Báo Công An Đà Nẵng

Cướp biển hoành hành Châu Á

Thứ hai, 26/06/2017 09:40

(Cadn.com.vn) - Châu Á xảy ra nhiều vụ bắt cóc và cướp có vũ trang trên biển hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Theo các báo cáo của các cơ quan giám sát hàng hải toàn cầu và các nhóm ngành công nghiệp vận tải, bất chấp những cải thiện đáng kể về an ninh hàng hải của các quốc gia vùng duyên hải Châu Á trong những năm gần đây, khu vực này vẫn là điểm nóng số một toàn cầu về nạn cướp biển.

129 vụ trong năm 2016

Theo nhóm chống cướp biển trên các Đại dương (OBP), Châu Á chứng kiến số vụ cướp biển cao nhất, với tổng cộng 129 vụ việc xảy ra trong năm 2016. Ngược lại, Tây Phi, khu vực nổi tiếng thứ hai về hoạt động cướp biển, chỉ có 95 vụ xảy ra vào năm ngoái.

Số liệu năm 2016 cho Châu Á vẫn còn tồi tệ nhưng trên thực tế lại phản ánh bức tranh hỗn tạp cho các nhà phân tích an ninh.  Từ năm 2015, các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Malaysia và Indonesia nỗ lực giảm các vụ cướp biển và cướp có vũ trang ở vùng biển Châu Á, dẫn đến việc lập các toán tuần tra và các nhóm phản ứng phối hợp chung để tiến hành các hoạt động chống cướp biển.

Động thái này mang lại một số hiệu ứng tích cực: bắt giữ 23 vụ cướp biển ở Châu Á trong năm 2016, số vụ liên quan tới cướp biển trong năm 2016 (129 vụ) giảm 35% so với năm 2015 (199 vụ). Số vụ cướp biển và cướp có vũ trang trên biển giảm trong năm 2016 phản ánh rõ hiệu quả cải tiến của các cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin khu vực.

Tuy nhiên, đây không phải là toàn bộ câu chuyện. Dù số lượng các vụ tấn công cướp tàu do OBP ghi nhận giảm, các vụ bắt cóc tăng lên. Tổng cộng có 185 thuyền viên bị bắt làm con tin, theo xu hướng mà các nhà quan sát cho là có liên quan đến các hoạt động gia tăng của các nhóm nổi dậy Hồi giáo ở miền nam Philippines.

Một phần do nỗ lực thực thi pháp luật, và một phần là do những nỗ lực bắt cóc tại biển Sulu và Celebes, năm 2016 cũng chứng kiến sự gia tăng các vụ bạo lực gây chết người ảnh hưởng đến các thuyền viên của khu vực. Vào năm 2015, không có thủy thủ nào chết ở Châu Á do các cuộc tấn công cướp biển, nhưng bạo lực trên biển nghiêm trọng hơn vào năm 2016. 2 thuyền viên bị những kẻ bắt cóc giết chết và 4 người khác thiệt mạng do các sự cố liên quan tới cướp biển.

Các đơn vị chống khủng bố của Cảnh sát biển Philippines và Nhật tập trận chống cướp biển tại vịnh Manila. Ảnh: Diplomat

Châu Á “đứng ngồi không yên”

Vì các vụ việc này, Châu Á trở thành mối đe dọa chính đối với ngành vận tải thế giới. Điều này đặc biệt đáng tiếc khi 2/3 số tàu biển của thế giới đi lại trong vùng biển Đông Nam Á. Để ngăn chặn xu hướng mới này, Indonesia, Malaysia và Philippines hồi năm ngoái đã cho phép các lực lượng an ninh hàng hải của các nước tiến hành các vụ truy quét cướp biển trong vùng biển của các nước còn lại. Nhiều biện pháp khác như tuần tra phối hợp tại Biển Sulu-Sulawesi và đường dây nóng giữa 3 nước cũng đã được thử nghiệm.

Tuy nhiên, nỗ lực chống cướp biển của khu vực trong tương lai phụ thuộc một phần kết quả của việc giải quyết tình trạng bất ổn lan tràn ở miền nam Philippines, khu vực mà trước đây đã cung cấp nơi trú ẩn cho các phiến quân và tội phạm nước ngoài cũng như những kẻ nổi dậy địa phương. Ví dụ những phiến quân Al-Qaeda người Malaysia và Indonesia liên kết nhóm Jemaah Islamiyah (JI) ẩn náu ở đó trong nhiều năm trước khi bị các lực lượng an ninh Philippines bắt giữ. Những kẻ trốn chạy này chủ yếu được Abu Sayyaf, nhóm thánh chiến Philippines đứng sau nhiều vụ cướp biển gần đây, che chở.

Một nhóm phe phái của Abu Sayyaf đã liên kết với các nhóm nổi dậy nhỏ khác và cam kết trung thành với IS và hiện đang chiến đấu với chính phủ Philippines nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Marawi, trên đảo Mindanao. Sự bùng nổ bạo lực trên đất liền liên quan đến an ninh hàng hải vì các phiến quân này có tham vọng mới là hình thành một khu vực bất hợp pháp tại miền nam Philippines, để từ đó có thể mở rộng các hoạt động tấn công và bắt cóc ở biển Sulu và Celebes.

Lo sợ bị tấn công, nhiều tàu buôn buộc phải tìm tuyến đường khác, vì các quốc gia trong khu vực không thể ngăn chặn các cuộc tấn công từ các tàu cướp biển hoạt động ở miền nam Philippines. Các nhà quan sát cảnh báo, sự mạnh lên của các nhóm ủng hộ IS có thể là mối đe dọa đối với an ninh biển của ASEAN. Tình trạng cướp biển sẽ tiếp tục gây rắc rối cho các nền kinh tế Châu Á ngay cả khi khu vực này hiện đại hóa nhanh chóng trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, tình hình không hoàn toàn ảm đạm. Lưu thông qua eo biển Malacca và Singapore hiện nay trở nên an toàn hơn trước đây.

AN BÌNH (Theo Diplomat)