Báo Công An Đà Nẵng

CHUNG TAY XÂY DỰNG "THÀNH PHỐ 4 AN":

Cuối năm 2017, thực phẩm bán tại các chợ ở Đà Nẵng phải được dán tem

Thứ tư, 15/02/2017 09:39

(Cadn.com.vn) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng tại cuộc họp nghe báo cáo Đề án "Xây dựng hệ thống quản lý thông tin kiểm soát thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng" diễn ra ngày 14-2.

Ứng dụng tem dán sử dụng công nghệ mã vạch 2 chiều nhằm kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bao gói sẵn thông qua điện thoại thông minh là việc cần thiết.

Kiểm tra nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh

Nhằm triển khai Chương trình 4 an của thành phố, các cấp, các ngành đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) đang tiêu thụ trên địa bàn TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, thông tin về nguồn gốc sản phẩm chưa được quản lý đầy đủ, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với những sản phẩm không bao gói sẵn chủ yếu thực hiện bằng thủ công qua kiểm tra, đối chiếu sổ sách, giấy tờ nên mất rất nhiều thời gian. Công tác quản lý các hộ kinh doanh thực phẩm chưa được quản lý bằng hệ thống công nghệ thông tin nên việc kiểm tra, giám sát gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng, nhất là các Ban quản lý chợ. Vì vậy, thành phố nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý thông tin kiểm soát thực phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng trên cơ sở ứng dụng tem dán sử dụng công nghệ mã vạch 2 chiều nhằm kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bao gói sẵn thông qua điện thoại thông minh (Smartphone).

Các đối tượng tham gia trong hệ thống là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn. Cũng như, các tổ chức, cá nhân nhập và vận chuyển sản phẩm rau, trái cây, thủy sản vào tiêu thụ tại TP Đà Nẵng; các chủ tàu, thuyền trưởng tàu khai thác thủy sản và các tàu thu mua thủy sản trên biển, các cơ quan quản lý nhà nước, Ban quản lý chợ, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo quy trình, Ban Chỉ đạo ATTP TP sẽ cung cấp tem dán đã in sẵn mã vạch 2 chiều cho các Ban quản lý chợ. Sau đó, Ban quản lý chợ gán thông tin của từng đối tượng kinh doanh do mình quản lý lên tem dán (họ và tên tổ chức/ cá nhân kinh doanh, địa chỉ liên hệ, điện thoại/di động, địa điểm kinh doanh, mặt hàng/lĩnh vực kinh doanh), phân phối tem (có xác nhận) đến kiểm tra, giám sát việc thực hiện dán tem lên bao bì. Kế đến, các tổ chức, cá nhân kinh doanh (kể cả chủ tàu) thực hiện việc dán tem lên bao bì đối với thực phẩm mình bán cho người tiêu dùng; quản lý và chịu trách nhiệm tem dán của mình do BQL chợ cung cấp. Cuối cùng, người tiêu dùng cài đặt ứng dụng quét mã vạch miễn phí trên điện thoại di động (ứng dụng của Ban ATTP TP, có thể cài đặt trên IOS, Android) rồi quét mã vạch để xác định nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm đã mua.

Trong giai đoạn 1, đề án sẽ tập trung triển khai thí điểm tại chợ Hàn với khoảng gần 500 hộ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm. Nội dung kiểm soát sẽ triển khai theo một số quy định đã được Ban hành tại Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng về Quy định quản lý ATTP đối với sản phẩm nông - lâm - thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại TP Đà Nẵng. Giai đoạn tiếp theo, hệ thống sẽ được hoàn thiện theo hướng quản lý toàn diện công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào các chức năng như: quản lý nguồn gốc, xuất xứ và thông tin thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ tại TP Đà Nẵng (kể cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm), quản lý các cơ sở kinh doanh đảm bảo điều kiện về vệ sinh ATTP theo quy định, công bố thông tin về kết quả kiểm nghiệm ATTP, thông tin về hệ thống kênh phân phối thực phẩm tại Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng kiểm tra công tác tiếp nhận thông tin khai báo xuất xứ, nguồn gốc thực phẩm tại chợ đầu mối Hòa Cường.

Tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo Ban quản lý (BQL) các chợ trên địa bàn thành phố tiến hành khảo sát số lượng người bán, hàng hóa và chủng loại trong từng chợ một cách cụ thể để khi triển khai hệ thống quản lý thông tin thực phẩm được thuận lợi. Bên cạnh đó, Sở Công thương cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nắm thông tin xem người dân cần biết những thông tin gì khi mua sản phẩm để từ đó cung cấp cho phù hợp và đúng nhu cầu. Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng nhấn mạnh: "Chúng ta phải tích cực hành động để có thể từng bước tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài việc triển khai quy trình thực hiện hệ thống một cách cụ thể, BQL các chợ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với tiểu thương trong chợ. Yêu cầu tiểu thương phải có trách nhiệm với sản phẩm do mình bán ra. Nếu tiểu thương nào khai gian hoặc không dán tem vào sản phẩm mà bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm thậm chí đình chỉ hoạt động. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng. Cụ thể, khi người tiêu dùng phát hiện tiểu thương bán sản phẩm không dán tem thì kiên quyết không mua hoặc báo cho BQL chợ để tiến hành xử lý. Chúng ta phải làm đến nơi đến chốn như thế mới mong đảm bảo được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Mục đích cuối cùng của chúng ta là làm sao để mọi người nghĩ rằng mua thực phẩm ở Đà Nẵng là an toàn và thực phẩm bán ở Đà Nẵng phải được dán tem".

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cũng đề nghị Sở Công thương phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát và hoàn thiện lại đề án hệ thống. Đến tháng 3-2017, phải hoàn chỉnh đề án để trình UBND TP phê duyệt. Trong tháng 3 và tháng 4-2017, các đơn vị liên quan tập trung tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, tiểu thương và người dân. Đến tháng 5-2017, bắt tay triển khai thí điểm hệ thống tại chợ Hàn. "Giai đoạn 1 thực hiện đề án được thực hiện trong thời gian 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8-2017). Sau đó, tổ chức họp rút kinh nghiệm rồi tiến hành triển khai giai đoạn 2. Đến cuối năm 2017, tất cả  thực phẩm được bày bán tại các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng đều phải được dán tem. Chính vì vậy, tiểu thương muốn sản phẩm của mình có giá trị và được người dân chọn mua thì bắt buộc phải dán tem vào... Chúng ta phải làm sao để mọi người dân và du khách thật sự yên tâm khi ăn uống và mua thực phẩm tại Đà Nẵng...", Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Lê Hùng