Cuối năm thương nhớ
|
Sài Gòn có những buổi sáng cuối năm se lạnh. Thoáng một chút sương mù trên những vòm cây cao vào lúc ngày chưa rạng. Tôi thường có thói quen ra khỏi nhà từ rất sớm, chạy xe trên lòng đường vắng bóng người vào những sớm tinh sương ngày giáp Tết, để nghe lòng bình yên và thanh thản.
Sài Gòn cũng có những buổi trưa cuối năm nắng hanh vàng. Và cả những buổi chiều như chợt chùng xuống, cho ta cái cảm giác bơ vơ thương nhớ và nuối tiếc đợi chờ, dù lòng ta chẳng có ai để đợi chờ chăng nữa! (Có ai để tôi chờ đợi trong bao năm nay? Có ai đâu dư thừa một bàn tay cho tôi níu với...?).
Những buổi sớm mai se lạnh hay những buổi trưa nắng nhẹ, những buổi chiều bâng khuâng của Sài Gòn vào những ngày cuối năm, năm nào cũng vậy, thường khiến lòng tôi se sắt nhớ về ba tôi, dù người đã từ bỏ chúng tôi ra đi 17 năm nay rồi...
Hình như ở đâu đó, trong sâu thẳm tâm hồn, nhất là trong những đêm không ngủ, trong những giờ khắc bất chợt lúc ngày tàn, lòng tôi lại chùng xuống trong nỗi bơ vơ khi nhớ về nguồn cội. Nhớ thương quá khứ là một nỗi ám ảnh dai dẳng, khôn nguôi. Mà tình quê lại là thứ ám ảnh lớn nhất trong nỗi nhớ thương kia. Mà thật lạ, nỗi nhớ ba tôi bao giờ cũng gắn liền với nỗi nhớ làng quê Giao Thủy êm đềm; mặc dù tuổi thơ dại của tôi là những ngày sống bên ông nội tôi vào thời chiến tranh chống Pháp... Sau nhiều năm tháng xa quê, tôi mới nghiệm ra rằng, đối với những người tha hương lưu lạc, thì dù đi bất cứ phương trời nào, làm bất cứ nghề nghiệp gì, dù thành đạt hay lỡ vận, dù phải tiếp nhận và cố gắng thích nghi với một môi trường văn hóa khác, thì trước sau cũng khó thoát ly khỏi tâm thức làng. Và những lễ tục, những giá trị nhân văn của làng đã ăn sâu vào tâm hồn, trở thành một thứ văn hóa cá nhân, luôn hòa nhịp trong văn hóa của dân tộc.
Có thể nói mà không hề sợ sai lầm rằng, cái ước vọng thầm kín cuối cùng của một con người may mắn được sinh ra và lớn lên ở một làng quê, mà ngày nay phải đi xa, là luôn mong được đặt bàn chân và trái tim của mình trở lại trên mảnh đất làng xưa, trước khi nhẹ nhàng, thanh thản ra đi khỏi cuộc đời này...
Chỉ mươi ngày vừa mới đây thôi, trước khi trở lại Sài Gòn, tôi đã có dịp quay về ngồi lại bên bờ sông quê hương, nhìn ra dòng nước sông Thu lặng lờ trôi, tôi cứ ngỡ như nhìn thấy cả thời gian, cả tâm hồn mình đang trôi mãi về phía chân trời xa. Dù cho cuộc sống có thay đổi thế nào đi chăng nữa, thì trước sau tôi vẫn muốn lội ngược tháng năm, tìm lại làng quê xưa của những ngày thơ ấu êm đềm, nơi đã nuôi dưỡng và đã rộng lượng ban cho tôi tấm lòng nhớ thương trĩu nặng...
Về quê ăn Tết. |
Cùng với nỗi nhớ quê không nguôi là lòng nhớ thương vô hạn về một người cha có tấm lòng bao dung rộng mở. Sống đến từng tuổi này, tôi chưa thấy ai tổ chức đón Tết tài tình, tươm tất như ba tôi. Tết năm nào cũng vậy, dù ngay trong những năm làm ăn thất bát, Tết với ba tôi bao giờ cũng phải có một cây mai vườn (lặn lội đi mua), hai phong pháo (trước năm 1975 và ngay cả sau năm 1975, vẫn còn lệ đốt pháo trong những ngày Tết!) và nhất thiết không thể không có một con heo độ 20-25 kg (Dĩ nhiên gia đình tôi không thể nào ăn hết, nhưng đã thành lệ, con heo ấy được thuê người về mổ tại nhà, trong ngày cuối năm, là dùng để đem biếu, tặng cho mọi người trong họ tộc và chòm xóm chung quanh !).
Ba tôi là một trong rất ít người trong lớp người xưa còn giữ lại, và rất sành, mọi nghi thức cúng kiếng, theo đúng phong tục, lễ nghi... Dân trong làng, và ngay cả các làng lân cận, mỗi khi có lễ lạc, đều đến tham khảo, học hỏi từ ba tôi. Và bao giờ cũng vậy, ba tôi tận tình và kỹ lưỡng giúp đỡ, hướng dẫn tận tường, mà không bao giờ ngại khó, từ nan, ngay cả khi phải ra đi giúp đỡ người khác ngay vào lúc trời lụt nước chảy xiết có thể lật úp chiếc thuyền nan nhỏ bé... Cho đến ngày cuối cùng, trước khi ra đi, ba tôi còn cầm tay tôi dặn dò, “giúp được cái gì cho người đời thì phải cố gắng nghe con!”. Thú thật, tôi chẳng bao giờ học hết được tấm lòng bao dung, rộng rãi và sẵn sàng giúp đời của ba tôi!
Từ tấm gương của lớp người đi trước, luôn sống bất vụ lợi, tôi học được, và muốn chia sẻ với các bạn điều này: Nếu một giọt sương long lanh có thể chứa đựng cả bầu trời xanh, thì một hành động nhân ái chắc chắn sẽ là phản quang của một tâm hồn cao quý, vị tha. Khi ta biết san sẻ cho người khác những gì ta có, là ta đã giúp chính ta trở nên con người hơn, và nhờ đó, cuộc đời của ta sẽ trở nên có ý nghĩa hơn!
Nhân ngày cuối năm, nhớ quê nhà, tôi muốn chia sẻ với các bạn điều tâm huyết này. Và đây cũng chính là nén hương lòng tôi muốn dâng lên cho tổ phụ, thân phụ của tôi, những người vẫn trước sau giữ được cái hồn làng chan hòa trong mệnh nước...
TẦN HOÀI DẠ VŨ