Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc hành trình đến địa ngục IS

Thứ tư, 13/01/2016 14:27

(Cadn.com.vn) - "Tôi gia nhập IS ở Syria, dẫn theo con trai 4 tuổi. Đó là cuộc hành trình vào địa ngục", Sophie Kasiki, một phụ nữ Pháp cho biết. Câu chuyện của Kasiki có tên "Dans la Nuit de Daech" (Tạm dịch: Trong bóng tối của IS), được Robert Laffont viết lại, giống như một bộ phim kinh dị.

Kasiki nhìn chằm chằm vào bức ảnh cậu bé trong bộ đồng phục ngụy trang và khăn rằn màu đen trùm đầu đặc trưng của IS.

Kasiki khóc. "Đó có thể là con tôi", cô nói, giọng chắc nịch. "Lẽ ra, tôi nên giết chết cả hai chúng tôi chứ không nên để cho con tôi trở thành một kẻ giết người, không nên để con tôi rơi vào móng vuốt của những con quái vật". "Những con quái vật" mà Kasiki nói chính là IS, cô biết con trai 4 tuổi của cô rơi vào hang ổ của các phiến quân thánh chiến vì cô đã dẫn cậu bé đến đó.

IS hành quyết man rợ các con tin.

Bị tẩy não

Trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo Anh, Kasiki cho biết nó giống như một cuộc hành trình vào địa ngục mà một khi đi đến đó sẽ không thể trở lại. "Tôi cảm thấy rất có lỗi. Tôi tự hỏi làm thế nào có thể sống với những gì tôi đã làm, dẫn con trai tôi đến Syria. Tôi rất ghét những người đã thao túng tôi, khai thác sự ngây thơ của tôi, điểm yếu của tôi, sự bất an của tôi. Tôi ghét bản thân mình", cô nói với tờ Observer.

Kasiki, 34 tuổi, người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng quyết đoán. Sinh ra tại Congo và lớn lên trong một gia đình Công giáo, cô là phụ nữ mạnh mẽ, độc lập. Cô đến sống với chị gái ở Paris sau khi mẹ mất lúc 9 tuổi. Cái chết của người phụ nữ vẫn gọi là "thiên thần hộ mệnh" khiến cô trầm cảm và bị ám ảnh đến cả tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành; một "lỗ hổng trong tim" mà ngay cả một cuộc hôn nhân hạnh phúc cũng không làm cô nguôi ngoai.

Trong khi làm việc như một nhân viên xã hội giúp đỡ các gia đình chủ yếu là người nhập cư tại các vùng ngoại ô Paris, Kasiki quyết định cải sang đạo Hồi. Từ đây, cô gặp 3 người đàn ông Hồi giáo. Vào tháng 9-2014, cả ba biến mất, sau đó chuyển đến Syria, và liên lạc hàng ngày với Kasiki. Ngày 20-2-2015, Kasiki nói với chồng mình sẽ đến làm việc trong trại trẻ mồ côi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) trong một vài tuần và dẫn theo con trai. Thay vào đó, cô theo con đường thánh chiến đến miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và vào Syria.

Thoát khỏi địa ngục

Cuộc sống tại thành trì của IS, Raqqa, khác xa với "thiên đường" mà 3 người đàn ông Hồi giáo vẽ ra. Kasiki được lệnh không được đi ra ngoài một mình, phải trùm kín từ đầu đến chân, giao hộ chiếu và hạn chế liên lạc với gia đình ở Pháp.

Tại bệnh viện phụ sản của IS trong thành phố, nơi cô làm việc, cô đã bị sốc bởi điều kiện tồi tàn, nhân viên thờ ơ với nỗi đau khổ của bệnh nhân. Chỉ 10 ngày sau, Kasiki bừng tỉnh và nhận ra sai lầm khủng khiếp của mình. "Tôi yêu cầu được về nhà. Mỗi ngày, tôi nói tôi nhớ gia đình và con trai tôi cần phải nhìn thấy cha. Nhưng chúng đe dọa tôi. Nếu tôi cố gắng đi, tôi sẽ bị ném đá hoặc bị giết", Kasiki kể lại. Khi 1 trong 3 người đàn ông Hồi giáo đề nghị dẫn cậu bé đến cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo, Kasiki phản ứng dữ dội và bị đánh.

Chúng dẫn Kasiki và con trai cô đến nơi đang giam lỏng hàng chục phụ nữ nước ngoài. Kasiki bị sốc khi nhìn thấy trẻ con đang xem đoạn băng chiếu cảnh IS giết người trong khi các bà mẹ reo hò và vỗ tay. Ngày hôm sau, trong khi tên cai ngục đang tổ chức hôn lễ, Kasiki phát hiện cánh cửa đang mở khóa và trốn thoát trong cuộc hành trình giống một bộ phim kinh dị. Sau khi được một gia đình địa phương giúp đỡ và che chở, Kasiki liên lạc với các phần tử đối lập Syria. Vào đêm 24-4-2015, một người Syria trẻ tuổi đưa Kasiki đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó trở về Pháp.

An Bình
(Theo Guardian)