Cựu binh, doanh nhân Nguyễn Xuân Sơn: Sống là sẻ chia!
Quê anh ở Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1972, anh nhập ngũ vào quân đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào-Trị-Thiên. Năm 1988, anh trở về hậu phương sau những năm tháng gian khổ của đời lính, lại thêm gia đình khó khăn. Bố anh, ông Nguyễn Văn Đương là một thương binh chống Pháp, cán bộ tiền khởi nghĩa, bản thân anh cũng là thương binh. Năm 1989, anh vào Đà Nẵng làm nghề buôn bán phế liệu. Vất vả, gian nan nơi đất khách quê người không làm nản chí tinh thần người cựu binh Nguyễn Xuân Sơn. Buôn bán phế liệu ngày càng khó khăn, năm 1996 anh tham gia sản xuất lót giày quế và chuyển hẳn sang nghề này từ năm 2004. Ban đầu là 1 tổ sản xuất nhỏ, đến năm 2005 chuyển thành Công ty TNHH Hương Quế, chuyên sản xuất lót giày, dép các loại và vài sản phẩm khác với nhãn hiệu Hương Quế, cơ sở sản xuất hiện nay ở tại P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Anh Nguyễn Xuân Sơn kiểm tra sản phẩm đế lót giày tại xưởng. |
Từ những miếng lót giày, những đôi dép đơn sơ được tiêu thụ nội địa, nay, những sản phẩm mang thương hiệu Hương Quế đã có mặt ở các thị trường Châu Âu, Nam Mỹ, và một số nước Châu Á. Sản phẩm của Công ty được dành làm tặng phẩm tại một số hội nghị quốc tế tại Việt Nam. Từ 4 công nhân, đến nay, Công ty có gần 100 cán bộ công nhân viên, hầu hết là lao động tại TP Đà Nẵng, trong đó có một số công nhân là con em gia đình chính sách. Từ một, hai loại mặt hàng lót giày và dép, đến nay, Hương Quế đã có 20 loại sản phẩm với nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú, chất lượng cao, được khách hàng tín nhiệm và ưa chuộng, tỷ lệ xuất khẩu có năm đạt trên 42% với gần 1 triệu sản phẩm. Vì sao Hương Quế đạt kết quả tiêu thụ cao như vậy, chúng tôi đặt câu hỏi với CCB Nguyễn Xuân Sơn. Anh ví von rất lính: "Đánh Mỹ thì dựa vào dân, bám thắt lưng địch mà đánh, bây giờ sản xuất kinh doanh thì dựa vào lực lượng công nhân, bám lấy thị trường, phải làm sao sản phẩm thích ứng thị trường, hài lòng người tiêu dùng. Sản phẩm phải đạt ít nhất cả 3 tiêu chí: chất lượng, văn hóa, uy tín thì mới thắng được. Đây là cả vấn đề phải suy nghĩ thường xuyên của người lính năm xưa, doanh nhân ngày nay. Đây cũng là sự sống còn của một thương hiệu". Từ suy nghĩ này, CCB Nguyễn Xuân Sơn cùng với tập thể Hương Quế luôn chịu khó nghiên cứu cả thị trường trong và ngoài nước. Hầu hết sản phẩm Hương Quế được sản xuất thủ công, bền, đẹp, tinh xảo được nhiều khách nước ngoài đến tham quan, thiết lập quan hệ thương mại và đối tác đã cho rằng các dòng sản phẩm Hương Quế luôn gần gũi, thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Mặt khác, chất lượng quế phải thơm, cay và ngọt để khi người dùng sản phẩm phải đạt được công dụng và hiệu quả cao.
Mạnh mẽ, quyết liệt trong công việc là vậy, song khi tiếp xúc, gần gũi với anh, nhất là khi tâm sự, chúng tôi dễ dàng cảm nhận nơi người CCB Nguyễn Xuân Sơn tình cảm rất sâu sắc, lòng thương người thật chân thành. Anh luôn nói về quá khứ gian khó của gia đình, cha mẹ, anh em, quê hương, những người cưu mang, dìu dắt, giúp đỡ anh trong cuộc mưu sinh, những đồng đội của anh một thời trong quân ngũ, đặc biệt là những đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường, những người nghèo trong xã hội. Anh suy nghĩ: "Đi qua chiến tranh, còn sống là may rồi. Mình đi từ gian khổ, cay cực mà đi lên. Bây giờ cuộc sống gia đình cũng khá rồi, đây cũng là sự may mắn. Do vậy, mình luôn nghĩ đến những người không may mắn quanh mình. Nghĩ vậy nên mình luôn cố gắng chia sẻ với bà con, đồng đội, quê hương, đặc biệt là phải luôn gần gũi, quan tâm chia sẻ với công nhân lao động trong công ty". Riêng đối với người lao động ở Công ty có đời sống ngày một khá hơn, thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/ người/ tháng, bảo đảm đầy đủ các loại bảo hiểm y tế, xã hội, thất nghiệp và nhiều phúc lợi khác. Riêng Công ty của anh, chưa năm nào nợ thuế, lương, thưởng, bảo hiểm, vì vậy, bản thân anh cũng như công ty Hương Quế được Bộ Công thương, VCCI, UBNDTP Đà Nẵng tặng nhiều bằng khen, nhiều giải thưởng như: Nhà cung cấp uy tín của Anh Quốc, Chứng chỉ ứng dụng Hải quan, Bằng kiểm định chất lượng sản phẩm của Đức...
Việc chia sẻ nghĩa tình hàng chục năm qua, anh nói không thể nhớ hết được. Chỉ tính riêng 2 năm trở lại đây, anh cùng công ty đã hỗ trợ làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, khuyến học, giúp đỡ người nghèo, trẻ em bất hạnh, nạn nhân chất độc da cam, đồng đội cũ, hỗ trợ làm đường giao thông, thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Đến giờ, trở thành doanh nhân, có cuộc sống tương đối khá giả, Nguyễn Xuân Sơn tự đúc kết: "truyền thống gia đình, quê hương, được rèn luyện, trưởng thành trong quân ngũ đã cho mình một ý chí, bản lĩnh, luôn biết vượt lên khó khăn, thử thách, không chịu đầu hàng hoàn cảnh. Chính nhờ tinh thần đó, mình mới được như ngày hôm nay". Sống có ý chí vươn lên và một tấm lòng thương người, luôn biết chia sẻ với cộng đồng, CCB Nguyễn Xuân Sơn thật xứng đáng là người lính Cụ Hồ.
Phú Phúc