Báo Công An Đà Nẵng

Cuối năm 2018, Đà Nẵng sẽ chấm dứt ngập úng khu vực nội thành?

Thứ năm, 16/11/2017 15:00

Đà Nẵng đang phấn đấu để năm 2018 sẽ xóa hết các điểm ngập úng trong khu vực nội thành. Tuy nhiên, đây sẽ là một bài toán hết sức nan giải nếu không giải quyết được sự khớp nối đồng bộ của hệ thống thoát nước ở các khu dân cư và đặc biệt là nhanh chóng có mặt bằng "sạch" để triển khai các công trình xử lý ngập úng.

Đợt mưa đầu tháng 11 khiến nhiều khu dân cư nội thành của Đà Nẵng ngập nặng.   Ảnh: LÊ HÙNG

Lo cống thoát thành "đê" chặn nước

Theo ông Mai Mã - Giám đốc Cty Thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng, đến trước mùa mưa năm 2017, cơ bản đã xử lý các điểm ngập úng thuộc diện "mãn tính" trong những năm qua như ngã tư Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, Đỗ Quang - Nguyễn Hoàng, Lý Tự Trọng - Hải Hồ - Đống Đa, Quang Trung... Tại các vị trí này, thành phố đã đầu tư khớp nối hệ thống cống thoát có khẩu độ lớn, thu gom về các hồ điều tiết, hệ thống trạm bơm hoạt động chủ động nên không tái ngập dù mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, đợt mưa hồi đầu tháng 11 vừa qua vẫn còn rất nhiều điểm ngập, trong đó nghiêm trọng nhất là khu vực Trung tâm Bảo trợ xã hội (Đà Sơn, P. Hòa Khánh Nam), đường Lạc Long Quân (đoạn gần UBND P. Hòa Khánh Bắc), trước Khu công nghiệp Hòa Khánh, khu dân cư Phong Bắc, khu vực Khe Cạn, kênh Phần Lăng (Q. Thanh Khê), có nơi ngập tới gần 70cm. Thậm chí còn tiềm ẩn một số điểm ngập mới do hạ tầng không đồng bộ, hệ thống thoát nước chưa khớp nối hoặc đường thoát có nhiều loại cáp, đường ống nước sinh hoạt đi qua cản trở dòng chảy.

Ông Mai Mã cho biết, riêng ở nội thị Q. Hải Châu, dù đã cơ bản yên tâm với điểm ngập Nguyễn Văn Linh nhưng khu vực Lý Tự Trọng - Hải Hồ - Đống Đa thì phải tiếp tục đầu tư để tránh được nguy cơ tái ngập. Hiện tại tuyến công thoát nước chính của khu vực này đi qua chợ Đống Đa đã xuống cấp, hư hỏng nặng, mất khả năng thoát nước cũng như khả năng chuyển tải về cống dẫn. Đơn vị đã đề xuất UBND thành phố đầu tư 31 tỷ đồng xây dựng tuyến cống hộp đi theo đường Lý Tự Trọng đồng thời lắp đặt máy lược rác tự động tại trạm bơm Thuận Phước bằng việc đầu tư cống thoát, nâng năng lực thu gom dẫn ra trạm bơm Thuận Phước.

Điều đáng lo của Đà Nẵng hiện tại chính là nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ ngập úng nặng do các cống thoát vốn đã nhỏ lại bị hạ tầng của Cty Cấp nước, cáp viễn thông "bu" theo làm hẹp lại. "Các vị trí như cầu Đa Cô, kênh Phần Lăng, Yên Thế - Bắc Sơn đáng ra nên làm cầu để tăng khẩu độ cho nước chảy thì lại làm cống khiến nước bị phân thành từng ô hẹp. Đã thế nhiều nơi còn có đường ống nước, ống cáp đi qua. Nếu trời mưa lớn, không xử lý kịp thì cỏ rác, bèo sẽ tấp vào và trở thành nút chặn ngăn nước. Ở những vị trí này, nếu ngập sẽ ngập rất nặng", ông Mã cho hay.

Hơn 1.000 tỷ đồng xóa ngập

Ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua Sở đã tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các vị trí ngập sâu, trên diện rộng, thời gian ngập kéo dài ở khu vực trung tâm thành phố bằng các giải pháp đầu tư xây dựng, cải tạo hoàn chỉnh hạ tầng. Đến đầu năm 2017 toàn thành phố còn 36 điểm ngập thì hiện tại đã xử lý được 10 điểm. Để từng bước xử lý dứt điểm tình trạng này, Sở đã tham mưu UBND thành phố thống nhất chủ trương triển khai thực hiện 26 công trình xử lý ngập úng với tổng kinh phí khoảng 1.078 tỷ đồng. Hiện 14 công trình đang thực hiện chuẩn bị đầu tư, số còn lại đang triển khai thi công.

Theo ông Hùng, vướng mắc trong công tác giải tỏa đền bù là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ hầu hết các công trình chống ngập. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các địa phương và Trung tâm Phát triển quỹ đất đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để các Ban quản lý triển khai thi công theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng cho đến cuối năm 2017 vẫn còn rất chậm nên nhiều dự án không thể hoàn thành theo dự kiến. Chính vì vậy thành phố cần chỉ đạo các địa phương, Trung tâm Phát triển quỹ đất tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân để có mặt bằng "sạch" thực hiện các công trình đúng tiến độ.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thoát nước, hạn chế ngập úng cục bộ trong khu dân cư, song song với việc đầu tư xây dựng các dự án, Sở cũng đã tham mưu UBND thành phố thực hiện ký hợp đồng tư vấn giám sát độc lập đối với công tác dịch vụ thoát nước đô thị do Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì. Trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác nạo vét hệ thống mương cống thoát nước. "Sở Xây dựng đã thường xuyên theo dõi, kiểm tra thực tế, đôn đốc các Ban quản lý triển khai thực hiện các công trình theo tiến độ mà UBND thành phố yêu cầu, đảm bảo đến cuối năm 2018 sẽ cơ bản xử lý hết các điểm ngập úng", ông Hùng cho hay.

CÔNG KHANH