Báo Công An Đà Nẵng

Cuối năm ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi

Thứ ba, 10/01/2017 10:25

(Cadn.com.vn) - Cuối năm, đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng, chúng tôi chứng kiến cảnh quan mới mẻ bởi một nhà hảo tâm đã đầu tư sơn vôi lại toàn bộ các dãy nhà. Hơn 20 cháu chung một mái nhà này là những đứa trẻ mồ côi, những mảnh đời bất hạnh sinh ra từ những cuộc tình trái ngang. Cũng có những cháu không may chào đời với dị tật bẩm sinh nên bị người thân ruồng bỏ..., Thế nhưng các cháu may mắn có chung sự yêu thương che chở của cộng đồng để từng ngày được lớn lên khỏe mạnh. Trực tiếp chăm sóc các cháu là những cô bảo mẫu hiền hòa, thân thiện. Tôi nghĩ, chỉ có những người mang trái tim đầy nhân ái với tấm lòng, người mẹ, người chị mới có thể làm tốt công việc này. Bởi chăm trẻ chưa bao giờ là chuyện nhàn hạ, nhất là những trẻ khuyết tật gần như nằm bất động, hoặc những trẻ còn rất non yếu mới được làm thủ tục đưa vào trung tâm chỉ có vài tuần tuổi, thậm chí vài ngày tuổi. Trong khi đó tiền lương các cô nhận được để trang trải cuộc sống riêng lại không nhiều hay nói chính xác hơn là quá ít!

Các cô bảo mẫu hiền hòa, thân thiện tại Trung tâm.

Có cô bảo “cái số em tự nhiên nó gắn bó vậy”. Tôi nghĩ, trong cuộc sống, nhiều việc chỉ là “duyên”. Cái “duyên” như là số phận, như là định mệnh mà tạo hóa đã lập ra cho con người. Trong hoàn cảnh nào, con người ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống của riêng mình. Nhờ thế mà người ta vẫn sống một cách có ích cho cộng đồng. Khi chị Nhì, Giám đốc Trung tâm ngỏ lời mời tôi cộng tác về mặt y tế để giúp chăm sóc sức khỏe các cháu, chị cứ ngập ngừng, rào đón: “...Chỉ có phụ cấp xăng xe và cà-phê cho vui thôi chứ không có tiền lương đâu nhé”. Tôi bảo, điều đó không quan trọng. Nếu chị cần thì trên đường đi về, mỗi tuần một hai lần tôi sẽ ghé lại thăm khám cho những cháu “trục trặc” về sức khỏe hoặc định kỳ thăm khám cho toàn bộ các cháu. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đùa với mọi người rằng, Ông Tổ nghề y đã chọn tôi, vì tôi có “duyên” với nghề nên đã run rủi cho tôi riêng một số phận và một cơ hội để theo nghề. Khi nhận lời chăm sóc các cháu về mặt y tế xem như là chút đóng góp của tôi cho cộng đồng. Và đây cũng là cách mà tôi trả ơn Tổ nghề y đã chọn tôi vậy.

Một nhóm du khách Australia chơi đùa với các cháu.

Đến với các cháu, tôi bắt gặp không ít tấm lòng từ tâm thầm lặng cả trong và ngoài nước. Khi một gia đình mang cho gạo sữa, lúc thì một chàng trai mua những chiếc khăn đến trao vội vàng cho cô chăm sóc trẻ. Khi thì những du khách đến từ Australia, Đan Mạch... ghé thăm và chơi đùa hàng giờ với các cháu, đặc biệt họ rất quan tâm những cháu khuyết tật. Có lần vài cô cậu sinh viên đến ẵm bồng, đút cho các cháu ăn và chụp hình lưu niệm. Và còn nữa, rất nhiều tấm lòng từ tâm mà tôi không thể nào kể hết ra được trong một bài viết ngắn... Mỗi lần tôi đến, tiếng bi bô của các cháu... “bác chỉ, bác xỉ...”, nghe mãi thành quen. Vài trẻ dạn dĩ tiến lại gần đưa tay bắt. Bắt mãi thành quen, trẻ nọ bắt chước trẻ kia nên nhiều lúc phải bắt tay từng đứa cho công bằng. Có cháu đứng trong nôi thèm thuồng đưa hai tay đòi bồng. Nhấc lên thả xuống lại đòi. Những cử chỉ thèm khát yêu thương đó đã làm trái tim nhạy cảm của tôi trào dâng cảm xúc. Tôi cũng đã nhiều lần dùng điện thoại di động chụp hình cho các cháu vui, vì các cháu rất thích. Chụp xong cho các cháu xem hình và chúng nở những nụ cười sung sướng. Khi bận chuyện đi xa thì lại thấy dường như có chút gì thiêu thiếu...

Mùa xuân lại về. Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng sắc xuân tụ lại quanh sắc áo xuân xanh màu hy vọng về những tấm lòng  mở rộng trái tim và vòng tay nhân ái chan hòa yêu thương dành cho những mảnh đời nhỏ nhoi, bất hạnh. Tự nhiên tôi ao ước, giá như tất cả trẻ em trên thế giới đều nhận được sự yêu thương và chăm sóc của bố mẹ thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn biết nhường nào.

Mai Hữu Phước