùng LLVTND Trần Văn Tư.

 Ông Trần Văn Tư sinh năm 1927 tại xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Vừa tròn 18 ông thoát ly vào bộ đội, chiến đấu trên khắp các chiến trường Quảng Đà, năm 1954 tập kết ra Bắc đến năm 1960 gia nhập Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 93 vào Nam chiến đấu. Năm 1962 ông được điều động sang Ban An ninh tỉnh Quảng Đà cho đến năm 1965, Tỉnh ủy quyết định thành lập Đại đội cảnh vệ, còn gọi là C113 gồm 20 cán bộ chiến sĩ, thuộc Ban An ninh tỉnh, giao ông Trần Văn Tư làm Đại đội trưởng, với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ lãnh đạo Khu ủy Khu 5 mỗi khi hoạt động tại địa bàn, trụ sở làm việc cũng như  các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Đà. Để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lãnh đạo Tỉnh ủy, ông thường xuyên chỉ đạo đơn vị bám vào làng mạc, xóm thôn, xây dựng hàng trăm cơ sở cách mạng, đào hàng chục hầm bí mật tại những vùng khó khăn, hiểm trở để che giấu lãnh đạo mỗi khi bị địch càn quét, bao vây. Là chỉ huy đơn vị cảnh vệ, một bộ phận đặc biệt tin cậy trong thời chiến cực kỳ ác liệt và bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, ông vẫn luôn vững vàng ý chí, bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, mưu trí mới bảo vệ an toàn được tính mạng lãnh đạo.

Cuộc giải thoát ngoạn mục lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Đà

Khoảng tháng 2-1967, mình ông trực tiếp bảo vệ Bí thư Hồ Nghinh và Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà Trần Thận về gặp một số cơ cở hoạt động trong nội thành Đà Nẵng để giao một số nhiệm vụ tại xóm Chín Chủ, xã Điện Thắng. Sau khi làm việc, khi đưa hai đồng chí lãnh đạo về vùng Gò Nổi, Điện Bàn thì xe tăng, máy bay Mỹ  ồ ạt đổ quân càn quét, bắn phá. Bị địch bủa vây nhiều phía, không lối thoát, nguy cơ cả ba sa vào tay giặc rất cao, không còn đường lui nên ông quyết định đưa hai ông Hồ Nghinh và Trần Thận xuống căn hầm bí mật đào sẵn ở gần bờ sông Thu Bồn. Khi nắp hầm bí mật vừa được đậy kín thì quân Mỹ kéo tới căng lều, cắm trại, ăn ngủ ngay trên nắp hầm. Nằm trong lòng đất lạnh lẽo, tối tăm, Trần Văn Tư nghe rất rõ tiếng cười nói, tiếng va chạm lách cách của khí giới, tiếng súng nổ đì đùng trên mặt đất mà lòng trĩu nặng nỗi lo. Ông mong sao quân Mỹ không phát hiện được hầm và nghĩ tới tình huống xấu nhất là nếu bị địch khui hầm ông sẽ chiến đấu đến cùng, dẫu có hy sinh để bảo vệ lãnh đạo. Mấy lát bánh lương khô, bình đông nước uống đã cạn kiệt từ lâu bởi 5 ngày đêm trôi qua, quân Mỹ vẫn không chuyển đi nơi khác. Lúc này sức khỏe của cả ba người bị giảm sút rất nhiều vì đói khát. Không thể để các đồng chí lãnh đạo cũng như mình hy sinh ngay trong căn hầm bí mật đang bế tắc đường rút, Trần Văn Tư  dùng mười đầu ngón tay mình thay cho cuốc, xẻng quyết tâm đào ngóc ngách để thoát ra ngoài. Sau 2 ngày đêm kiên trì cào cấu, mười đầu ngón tay ông sưng vù, rướm máu đau nhói nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng  và cuối cùng ánh sáng trên mặt đất bắt đầu le lói bởi lối lên đã ở sát bên bụi tre rậm rạp nên quân Mỹ nằm cách đó chừng 4 mét vẫn không hay biết. Đợi màn đêm đen bao phủ, Trần Văn Tư trườn người lên mặt đất trước rồi lần lượt kéo hai ông Hồ Nghinh, Trần Thận lên và đưa ra tận mé sông. Do sông sâu, không có phương tiện vượt, ông phải giấu hai đồng chí lãnh đạo vào vị trí thích hợp rồi quay lại chỗ bọn Mỹ ngủ, nấp đợi cho tên lính gác quay vào gọi thay ca liền kéo chiếc ghe nan gần đó về chở hai đồng chí qua sông. Khi sang tới bờ bên kia an toàn, ông Hồ Nghinh mới sực nhớ còn bỏ quên tập tài liệu tuyệt mật dưới hầm, Trần Văn Tư liền bơi ghe trở lại, dò dẫm trong đêm chui xuống hầm. Sau khi gói kỹ tập tài liệu bằng bao ni-lon quấn chặt trong người, ông sè sẹ ra khỏi hầm, thấy bọn Mỹ nằm ngủ la liệt liền giương súng tiêu diệt tại chỗ mấy tên rồi nhanh chóng bơi qua sông. Nghe tiếng súng nổ, các ông Hồ Nghinh, Trần Thận vô cùng đau đớn bởi cứ tưởng địch phát hiện nên mới nổ súng chứ không hề nghĩ theo chiều hướng ngược lại. Trong lúc nỗi lo của hai ông đang ngập tràn thì Trần Văn Tư  bất ngờ xuất hiện, cả ba ôm chầm nhau trong niềm vui mừng tột cùng! 

Trong suốt chặng đường làm nhiệm vụ cảnh vệ đầy gian khổ trong chiến tranh khốc liệt, Trần Văn Tư luôn trung thành tuyệt đối với Đảng và hoàn thành trọng trách được giao. Chiến công đặc biệt xuất sắc của ông cũng như Đại đội cảnh vệ là bảo vệ an toàn nơi làm việc và  các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Đà. Ông là người duy nhất của đơn vị được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ, danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" và nhiều huân, huy chương các loại. Ngày 19-8-1980, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật và di chứng của chiến tranh tái phát, ngày 31-5-2018, Trần Văn Tư nhẹ nhàng  về chốn vĩnh hằng.  

THÁI MỸ