Cưỡng chế sai do... lỗi đánh máy!
* Cả gia đình đương sự có nguy cơ ra đường để ở
(Cadn.com.vn) - Trong đơn trình bày gửi các cơ quan chức năng, trong 2 năm 2007 và 2008 vợ của ông Võ Ba (1958, trú thôn Hòa Trung, xã Ea Bông, H. Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc) là bà Trần Thị Vân (1960) làm ăn thua lỗ, bị các chủ nợ kiện ra tòa, phải trả số nợ 546 triệu đồng. Để có số tiền nói trên, vợ chồng ông Ba phải bán toàn bộ tài sản gồm: nhà đất, xe đứng tên 2 vợ chồng (gồm: 2 xe tải, 5 lô nhà đất, 1,8 ha đất rẫy). Tuy nhiên, mọi việc trở nên phức tạp khi đoàn liên ngành tiến hành cưỡng chế căn nhà đứng tên ông Võ Ba tọa lạc tại thôn Hòa Trung, được bố mẹ sang nhượng từ năm 1994 (ngày 14-5-1994, UBND H. Krông Ana cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số: D0441802 đứng tên ông Võ Ba. GCNQSDĐ này hiện ông Ba vẫn đang nắm giữ).
Ông Ba và bà Vân có quan hệ tình cảm từ năm 1979 và có với nhau 6 người con (1 con riêng và 5 con chung). Năm 2004, ông Ba, bà Vân mới làm thủ tục đăng ký kết hôn. Khi cưỡng chế tài sản, Chi cục thi hành án dân sự H. Krông Ana ghi: "cưỡng chế tài sản hộ gia đình" nhưng lại không nói gì đến những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm 6 người con và một doanh nghiệp đứng tên trên đất của ông Ba. Do đó, ông Ba không chấp nhận việc cưỡng chế, đồng thời làm đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng.
Vợ chồng ông Võ Ba có nguy cơ mất nhà (ảnh) do lỗi đánh máy |
Sau gần 7 năm ôm đơn đi kiện, các cơ quan ban ngành liên quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, tòa hai cấp ở Đắc Lắc đã mở phiên xét xử vụ án dân sự "Yêu cầu hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vô hiệu và bồi thường thiệt hại" giữa nguyên đơn là ông Võ Ba và bị đơn là Chi cục thi hành án dân sự H. Krông Ana và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Đắc Lắc.
Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào sáng 16-2-2017, khi đại diện luật sư hỏi đất và tài sản trên đất tại thôn Hòa Trung đứng tên hộ gia đình hay một mình ông Võ Ba thì bà Nguyễn Thị Hà- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự H. Krông Ana khẳng định là tài sản hộ gia đình. Đến phiên xét xử buổi chiều cùng ngày, bà Hà lại nói tài sản này đứng tên cá nhân ông Võ Ba. Nguyên nhân, trong quá trình ban hành Quyết định 12, ngày 22-3-2011 có sai sót do đánh máy. "Phải chăng vì sự nhầm lẫn vô căn cứ này mà các thành viên gia đình ông Ba có nguy cơ phải ra đường để ở và bác toàn bộ đơn thư khiếu nại của ông Võ Ba? Đây là sự nhầm lẫn không thể chấp nhận được", một luật sư nêu quan điểm.
Cũng trong phiên tòa xét xử ngày16-2-2017, luật sư Phương Văn Thêm (Đoàn Luật sư TPHCM), đưa ra lập luận, tại Biên bản kê biên tài sản lập vào ngày 6-10-2009, bà Hà là chấp hành viên, người trực tiếp thụ lý vụ án, nhưng lại không có mặt do bị ốm. Thế nhưng, trong biên bản này lại có tên và chữ ký của bà Hà (đóng vai trò là thư ký). Ông Nguyễn An Tuấn mặc dù không có quyết định phân công của Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự H. Krông Ana nhưng vẫn có tên và chữ ký đóng vai trò là chấp hành viên (thay vai trò của bà Hà). Những tài sản, như kho của công ty trên đất của ông Ba không có tên trong kê biên, nhưng lại vẫn được đưa ra bán đấu giá. Biên bản tống đạt và biên bản niêm yết được lập cùng ngày cùng giờ cùng năm đều do bà Hà thực hiện.
Đối với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, mỗi lần đấu giá, bỏ giá theo lời khai là 10 triệu đồng, nhưng chỉ thông qua hai lần đấu giá lên cả trăm triệu đồng, là trái quy định của pháp luật. Đại diện Trung tâm này thừa nhận có sai sót. Bên cạnh đó, phải niêm yết, công khai ba lần và đăng tải trên một tờ báo, đài trung ương hoặc tại địa phương đó, nhưng Trung tâm này đã không làm.
Xem xét các tình tiết, nội dung của vụ án, HĐXX TAND tỉnh Đắc Lắc cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm TAND TP Buôn Ma Thuột đã xử trước đó và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của ông Võ Ba nhưng vẫn giữ nguyên quyết định ông Võ Ba và bà Vân có quan hệ hôn nhân từ năm 1979. Tòa cũng tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản giữa Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Đắc Lắc bán lại cho bà Liên Thị Cam hợp đồng số 163/2010/HĐMB năm 2010 và hợp đồng bán đấu giá tài sản 501 /2010/HĐ-TTĐG là vô hiệu.
Ngọc Giang