Báo Công An Đà Nẵng

Cuộc “nội chiến” Brexit

Thứ năm, 04/04/2019 11:31

Thủ tướng Anh khẳng định thỏa thuận rút khỏi EU, phần bị Hạ viện bỏ phiếu bác lại hồi cuối tuần trước, sẽ vẫn là một phần nằm trong thỏa thuận giữa Anh và EU.

Người biểu tình phản đối Brexit ở London.   Ảnh: AP

Thủ tướng Anh Theresa May có nguy cơ làm bùng nổ cuộc “nội chiến” giữa các chính đảng sau khi hướng đến cái gọi là “Brexit mềm”.

Vị nữ lãnh đạo này cuối cùng đã đưa ra quyết định. Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng May khẳng định Anh cần kéo dài thêm thời hạn Brexit và nhấn mạnh sẽ yêu cầu Liên minh Châu Âu (EU) gia hạn Brexit để có thời gian tháo gỡ “bế tắc” tại Hạ viện. Theo Thủ tướng May, bà muốn thời gian xin gia hạn “ngắn nhất có thể” - đến trước ngày 22-5, để tránh khả năng Anh phải tham gia bầu cử nghị viện Châu Âu. Thủ tướng May cũng cho biết, bà sẽ gặp lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn để hai bên thống nhất kế hoạch về tương lai quan hệ giữa Anh với EU. Tuy nhiên, bà May vẫn khẳng định thỏa thuận rút khỏi EU, phần bị Hạ viện bỏ phiếu bác lại hồi cuối tuần trước, sẽ vẫn là một phần nằm trong thỏa thuận giữa Anh và EU.

Brexit “mềm”

Kể từ sau khi chính thức kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chính phủ Anh luôn ở trong tình cảnh đầy thách thức, tiến thoái lưỡng nan, luôn mâu thuẫn trong các cuộc đàm phán. Chính phủ của đảng Bảo thủ mặc dù đã tỏ thái độ sẽ “hạ cánh cứng”, nhưng cũng nhiều lần để lộ tâm lý nên đi hay ở lại.

Ban đầu, bà May kiên quyết Anh sẽ không trả khoản “phí chia tay” cho EU, thậm chí sẵn sàng rời đi mà không có thỏa thuận “Brexit cứng”. Tuy nhiên, cùng với diễn biến ngày càng khó khăn và xu hướng cứng rắn của EU, thái độ của bà May đã thay đổi rõ rệt. Anh đã đồng ý trả cho EU “phí ly hôn” để đạt được mục đích thông qua thỏa thuận Brexit, vốn đã bị các nghị sĩ Anh 3 lần bác bỏ. Và giờ đây, lời đề nghị mới nhất của Thủ tướng May có thể cho thấy bà đang hướng đến hình thức Brexit nhẹ nhàng hơn so với hình thức mà bà đã theo đuổi trong gần 3 năm qua.

Việc thay đổi này của Thủ tướng May, để thông qua một liên minh hải quan, có thể nhận được sự ủng hộ có giá trị trong Quốc hội. Nó cũng có thể sẽ được EU hoan nghênh và sẽ cho phép Anh rời khỏi khối một cách có trật tự trong vài tháng tới. Tuy nhiên, nó cũng sẽ gây ra “cuộc chiến lớn” trong nội bộ đảng Bảo thủ, làm dấy lên lo ngại khả năng các bộ trưởng vốn ủng hộ Brexit sẽ từ chức. Sự bất ổn đó làm tăng cơ hội về một cuộc bầu cử sớm của Anh, có thể sắp xếp lại Quốc hội và phá vỡ bế tắc.

Ireland nói gì?

Các cuộc đàm phán về Brexit cho đến nay vẫn vấp phải vật cản chủ yếu là vấn đề biên giới Ireland. Cả London và 27 thành viên còn lại của EU đều không muốn tái lập đường biên giới này, nhưng họ lại bất đồng về giải pháp, động thái có khả năng khiến Anh rời đi mà không có thỏa thuận nào.

Tuy nhiên, giờ đây, quyết định của Thủ tướng May mở phiên đàm phán với Công đảng đối lập đã làm giảm khả năng Anh rút khỏi EU mà không có thỏa thuận. Trong tuyên bố hôm 3-4, Ireland cũng nói sẽ ủng hộ đề xuất gia hạn Brexit của Anh vì cho rằng, khó có khả năng Anh sẽ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 12-4.  “Họ sẽ tìm cách gia hạn ngắn (hạn chót Brexit) vào tuần tới, và tôi nghĩ Ireland sẽ ủng hộ điều này. Khó có khả năng Anh sẽ rời khỏi khối vào cuối tuần tới khi mà Thủ tướng Anh tìm cách gia hạn cùng với một kế hoạch kèm theo”, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney nêu rõ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thỏa thuận vẫn còn treo lơ lửng, Ireland khẳng định sẽ không trở thành “cửa sau” để hàng hóa từ nước Anh vào thị trường EU trong trường hợp như vậy. Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cam kết sẽ ngăn chặn hàng hóa không đáp ứng các tiêu chuẩn của EU vào thị trường EU qua ngả Ireland, trong bối cảnh Anh rời EU mà không có thỏa thuận và London thực hiện các hiệp định thương mại với Mỹ hoặc Trung Quốc.

KHẢ ANH