Cuối năm, “thợ đụng” đắt sô
(Cadn.com.vn) - “Thợ đụng” là cụm từ chỉ những người không chuyên về một công việc gì nhưng lại có thể làm được rất nhiều việc, đụng gì làm nấy. Thời gian cuối năm, song song với việc hoàn thành các công trình đang dở dang, nhiều gia đình gấp rút sửa chữa, tân trang lại nhà cửa để đón Tết. Đây là cơ hội để cánh thợ đụng “chạy sô” vừa làm đẹp cho người khác đồng thời kiếm thêm một khoản thu nhập cho chính cái Tết của mình.
Đụng gì làm nấy
Nếu như đầu năm, giữa năm người ta thường chọn thời điểm để khai trương, động thổ các công trình lớn hoặc cất móng làm nhà thì thời điểm cuối năm được ưu tiên cho việc tân trang, sửa chữa mặt tiền hoặc nội thất. Các khoản đầu tư cho công việc này thường không quá lớn cho nên để gọi thợ có thương hiệu là tương đối khó. Một mặt họ bận chạy tiến độ cho các công trình còn dở dang, mặt khác nếu “thầu” những hạng mục như thế này thì tiền công không được cao, khó ăn chia. Đây chính là cơ hội cho các tốp thợ nhỏ và những người có cái khiếu “biết mỗi thứ một ít”. Từ mắc lại hệ thống điện cho tới sửa sang ống nước trong nhà, từ quét vôi lăn sơn đến hàn xì cổng ngõ, đóng trần đến lát gạch, xây sửa phòng bếp, tân trang phòng khách..., cánh thợ đụng có thể làm được hết. Anh Tú, một người thợ ở P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết: “Nếu công trình quá nhỏ thì tìm thợ ở thời điểm này là rất khó.
Chính vì vậy mà khi được gọi, họ có thể làm giá nhưng nếu không đồng ý thì chủ nhà cũng không thể có lựa chọn nào khác”. Theo anh Tú, ở thời điểm hiện tại, tiền công cho thợ chính có thể lên tới 130-150 nghìn đồng, thậm chí có thời điểm ngấp nghé 200 nghìn đồng. Trong khi đó, công cho thợ phụ cũng gần 100 nghìn đồng/ngày. Nếu chủ nhà đồng ý làm khoán các công trình thì thợ có thể gọi thêm một vài anh em chạy tiến độ, và lúc đó tính ra mỗi thợ đụng có thể được trả công rất cao. Những nhóm thợ lành nghề, có uy tín thì có thể được mời làm công trình khác ngay trong khi chưa hoàn thành công trình này.
Anh Nguyễn Quang Vinh, thợ xây quê Thăng Bình (Quảng Nam), đang tu sửa ban công và lắp mới cổng nhà cho một gia đình ở P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ cho hay, nhóm thợ của anh gồm 4 người đã đảm nhiệm tu sửa nhà cho hàng chục gia đình kể từ giữa tháng 11 âm lịch tới nay, gần như không có ngày nghỉ. “Dạo này rất khó liên hệ để làm thợ cho các công trình lớn vì ở đó máy móc hiện đại và công nhân có tay nghề cao. Dịp cuối năm, nhờ có công việc nhiều nên thu nhập cũng khá, sợ mình không đủ sức làm thôi”, anh Vinh nói. Theo anh, ngoài cánh thợ bản địa, rất nhiều nhóm thợ xây từ các địa phương xung quanh TP Đà Nẵng cũng đã đổ về đây “săn” các công trình nhỏ, kiếm thêm tiền trang trải cho Tết. Ngoài các tốp thợ, rất nhiều người được thuê riêng lẻ để làm các công việc như xúc đổ giá hạ, xà bần, sơn tường, cắt tỉa cây cảnh, làm mới các ngôi mộ ở nghĩa trang...
Làm việc trong tư thế như thế này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Ảnh: C.K
Cảnh báo về mất an toàn lao động
Một điều dễ nhận thấy là hầu hết những người được coi là “thợ đụng” đều làm việc rất siêng năng, cần cù và tỉ mẩn. Nhiều “hạng mục” mà họ làm, các thợ lớn đều lắc đầu chào thua. Tuy vậy, cũng dễ nhận thấy rằng rất nhiều nơi, họ làm việc trong tư thế không có bảo hộ lao động. Đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động dẫn đến bị thương nặng hoặc những cái chết thương tâm nhưng do chủ quan hoặc không chịu đầu tư mà họ làm việc theo kiểu “tay không bắt giặc”. Cách đây mấy ngày, người dân đi đường đã tụ tập tại ngã tư đường Trần Phú – Lê Duẩn, tái mặt xem một tốp thợ lau kính nhà cao tầng mà tựa như diễn tập chống khủng bố. Trên độ cao hàng chục mét, 3 người thợ lau kính đu dây từ trên nóc nhà rồi đu từ từ men theo mặt kính của các tầng lầu trong tư thế lửng lơ. Thỉnh thoảng, họ vừa lau kính vừa quay qua nói chuyện, 3 sợi dây cứ đong đưa, chân họ lại dẫm lên mặt kính để điều chỉnh tư thế.
Không khó để tìm thấy những cảnh tượng thợ xây đi lại như chim trên các tòa nhà cao tầng không có lấy một dụng cụ bảo hộ lao động hay đứng trên những giàn giáo rung rinh rướn mình lăn sơn, tô tường. Mới đây, tại địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn, một thợ xây đã rơi từ tầng 2 xuống đất do vướng phải dây điện khi đang xây nhà. Anh này đã thoát chết trong gang tấc, nhưng những trường hợp may mắn như vậy trong thực tế không nhiều. Khi được hỏi “Vì sao không có bảo hộ lao động khi thi công trên cao?”, anh Trần Duy Hưng (quê Điện Bàn, Quảng Nam) đang đóng lại mái tôn cho một gia đình ở P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu gãi đầu: “Ngày làm ngày nghỉ mua rồi cũng bỏ đó. Với lại, đội mũ nhựa hay đeo dây vào người khó làm lắm”.
Đa số thợ xây, bó hẹp hơn nữa là nhóm “thợ đụng” đều có điều kiện kinh tế khó khăn. Công việc và thu nhập của họ gắn liền với cuộc sống của cả gia đình, vì thế “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Tuy vậy, rất nhiều người trong số đó bất chấp hiểm nguy, làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thường trực. Thông qua bài viết này, chúng tôi muốn một lần nữa cảnh báo, miếng cơm manh áo là rất quan trọng, nhưng không có gì bằng tính mạng của mình. Hãy bảo vệ chính mình thì đồng tiền làm ra mới có ý nghĩa.
Đông A