Cướp biển Venezuela - tai họa mới của vùng biển Caribbean
Khi nền kinh tế Venezuela sụp đổ, một làn sóng những người dân vô luật pháp đang tràn sang hòn đảo Trinidad gần đó. Ngư dân nước này hiện đang sống trong nỗi sợ hãi về cướp biển Venezuela, trong khi những kẻ buôn lậu ở Venezuela trao đổi ma túy và súng để đổi lấy những nhu yếu phẩm cơ bản.
Candy Edwards từng bị cướp biển Venezuela bắt cóc và đòi tiền chuộc. Ảnh: BBC |
Bờ biển phía tây nam Trinidad là ví dụ điển hình như trong trí tưởng tượng của nhiều người về một thiên đường nhiệt đới như trong các tài liệu quảng cáo du lịch. Những bãi biển vàng và những rặng dừa? Những ngôi làng yên bình với nhiều ngư dân đang ngủ dưới những cây cọ? Một khung cảnh thư giãn và thoải mái? Thật ra, không phải vậy.
Nhìn kỹ hơn ở những ngôi làng như Fullarton, chúng ta sẽ nhận thấy một vài thứ không đúng. Tại sao có rất nhiều ngư dân có động cơ 200 mã lực trên thuyền của họ, trong khi chỉ cần 75 mã lực là quá đủ? Và tại sao, khi họ ra khơi câu cá vào ban đêm, không ai trong số họ bật đèn lên nữa? Câu trả lời, như ngư dân Gerry Padarath giải thích, là cướp biển. "Bây giờ chúng ta đều sợ chúng. Có khoảng 50 ngư dân trong làng đã phải đối mặt với chúng, bị cướp hoặc bị bắt cóc. Cơ hội duy nhất của chúng tôi là câu cá trong bóng tối, để chúng không nhìn thấy, hoặc mua động cơ mạnh hơn để có thể chạy thoát", ông Padarath cho biết.
Cướp biển à? Ở Caribbean à? Đó là câu chuyện của 300 năm trước phải không? Cho đến nay, tên cướp biển duy nhất mà mọi người biết đến ở Trinidad là hình ảnh của Henry Morgan, thuyền trưởng cướp biển khét tiếng thế giới vào thế kỷ XVII.
Ông Padarath chỉ ra biển, nơi có thể nhìn thấy một dải nước bùn màu nâu, một bờ biển khác. Đó là đại lục Venezuela, chỉ cách Trinidad 20km. Trước đây, những chuyến phà thường xuyên đưa các nhóm khách du lịch Venezuela đến tiệc tùng ở Trinidad. Tuy nhiên, ngày nay, khi Venezuela trượt sâu hơn vào sự sụp đổ kinh tế toàn diện, các cảng ven biển nghèo nàn của nó đã trở thành nơi trú ẩn cho những thủy thủ tư nhân.
Hầu hết những tên cướp biển là cựu ngư dân, những người từng kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá ngừ, bạch tuộc và tôm, vốn rất phong phú ở vùng biển ấm áp như Caribbean. Nhưng dưới thời cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, ngành công nghiệp đánh cá đã trải qua một chương trình quốc hữu hóa có chủ đích nhưng tai hại, khiến các Cty phải di dời ra nước ngoài. Với tình trạng siêu lạm phát gia tăng, nhiều ngư dân hiện không có việc làm và không có cách nào để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, họ có quyền tiếp cận vào thuyền và súng, vốn sẵn sàng cung cấp trên các đường phố ngày càng vô luật pháp của Venezuela.
Thật đáng buồn khi nhớ lại cuộc khủng hoảng cướp biển ở Somalia một thập kỷ trước, nơi những ngư dân thất nghiệp đã cầm vũ khí để cướp những con tàu đi qua. Nhưng trong khi những tên cướp biển Somalia nhắm vào những con tàu chở hàng giàu có, cướp biển Venezuela có xu hướng tìm kiếm những ngư dân từ Trinidad, những người không mấy giàu hơn họ.
Candy Edwards, một nạn nhân của cướp biển Venezuela sống ở làng Icacos, nơi những chiếc thuyền câu cá bằng gỗ dài được xếp trên bãi biển kể rằng, anh đang ra khơi câu cá với hai người bạn thì một đoàn thuyền chĩa súng máy vào họ. "Họ nhảy lên tàu và trói chúng tôi lại. Sau đó, họ đưa chúng tôi đến Venezuela và nhốt chúng tôi trong một cái chuồng trong rừng. Họ yêu cầu một khoản tiền chuộc 35.000 USD để thả chúng tôi. Cộng đồng ở Icacos đã trả tiền và chúng tôi được giải thoát sau 7 ngày. Nhưng tôi rất sợ nên đã không trở lại biển trong một năm", Edwards kể.
Vào những ngày này, những câu chuyện như vậy được kể rất nhiều dọc theo bờ biển phía tây nam Trinidad. Nhưng đó không chỉ là những vụ bắt cóc và cướp biển khiến mọi người lo lắng. Những tên cướp biển cũng là những kẻ buôn lậu lớn, mang cocaine và súng vào Trinidad, thúc đẩy các cuộc chiến băng đảng tàn khốc và ngày càng nguy hiểm tại hòn đảo. Trên đường trở về nước, chúng mang theo gạo, dầu ăn và những thứ cơ bản khác, tất cả hiện đang bị thiếu hụt ở Venezuela. Vấn đề băng đảng đã tồn tại trong gần hai thập kỷ tại Trinidad, nhưng nước này ngày càng chìm trong làn sóng những người vô luật pháp trôi dạt từ Venezuela, khiến tình hình càng tồi tệ hơn.
AN BÌNH