Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc "giao duyên kỳ lạ" của bò tót, bò nhà giữa đại ngàn

Thứ ba, 14/02/2017 10:37

(Cadn.com.vn) - Năm 2008, một chú bò tót oai vệ, "uy lực" liên tục xuất hiện giữa những cánh rừng đệm đại ngàn của H. Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Chú từng đánh gục nhiều "tình địch" khác để "hẹn hò" với bò cái nhà, rồi sản sinh ra hàng chục con bò lai. Sự kiện đã khiến chính quyền địa phương và các nhà khoa học phải vào cuộc nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen quý hiếm... Câu chuyện chưa từng có ở Việt Nam này đã diễn ra ở Vườn quốc gia Phước Bình suốt hơn 8 năm qua.

Chú bò tót "đa tình"

Tôi rong ruổi cùng anh xe thồ từ TP Phan Rang đến khu rừng quốc gia Phước Bình sau khi vượt gần 70km đường rừng. "Thủ lĩnh" cánh rừng 198,1 km2-Giám đốc Nguyễn Công Vân, đón tôi như lời hẹn: Đến để nghe, để viết về chuyện "giao duyên" giữa bò tót và bò nhà. Rừng tự nhiên ở Vườn quốc gia Phước Bình chiếm tới hơn 80% tổng diện tích, nằm tiếp giáp với vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà (H. Lạc Dương và Đam Rông), tỉnh Lâm Đồng. Với con số thống kê gồm gần 330 loài động vật, thuộc 94 họ, 28 bộ, trong đó đã có 50 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, từ ngày thành lập năm 2009 đến nay, rừng quốc gia Phước Bình luôn lôi cuốn bao đoàn khách thích khám phá...

Chú bò tót đực xuất hiện tại rừng quốc gia Phước Bình.

Chuyện bắt đầu từ một buổi sáng tháng 5-2008. Một số người dân thôn Bạc Rây, xã Phước Bình, H. Bác Ái đang đi rẫy bỗng hoảng hốt khi nhìn thấy một con bò tót đực trên ngàn kg, thân mình đen trũi sừng sững đứng trước con suối Gia Nghe-khu rừng đệm Vườn quốc gia. Một hồi, con bò quay lưng đi lên đồi cao. Ai cũng nghĩ chắc con bò rừng này  bị lạc bầy nhưng đến cuối ngày đi rẫy về, mọi người kinh hoàng phát hiện nhiều rẫy màu của họ đã bị bò dẫm nát. Nhiều ngày sau, người dân tiếp tục thấy con bò hôm trước hiện diện trước bìa rừng, gầm rú hung dữ... Ông Nguyễn Chuẩn, sống sát khu rừng đệm thôn Bạc Rây kể lại: "Lúc thấy con bò tót xuất hiện lần đầu, tôi cứ nghĩ là nó lạc bầy. Nhưng sau này ngày nào nó cũng quanh quẩn bên bìa rừng, tôi đoán chắc có thể đó là con bò đực hết thời làm "thủ lĩnh", bị "phế ngôi" nên xuống bìa rừng sống".

Lúc đó người dân ở Bạc Rây không chỉ khốn đốn vì những trận "oanh tạc" phá nương rẫy, mà sự xuất hiện của bò tót đã khiến vô số bò đực nhà của người dân nhận lãnh thương vong. Ông Nguyễn Công Vân kể: ít nhất có tới hơn 20 con bò đực của dân bị bò tót tấn công khi họ thả đàn đi kiếm ăn ở ven rừng. Nhiều người định đi thuê thợ săn về "khử" con bò tót, nhưng tôi đe rằng đó là động vật quý hiếm, nếu giết nó sẽ phải đi tù, người dân mới không ra tay nữa". Sau đó, vì tiếc hoa màu bị phá hoại, bò nhà bị rượt đánh tan tác, người dân đã kéo nhau kéo tới "bắt đền" ban quản lý vườn quốc gia. Giải thích mãi không được, BQL nhiều lần phải trích tiền hỗ trợ người dân, đồng thời theo dõi sát hành trình di chuyển của bò tót mỗi ngày. Sau nhiều tháng theo dõi, cán bộ rừng quốc gia và người dân phát hiện sở dĩ chú bò tót ngày nào cũng xuất hiện ở bìa rừng là do nó thích "tình tứ" với đàn bò cái của dân. Kết quả đầu tiên của mối "giao duyên" đó là con bò cái nhà ông Nguyễn Chuẩn sinh được một chú bê có thân hình "lạ hoắc". "Lúc bò nhà tôi sinh ra chú bò con "lạ", tôi đến báo ngay cho BQL rừng quốc gia, đồng thời "tạo điều kiện" cho bầy bò cái hàng ngày gần gũi hơn với chú bò tót "đa tình" này-ông Chuẩn kể.

Tác giả bên chú bò tót rừng sau khi chết được vườn quốc gia Phước Bình
lấy mẫu bảo quản, trưng bày

"Lộc" của rừng xanh

Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho hay, con bò tót xuất hiện trong thời gian ngắn đã để lại trên 30 "hậu duệ" khỏe mạnh, "đẹp lạ". Không ít nhà ở quanh khu rừng quốc gia phát tài từ đó. Như hộ ông Đoàn Chuẩn qua vài năm "gả" đàn bò cái cho bò tót đã mang về hơn 10 con bò tót lai. "Đó là món quà quý mà rừng xanh ban tặng cho dân. Bởi theo tôi biết thì từ lâu trên thế giới đã có sự xuất hiện bò tót lai qua nhân tạo, chứ lai tự nhiên như ở rừng quốc ra này rất hiếm" - ông Vân nói. Cũng theo ông Vân, từ khi hàng chục chú bò lai được sinh hạ, các nhà khoa học cũng đã vào cuộc giám định ADN và nhiễm sắc thể (NST) của những chú bò tót con này. Qua giám định, đã xác định chính xác là bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà. Đây là trường hợp rất hiếm gặp từ trước tới nay ở Việt Nam. Vì thế, cần phải có kế hoạch nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, nhất là khâu kết hợp đưa vào các tổ hợp lai ưu thế mới, tạo ra các giống bò thịt vượt trội.

Đàn bò lai tại BQL đang được vườn quốc gia Phước Bình mua về nghiên cứu để nhân giống.

Theo kết quả của Viện Vật lý hạt nhân Đà Lạt, từ khâu giám định đã cho kết quả tất cả bò tót lai đều có cặp NST là 2n=58. Đây là kết quả khác với cặp NST của bò nhà lẫn bò tót rừng (bò nhà có cặp NST là 2n=60), bò tót rừng là 2n=56). Từ kết quả này, tiến sĩ Trần Quế, thành viên nhóm nghiên cứu kết luận: "Bò lai ở Vườn quốc gia Phước Bình là con lai khác loài". Cũng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, có thể những con bò lai này khi trưởng thành sẽ cho giá trị kinh tế cao với trọng lượng mỗi con cung cấp được khoảng 500kg thịt, 300kg xương, chưa kể nhiều mét da và cặp sừng đẹp. Ông Vân cho hay, hiện tại Vườn quốc gia Phước Bình đang cho thử nghiệm phối giống giữa bò tót lai F1 với nhau và sắp tới sẽ cho lai bò cái F1 với bò đực nhập ngoại và bò đực F1 với bò cái lai shin với dự án nghiên cứu gần 4 tỷ đồng. Thực hiện dự án này, các nhà nghiên cứu và BQL rừng quốc gia Phước Bình đã chấp nhận bỏ ra gần 1 tỷ đồng để mua gần 20 con bò lai bò tót (bình quân mỗi con từ 40-50 triệu đồng), dù kinh phí đề xuất, tỉnh chỉ phê duyệt có 20 triệu đồng/con. Theo ông Vân, với số tiền bán bò, nhiều hộ dân trúng "lộc rừng" tới hàng trăm triệu đồng. Cũng có hộ hiện có một con bò 5 tuổi rất đẹp, từng có đại gia đến trả giá lên đến 180 triệu đồng nhưng chưa bán. Còn với dự án, nếu việc phối giống này thành công sẽ cho ra thế hệ bò F2, F3  và giúp địa phương có được nguồn gen quý hiếm từ bò tót rừng. Hiện dự án nghiên cứu cũng đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về giống bò lai bò tót (F1, F2), đồng thời tiếp tục xây dựng dự án nhân rộng kết quả đề tài, tạo ra các bò lai F2 làm bò giống thương phẩm và thương mại hóa sản phẩm. Ông Vân cho biết, hiện đang có chú bò tót lai F1 đã có dấu hiệu mang thai. Mới đây, dự án lai tạo bò tót thế hệ F2 cũng đã được Bộ Khoa học- Công nghệ phê duyệt đầu tư kinh phí trên 10 tỷ đồng, song việc cấp vốn vẫn gặp nhiều khó khăn do kết quả thành công trong việc nhân giống chưa thành nên chưa được giải ngân. Song song với khâu thực hiện dự án, BQL vườn quốc gia cũng phối hợp với các ngành tiếp tục vào rừng theo dõi hoạt động của đàn bò tót, bởi có người của rừng quốc gia và người dân khi đi rừng đã phát hiện vô số dấu chân của loài bò tót "khủng" này.

Những nhà khoa học và cán bộ vườn quốc gia sẽ tiếp tục hạ quyết tâm nghiên cứu và chờ đợi, một ngày không xa,  "lộc" của rừng xanh là những chú bò lai sẽ mang lại những đàn bò tót lai thế hệ F2, F3 và những đàn bò lai thương phẩm mang lại giá trị kinh tế cao...

C.H

Đầu tháng 3-2015, con bò tót từng mang lại cho nhân dân nơi đây gần 30 chú bò lai đã chết vì quá già, được lấy mẫu bảo quản phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày tại bảo tàng của BQL rừng Quốc gia Phước Bình.