Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc hội ngộ sau 60 năm

Thứ hai, 28/11/2016 09:48

* Bài 1: Câu chuyện chia ly

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Được trong một con hẻm nhỏ thuộc tổ 14 P. An Hải Tây (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Bà Được năm nay đã gần 80 tuổi nhưng khi được hỏi về cuộc đoàn tụ với những người thân của gia đình phía bên chồng, đôi mắt nhăn nheo của bà vẫn ánh lên những tia sáng hạnh phúc. Bà bảo: "Tui lấy chồng được 60 năm, có với nhau 7 mặt con mà đến bây giờ mới lần đầu tiên biết đến những người ruột thịt phía bên chồng". Dù muộn nhưng theo bà Được là vẫn còn may mắn, bà chỉ sợ rằng cơ hội này không kịp đến khi tuổi bà đã cao mà sự chờ đợi thì đã quá lâu rồi. Ông Lương Văn Thái, người con thứ 3 hiện đang sống cùng bà mang ra một cái túi đã cũ, trong đó có những tấm ảnh, những lá thư và các giấy tờ mà theo ông đó là báu vật mà gia đình ông gìn giữ suốt 60 năm qua, cũng nhờ đó mà có cuộc hội ngộ tưởng như trong mơ bây giờ...

Tấm ảnh của ông Thành mà gia đình ông Bích còn giữ được.

Ngược về 63 năm trước, vào năm 1953, ông Lương Văn Thành khi ấy mới 21 tuổi, quê ở Hòn Gai (tỉnh Quảng Ninh) theo bố xuống Hải Phòng học nghề tiện, phay ở Nhà máy cơ khí xe lửa Hải Phòng. Một hôm ông Thành đi làm như thường lệ thì gặp đợt bố ráp của lính Pháp để bắt quân dịch. Tất cả những thanh niên trai trẻ của nhà máy đều bị bắt lên xe nhà binh rồi đưa đi. Trong chuyến ấy, ông Thành và một người anh con bác là ông Thìn cùng bị bắt một lượt nhưng sau đó ông Thìn trốn được về nhà, còn ông Thành bị sung vào lực lượng quân đội Pháp và đưa vào tận miền Nam. Đơn vị của ông Thành đóng quân ở làng An Hải, Q. Đông Giang (nay là P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng), khi ấy do có tài đá bóng nên ông Thành được phân công nhiệm vụ chính là cầu thủ bóng đá cho đơn vị. Chính tại nơi đây, qua những lần ra ngoài doanh trại chơi, ông đã gặp người phụ nữ của đời mình là bà Lê Thị Được, kém ông 5 tuổi, là người gốc ở làng An Hải. Sống với nhau được 10 năm ở quê vợ, có được 3 người con thì đến năm 1964, đơn vị ông Thành được điều động vào Củ Chi (Sài Gòn), thế là cả gia đình dắt díu nhau vào miền Nam theo đơn vị mới của ông. Mới ổn định được khoảng 4 năm thì Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 nổ ra, thấy cảnh giao tranh chết chóc nhiều, bà Được lo sợ nguy hiểm cho đàn con nên hối thúc chồng đưa cả gia đình về lại Đà Nẵng. Theo bà thì dù sao ở Đà Nẵng cũng còn có họ hàng thân thích bên ngoại, chứ ở Sài Gòn, chồng thì ở trong doanh trại, một mình bà biết xoay xở làm sao với đàn con 7 đứa nheo nhóc. Khó khăn lắm, đến năm 1970, ông Thành cũng  đưa được gia đình về Đà Nẵng nhưng ông thì phải chuyển ra đơn vị tận ngoài sân bay Phú Bài (TT-Huế), làm ở bộ phận tiền lương của Quân đoàn 1. Một tháng ông Thành được về nhà một lần để chu cấp tiền cho vợ nuôi con.

Ông Lương Văn Thái và những người thân kể về câu chuyện chia ly .

Kể từ ngày bị bắt lính và phải xa quê hương, xa cha mẹ mà không kịp gặp nhau lần cuối, rồi chiến sự, rồi cơm áo gạo tiền lo cho gia đình gồm 9 miệng ăn nhưng  trong sâu thẳm tâm can, ông Thành vẫn đau đáu nỗi nhớ về cố hương, về gia đình mà 25 năm qua không có một dòng tin tức. Vì thế, ngày giải phóng TP Đà Nẵng năm 1975 không chỉ là niềm vui thống nhất chung của cả dân tộc mà đối với ông Thành nó còn chất chứa bao hy vọng về một cuộc đoàn tụ giữa gia đình nhỏ của ông với cha mẹ, họ hàng ở đất Bắc xa xôi. Ngay từ những ngày đầu Đà Nẵng mới giải phóng, hàng ngày ông Thành đều ra con đường trước nhà, chờ gặp những người bộ đội từ miền Bắc vào thành phố. Ông thiết tha mời họ về nhà chơi rồi mang ra những  tấm ảnh của gia đình gồm cha, mẹ và 2 người em của ông chụp trước lúc ông vào miền Nam cùng dòng địa chỉ ghi ở phía sau để nhờ tìm kiếm giúp. Các  anh bộ đội cũng rất thông cảm cho hoàn cảnh của ông và nhiệt tình giúp đỡ nhưng do họ còn phải tiếp tục hành quân, tiến vào giải phóng Sài Gòn nên hẹn với ông Thành khi nào miền Nam hoàn toàn giải phóng, họ sẽ quay lại Đà Nẵng gặp ông và giúp ông tìm gia đình ở miền Bắc. Các anh bộ đội nói ngày ấy không còn xa, chắc chỉ khoảng 1 tháng nữa là miền Nam sẽ giải phóng, điều ấy càng thắp lên trong ông Thành niềm hy vọng dạt dào.

Trong thời gian chờ đợi, ông Thành ở nhà soạn hết những hình ảnh, những kỷ niệm về gia đình mà ông cất giữ như báu vật từ bao lâu nay để chờ những anh bộ đội quay lại và sớm tìm được gia đình, người thân cho ông. Ông Lương Văn Thái, người con thứ ba của ông Lương Văn Thành kể một chi tiết rất xúc động: sau giải phóng, Ủy ban quân quản có thông báo những người làm việc cho chế độ cũ phải ra trình diện và đi học tập cải tạo. Ông Thành khi ấy chỉ làm về công tác hậu cần, tiền lương trong quân đội chế độ cũ, không thuộc diện phải đi học tập cải tạo ngay nhưng vì mong sớm được trở về và kịp gặp những người bộ đội từ miền Nam ra để tìm kiếm gia đình cho mình nên ông Thành đã đăng ký đi ngay từ đợt đầu. Trước khi đi, ông dặn vợ con ngày nào cũng phải dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ để đón khách là các anh bộ đội từ miền Nam ra. Thế rồi, cuộc đời có những chuyện không ngờ, tưởng như cuộc đoàn tụ của ông Thành với gia đình đã cận kề thì một điều không may xảy đến, chỉ 1 tháng sau khi đi học tập cải tạo ở Thạnh Mỹ (Tây Giang, Quảng Nam hiện nay), ông Thành bị một cơn sốt rét ác tính, thời điểm đó thuốc men còn rất khó khăn nên ông đã qua đời khi ước mơ đoàn tụ gia đình vẫn còn dang dở...

K.Thanh
(còn nữa)