Báo Công An Đà Nẵng

Cuối năm cảnh giác với tội phạm mạng "giăng bẫy"

Thứ hai, 01/01/2024 07:30
Thủ đoạn lừa đảo cọc tiền để vay.

Lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch… vào dịp Tết sắp tới, các đối tượng sử dụng thủ đoạn bán "Combo du lịch giá rẻ" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây không phải là hình thức lừa đảo mới, tuy nhiên với những thủ đoạn ngày càng tinh vi như lập các trang mạng xã hội ảo, tài khoản ảo, giả làm đại lý hoặc thậm chí còn lập các website có tên miền giống với các trang web chính thức để đăng tải bài viết quảng cáo bán "Combo du lịch giá rẻ" bao gồm các dịch vụ như vé máy bay, tour du lịch, phòng khách sạn, hỗ trợ làm visa trên không gian mạng với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Khi có nạn nhân liên hệ, các đối tượng sẽ làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và yêu cầu nạn nhân đặt cọc trước hóa đơn để chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake tạo cuộc gọi video để lừa đảo.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng ANM), Công an TP Đà Nẵng cho biết, cứ vào các dịp cao điểm du lịch mùa hè hay dịp tết, người dân có nhu cầu đi lại, du lịch thì các đối tượng lại ráo riết sử dụng thủ đoạn này. Đơn cử như dịp du lịch hè vừa qua, đơn vị đã đấu tranh, làm rõ đối tượng N.T.T. Trang (1998, trú huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn "Combo du lịch giá rẻ". Cụ thể, Trang sử dụng nhiều sim rác, facebook ảo (như: JP Dương, Phòng vé Bình...), zalo ảo (Hữu An, Khánh An, Bình Hoàng Nữ...) để tham gia vào các hội nhóm du lịch, bán vé máy bay, book phòng khách sạn… trên không gian mạng để tiến hành tìm kiếm du khách có nhu cầu để nhắn tin tiếp cận. Tiếp đó, Trang giả là công ty du lịch, phòng vé máy bay… rồi đưa thông tin giả mạo, tài khoản giả để du khách chuyển tiền vé hoặc tiền cọc tour du lịch sau đó chiếm đoạt. Với thủ đoạn này, Trang đã lừa đảo hàng trăm người, chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng. Phòng ANM khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước quảng cáo bán gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường); cảnh giác khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ; đặc biệt cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo, tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…

Đối tượng lập tài khoản giả mạo "Phòng an ninh mạng" để lừa đảo.

Cũng vào dịp cuối năm, với lý do cần vay mượn tiền giải quyết công nợ, xoay xở các khoản chi tiêu cấp bách trong thời gian ngắn, các đối tượng lừa đảo tận dụng triệt để công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Deepfake). Phòng ANM cho biết, thủ đoạn của đối tượng là tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giả để thực hiện cuộc gọi video nhằm chiếm đoạt tài sản. Đơn cử, tại Đà Nẵng, Phòng ANM cho biết bà T.T.K trú quận Sơn Trà đã bị đối tượng sử dụng thủ đoạn này lừa đảo chiếm đoạn hơn 500 triệu đồng. Đối tượng mạo danh tài khoản facebook của con gái bà K. (hiện sinh sống ở nước ngoài), sử dụng hình ảnh đại diện, ảnh bìa và các thông tin giống hết với tài khoản chính chủ facebook của con bà K. rồi kết bạn và nhắn tin với bà. Chúng thu thập hình ảnh, video khuôn mặt của con gái bà K. và sử dụng công nghệ Deepfake để làm giả cuộc gọi video call với bà K. nhằm lấy lòng tin, rồi nhờ bà K. chuyển tiền. Khi bà K. thắc mắc về số tài khoản lạ thì đối tượng lấy lý do là chuyển tiền qua nước ngoài phải mất phí nên chuyển tiền qua số tài khoản trung gian nhằm tránh phí. Tin tưởng đây là con gái, bà K. đã chuyển cho đối tượng hơn 500 triệu đồng và bị chiếm đoạt. Phòng ANM cho biết, để đối phó với thủ đoạn này, người dân cần nhận biết một số dấu hiệu như thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây, ngắt giữa chừng với lý do là mất sóng, sóng yếu... và yêu cầu chuyển tiền; khuôn mặt của nhân vật trong video thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói, tư thế không tự nhiên, màu da bất thường; âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào hoặc không có âm thanh.

Ngoài ra, thời gian gần đây trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc đóng tiền để giải ngân. Ban đầu đối tượng tìm cách thu thập thông tin cá nhân người vay, sau đó yêu cầu người vay thực hiện theo hướng dẫn để được giải ngân. Tuy nhiên, đối tượng vin vào nhiều lý do cho rằng người vay thực hiện sai cú pháp nên phải chuyển tiền để được thực hiện lại. Nếu người vay không chịu đóng tiền, đối tượng sẽ lấy thông tin đã thu thập được trước đó để uy hiếp. Táo tợn hơn, gần đây, các đối tượng còn tạo tài khoản giả mạo "Phòng an ninh mạng", "Cục an ninh mạng" để hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng lấy lại tiền, nhưng thực chất lại lừa chiếm tiền của nạn nhân.

Theo Phòng ANM, dịp cuối năm là thời điểm các đối tượng lừa đảo liên tục "giăng bẫy" trên không gian mạng với đa dạng thủ đoạn, người dân phải hết sức cảnh giác. Trong đó, Phòng ANM chỉ ra một số thủ đoạn lừa đảo chủ yếu như: thủ đoạn nhắm vào lòng tham (giới thiệu việc nhẹ lương cao, thanh toán đơn hàng ảo nhận hoa hồng, thông báo trúng thưởng đóng phí nhận thưởng,…); thủ đoạn nhắm vào sự mất bình tĩnh của nạn nhân (giả công an, tòa án, viện kiểm sát gọi điện yêu cầu hợp tác điều tra để được hỗ trợ chạy án, tránh mất tài sản hoặc giả giáo viên gọi điện yêu cầu chuyển tiền để cấp cứu con em bị tai nạn…); thủ đoạn nhắm vào sự thiếu hiểu biết của nạn nhân (giả công an gọi điện hỗ trợ đăng ký tài khoản định danh điện tử, giả nhân viên nhà mạng điện thoại để gọi điện hỗ trợ nâng cấp sim rồi chiếm đoạt sim, tài khoản mạng xã hội nhắn tin mượn tiền…).

HẢI QUỲNH

.